Tham vọng quốc phòng của ông Macron

Ngày 13-7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết tăng thêm 6,5 tỉ euro (7,6 tỉ USD) cho chi tiêu quốc phòng trong 2 năm tới, nâng tổng ngân sách cho chi tiêu quốc phòng lên 74,8 tỉ USD vào năm 2027.
Ngân sách này gấp đôi con số 37,64 tỉ USD vào thời điểm ông Macron nhậm chức năm 2017. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Pháp đưa nước hình lục lăng đứng trước cơ hội đạt được một bước ngoặt về quốc phòng.
Tuy nhiên, liệu Paris có vượt qua những thách thức hiện tại để đạt được tham vọng mới hay không vẫn còn là một ẩn số.
Thời điểm không thuận lợi
"Nỗ lực chi tiêu lịch sử mới là phù hợp, đáng tin cậy và không thể thiếu. Đây chính xác là điều cần thiết… Kể từ năm 1945, tự do chưa bao giờ bị đe dọa nghiêm trọng như vậy.
Chưa bao giờ hòa bình trên lục địa của chúng ta lại phụ thuộc nhiều vào những quyết định mà chúng ta đưa ra ngày hôm nay đến vậy.
Nói một cách đơn giản: Để được tự do trong thế giới này, chúng ta phải khiến người khác sợ hãi. Muốn người khác sợ hãi, chúng ta phải mạnh mẽ" - ông Macron phát biểu vào đêm trước Quốc khánh Pháp (14-7, theo giờ địa phương).
Kế hoạch này phản ánh tham vọng phô diễn sức mạnh quân sự Pháp của Tổng thống Macron trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine, căng thẳng Trung Đông, cũng như chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện an ninh của các quốc gia phương Tây. Bối cảnh hiện tại buộc lục địa già phải nghiêm túc xem xét lại việc phân bổ ngân sách cho quốc phòng và vũ trang.
Kể từ khi đắc cử vào năm 2017, ông Macron đã xem việc tái thiết quân đội là ưu tiên hàng đầu sau nhiều thập niên cắt giảm kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Tuy nhiên nhà lãnh đạo Pháp lại quyết định tăng chi tiêu quốc phòng vào thời điểm không mấy thuận lợi đối với ông khi quyền kiểm soát chính sách đối nội của ông bị hạn chế bởi một Quốc hội đang gặp nhiều bế tắc.
Bên cạnh đó, Pháp đang đối mặt với những hạn chế chi tiêu lớn hơn so với các quốc gia khác trong châu lục.
Sự chệch hướng trong nỗ lực khôi phục tài chính công sau đại dịch COVID-19 và khủng hoảng năng lượng đã khiến quốc gia Tây Âu này có mức thâm hụt ngân sách thuộc nhóm lớn nhất khu vực sử dụng đồng euro.
Pháp đã tích lũy một khoản nợ công khổng lồ, khiến tỉ lệ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đạt mức 113% vào năm 2024, chỉ sau Hy Lạp và Ý.
Thâm hụt ngân sách đạt mức 5,8% GDP vào cuối năm 2024, cao hơn nhiều so với mức giới hạn 3% của Liên minh châu Âu (EU). Do đó, nợ quốc gia trở thành một trong những nhân tố chính kìm hãm mọi tham vọng và mục tiêu quốc phòng, theo báo Financial Times.
Đòn bẩy hay gánh nặng?
Theo nhận định của giới phân tích, việc tăng chi tiêu quốc phòng ngay thời điểm Pháp đang gặp khủng hoảng về ngân sách cho thấy chính phủ và quân đội của quốc gia này đánh giá mức độ rủi ro an ninh hiện tại là cực kỳ nghiêm trọng.
Ở thời điểm hiện tại, chỉ riêng mối đe dọa từ Nga đã là một vấn đề cấp bách với Pháp. Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp Thierry Burkhard ngày 11-7 tuyên bố Pháp là "đối thủ chính của Nga ở châu Âu", mà nguyên nhân đến từ sự ủng hộ của Paris dành cho Kiev trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Pháp là quốc gia duy nhất trong EU có vũ khí hạt nhân, đồng thời sở hữu lực lượng vũ trang mạnh nhất trong số 27 thành viên của liên minh này.
Tại Tây Âu, chỉ có Anh là cường quốc hạt nhân với quân đội có sức mạnh tương đương Pháp, tuy nhiên xứ sở sương mù đã rời EU.
Do đó, nếu vượt qua được những thách thức về ngân sách, Pháp có khả năng trở thành một trong những trụ cột quan trọng đảm bảo an ninh châu Âu thay cho Mỹ, đặc biệt vào thời điểm có yếu tố "thiên thời" khi chính sách đối ngoại của Washington thay đổi buộc châu Âu phải "tự lực cánh sinh" hơn về quốc phòng.
Trên thực tế, việc đạt được thế tự chủ chiến lược về quốc phòng cũng là mục tiêu của Tổng thống Macron và giới chức nước này.
Trong một cuộc phỏng với tờ La Tribune Dimanche (Pháp) đăng ngày 13-7, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu khẳng định: "Không ai ở Pháp muốn đất nước chúng ta phải phụ thuộc vào người khác về mặt quân sự".
Tuy nhiên tham vọng này không phải là "miếng bánh dễ ăn" với người Pháp. Việc tăng chi tiêu quốc phòng nhưng thiếu chiến lược và sự phối hợp với EU sẽ khiến nguồn lực bị lãng phí và trầm trọng thêm khủng hoảng ngân sách.
Không chỉ vậy, đầu tư vào quốc phòng còn gia tăng nguy cơ kéo đất nước hình lục lăng vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Song song đó, Pháp phải giải quyết được bài toán cân bằng giữa chi tiêu quốc phòng và phúc lợi xã hội (Guns and Butter).
Ông Macron cho biết khoản chi tiêu quốc phòng mới sẽ không phải vay nợ để trả. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi cải cách kinh tế để thúc đẩy năng suất và sự đóng góp từ mọi người. Do đó, vẫn chưa rõ liệu Paris sẽ dùng cách gì để đạt được mục tiêu quốc phòng để không cần cắt giảm phúc lợi.