Thái Lan siết chặt bồi thường hàng không

Quy định mới của Thái Lan bảo vệ hành khách với mức bồi thường lên tới 4.500 baht (3,6 triệu đồng) khi chuyến bay bị hoãn được kỳ vọng trở thành "tấm gương" cải thiện tỉ lệ đúng giờ cho hàng không châu Á.
Kể từ ngày 20-5, các quy định mới của Cục Hàng không dân dụng Thái Lan chính thức có hiệu lực, buộc các hãng hàng không phải bồi thường và cung cấp hỗ trợ cho hành khách khi chuyến bay bị hoãn hoặc hủy.
Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực hàng không tại Đông Nam Á - nơi tình trạng chậm, hủy chuyến vẫn còn phổ biến.
Quy định chi tiết
Đối với chuyến bay quốc tế, các hãng phải cung cấp hỗ trợ hoặc bồi thường cho khách khi hoãn hoặc hủy chuyến mà không báo trước.
Nếu chuyến bay bị hoãn hơn hai giờ, hãng bay có trách nhiệm cung cấp đồ ăn thức uống miễn phí và truy cập miễn phí các dịch vụ liên lạc.
Trường hợp chuyến bay bị hoãn hơn năm giờ, ngoài các hỗ trợ cơ bản, hành khách được bồi thường 1.500 baht (khoảng 1,2 triệu đồng) bằng tiền mặt hoặc hình thức tương đương trong vòng 14 ngày kể từ khi xảy ra sự cố.
Với chuyến bay bị hoãn hơn 10 giờ, mức bồi thường sẽ tăng theo quãng đường, từ 2.000 đến 4.500 baht (1,6 - 3,6 triệu đồng). Đối với chuyến bay bị hủy mà không thông báo trước ít nhất bảy ngày, mức bồi thường tương đương trường hợp hoãn trên 10 giờ.
Tuy nhiên, hãng bay sẽ được miễn trách nhiệm bồi thường nếu sắp xếp được chuyến bay thay thế cùng điểm đến trong vòng ba giờ trước hoặc sau thời gian đã lên lịch, hoặc việc hủy chuyến do các trường hợp bất khả kháng như thời tiết cực đoan.
Đối với chuyến bay nội địa, tiền bồi thường khi chuyến bay bị hoãn cũng được tăng lên mức 1.500 baht. Nếu hành khách đã ngồi trên máy bay mà chuyến bay bị hoãn, hãng phải đảm bảo khoang máy bay thoáng khí, nhiệt độ phù hợp, khả năng tiếp cận nhà vệ sinh và dịch vụ y tế khẩn cấp.
Áp lực cải thiện
Từ năm 2004, Liên minh châu Âu đã áp dụng quy định EU261 về bồi thường cho khách đi máy bay, được xem là quy định bảo vệ hành khách mạnh nhất thế giới.
Khi chuyến bay bị chậm từ ba giờ, bị hủy trong vòng 14 ngày trước khởi hành, hoặc hành khách bị từ chối lên máy bay vì hết chỗ, mức bồi thường có thể lên đến 600 euro (17,5 triệu đồng).
Theo bà Karolina Wojtal - giám đốc Trung tâm Người tiêu dùng châu Âu, hành khách hiện nay thường xuyên phải đối mặt với việc các chuyến bay bị hủy hoặc hoãn.
Dữ liệu từ Công ty Skycop cho thấy gần 2% các chuyến khởi hành từ các sân bay EU bị hoãn hoặc hủy trong năm 2024 với tổng số tiền bồi thường ước tính lên tới 2 tỉ euro.
Việc áp dụng các quy định bồi thường được cho là có khả năng cải thiện việc bay đúng giờ. Tại Úc, các chuyên gia chỉ trích chính phủ không đưa ra quy định phải bồi thường tiền mặt khi hoãn hoặc hủy chuyến, dẫn đến tình trạng chậm trễ phổ biến của các hãng bay nội địa.
Việc Thái Lan đưa ra quy định chặt chẽ hơn không chỉ cải thiện khả năng đúng giờ của các hãng bay trong nước mà còn góp phần nâng cao hiệu suất hàng không của châu Á.
Theo số liệu mới nhất của Cirium, khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tháng 4-2025 ghi nhận hơn 19.000 chuyến bay bị hủy, cao hơn nhiều so với 6.645 chuyến ở Bắc Mỹ và 5.311 chuyến ở châu Âu.