Nhảy đến nội dung
 

Thanh niên chung tay, gần 2.000 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử

Năm năm qua (2021-2025) đã có hơn 1.500 hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên được thành lập. Từ chính các mô hình này mà gần 2.000 sản phẩm OCOP của thanh niên đã lên các sàn thương mại điện tử.

Những vùng quê nông thôn được chính các bạn trẻ đánh thức, vươn mình phát triển từng ngày. Có thể nói đó là một trong những cách cụ thể để tuổi trẻ cùng tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới do Đoàn phát động vừa tổng kết chiều 17-4 và sẽ tiếp tục thời gian tới.

Bỏ phố lên núi làm du lịch

Chẩu Thanh Ngà - phó bí thư Đoàn xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) - từng là hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội. Lương tháng ngót nghét 20 triệu của Ngà là ao ước của bao bạn trẻ miền núi quê nhà. Vậy mà một ngày Ngà quyết định bỏ việc, về quê.

Ai nghe cũng tiếc hành trình hơn tám năm phấn đấu của cậu ở công ty. Nhưng Ngà về, cùng nhóm bạn trẻ măng ở quê lập hợp tác xã, san mảnh đất sau vườn dựng nhà, khởi nghiệp từ mấy chiếc cột nhà sàn cũ. Ngôi nhà sàn truyền thống được dựng lên, Ngà viết dự án kết hợp với bạn khác nuôi cá đặc sản, làm dịch vụ đưa đón khách du lịch tham quan hồ thủy điện.

Homestay toàn người trẻ, từ lễ tân đến nấu bếp, hướng dẫn viên, lái tàu rồi cả đội văn nghệ cũng toàn các bạn trẻ măng trong những bộ quần áo dân tộc sắc màu nhảy sạp, chơi đàn tính, vui lửa trại với khách. Từng bước chậm rồi homestay Tài Ngào của các bạn trẻ ấy trở thành điểm đến nổi tiếng ở huyện.

Khách xa, khách nước ngoài đến cứ muốn ở thêm chẳng chịu về. Tài Ngào là tên một nhân vật trong truyền thuyết của đồng bào trong vùng biết dời núi, vét sông Gâm, chỉ bà con trồng lúa, làm ăn để có cuộc sống ấm no. "Mô hình khởi nghiệp tụi mình đang làm không chỉ tạo thu nhập mà hướng đến tập hợp các bạn đoàn viên, thanh niên trong xã cùng làm du lịch gắn với nét văn hóa địa phương", Ngà khoe.

Bí thư Tỉnh Đoàn Tuyên Quang Dương Minh Nguyệt cho hay du lịch được xác định là một trong những khâu đột phá trong nghị quyết đại hội Đảng của tỉnh. Làm sao khai thác tiềm năng để phát huy loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng. Và bước đầu đã hình thành nhiều điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách.

Trong đó việc giữ gìn, bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan, môi trường tại những điểm du lịch cộng đồng rất cần bà con tự nguyện tham gia để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, cũng là tạo sinh kế bền vững cho họ. 

Chị Nguyệt nói các bạn trẻ năng động, sáng tạo, tiếp cận công nghệ nhanh lan tỏa các mô hình, việc làm trên mạng, kết nối với bạn trẻ và bà con khắp nơi.

"Chừng chục năm trước nhiều vùng quê miền núi khó tìm ra bộ trang phục truyền thống thì bây giờ các bạn trẻ chủ động tìm mua, may lại trang phục dân tộc mình, học hát dân ca, đóng góp xây dựng cảnh quan, văn hóa ở nông thôn", chị Nguyệt nói.

Thêm những làng quê đáng sống

Ấp 1, xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) là một trong ba mô hình được Trung ương Đoàn chọn làm điểm "Làng quê đáng sống". Chỉ vài năm, hơn 200 hộ dân với cả ngàn nhân khẩu tại đây không còn sống chung với cảnh ngập lụt, nhà ở tạm bợ.

Nơi đó được đầu tư hạ tầng nông thôn, có đường bê tông, đèn đường, kênh mương kiên cố, chỉnh trang nhà cửa, đường làng ngõ xóm... thành điểm tìm đến của du khách. Những thay đổi của vùng quê này phần lớn từ việc huy động nguồn lực của tỉnh đoàn cùng sự chung sức của đoàn viên, thanh niên gần xa.

Theo Trung ương Đoàn, giai đoạn 2021-2025 các cấp bộ Đoàn cả nước đã có nhiều công trình, phần việc thanh niên tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn với tinh thần chủ động, trách nhiệm và sáng tạo, đạt nhiều kết quả.

Phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới" thực hiện mục tiêu quốc gia về nông thôn mới được cụ thể hóa bằng các hoạt động gắn với tiêu chí hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống, sinh hoạt và sản xuất của bà con.

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm đánh giá các địa phương đã huy động đông đảo lực lượng trẻ tham gia xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, nhất là các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Nhờ đó tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng hưởng thụ trực tiếp cho thanh niên và cư dân nông thôn.