Nhảy đến nội dung
 

Thành phố Đà Nẵng mới sẽ có tới 3 di sản thế giới được UNESCO công nhận

Thành phố Đà Nẵng mới sau khi sáp nhập tỉnh Quảng Nam với thành phố Đà Nẵng hiện nay có 3 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Đây là lợi thế lớn để phát triển du lịch.

Theo nghị quyết hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, dự kiến sẽ hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, lấy tên là thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Như vậy Đà Nẵng sau khi hợp nhất sẽ có quy mô dân số hơn 2,7 triệu người (tỉnh Quảng Nam dân số hơn 1,5 triệu người, thành phố Đà Nẵng có dân số khoảng 1,2 triệu người) với nhiều nguồn lực.

Với thế mạnh là dịch vụ du lịch, việc sáp nhập này được kỳ vọng sẽ tiếp tục bổ sung nguồn lực mới cho nhau. Đặc biệt là khi Đà Nẵng sau khi sáp nhập có tới 3 di sản được UNESCO công nhận, tạo nên sức hút lớn trên bản đồ thế giới.

Trong đó phố cổ Hội An (Quảng Nam) chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999. Đây là đô thị cổ nằm ở sông Hoài (hạ lưu sông Thu Bồn) có lịch sử hình thành suốt thế kỷ 17 và 19.

Từ lâu Hội An đã trở thành điểm đến thu hút du khách bởi quần thể Di sản thế giới Hội An có 1.360 di tích với khoảng 1.068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần…

Một di sản văn hóa khác được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999 là thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Thánh địa Mỹ Sơn hay còn gọi là khu đền tháp Mỹ Sơn có niên đại từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 13 bao gồm hơn 70 công trình kiến trúc, đền đài của văn hóa Chămpa.

Cùng với 2 di sản văn hóa thế giới trên, "Ma nhai Ngũ Hành Sơn" ở danh thắng Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng cũng là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới được UNESCO công nhận năm 2022.

"Ma nhai" (văn khắc bia đá) tập hợp 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Ma nhai có nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ 17 - 20.

Bia ma nhai Ngũ Hành Sơn là những tư liệu cực kỳ giá trị, đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia như Nhật Bản - Trung Hoa - Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ 17 - 19.

Đây là nguồn di sản tư liệu có giá trị trên nhiều phương diện, phản ánh nhiều mặt không chỉ với địa phương mà cả đất nước trong thời phong kiến.

Thời gian qua, nhiều du khách Nhật Bản, Trung Quốc đã thực hiện hành trình du lịch sử liệu để tìm hiểu mối giao lưu văn hóa từ nhiều thế kỷ trước được lưu dấu tại đây.