Nhảy đến nội dung

Thách thức quản lý khách thuê căn hộ kiểu Airbnb

Tôi rất phản đối đề xuất cấp phép cho lưu trú ngắn hạn tại căn hộ chung cư rồi quản lý thay vì cấm triệt để như hiện tại. Vì người thuê căn hộ Airbnb chung cư chủ yếu là để đi chơi, nên giờ đó họ còn nhiều năng lượng, không thể bắt họ phải im lặng. Trong khi cư dân lại cần yên tĩnh để ngủ, lấy sức hôm sau còn đi làm, đi học. Hai nhóm này hoàn toàn khác nhau về giờ giấc sinh hoạt.

Nhiều người nói ai làm ồn quá quy định thì phạt, nhưng thực tế, tiếng ồn ở đây không chỉ là tiếng hát hò, la hét, mở nhạc lớn quá cường độ âm thanh cho phép. Ở đây, nó có thể là tiếng cười nói, trò chuyện rôm rả lúc nửa đêm, lúc to lúc nhỏ. Chính những âm thanh như vậy khiến người bình thường rất khó ngủ được lúc 11, 12 giờ đêm. Đó là chưa kể đến những chuyện thiếu tế nhị khác mà khách thuê phát ra. Họ có sống ở đó đâu mà họ cần tế nhị? Và những tiếng ồn như vậy rất khó có đủ cơ sở để xử phạt.

Hơn nữa, muốn phạt vi phạm tiếng ồn cần có thiết bị đo âm thanh được kiểm tra bởi người có thẩm quyền, vào đúng lúc, đúng thời điểm. Trong khi các phường, xã làm sao có đủ nhân lực làm việc này, đặc biệt là vào buổi đêm. Mà ngay cả khi đã phạt được rồi thì hôm sau lại có một nhóm người hoàn toàn khác đến thuê căn hộ và lặp lại tình trạng y chang. Vậy phải xử phạt bao nhiêu cho xuể? Cuối cùng, người chịu thiệt vẫn mãi là các hộ dân sinh sống trong chung cư.

>> 'Quản lý khách thuê căn hộ Airbnb chung cư khó hơn cấm hẳn'

Tôi xin chia sẻ thêm một chút về hoạt động lưu trú ngắn hạn ở Nhật Bản để các bạn có một sự so sánh:

Ở Nhật Bản có luật dân cư lưu trú (Minpaku Law) ban hành từ năm 2018 nhằm hợp pháp hóa việc cho thuê nhà ở ngắn hạn. Tuy nhiên, luật này không đồng nghĩa với việc người cho thuê nhà có quyền mở dịch vụ ở bất cứ đâu họ muốn, ngay cả khi đó là nhà riêng, căn hộ riêng của họ. Có hai điểm quan trọng nhất của luật này là người cho thuê phải đăng ký giấy phép với chính quyền địa phương, chịu sự quản lý của cơ quan chức năng và thời gian cho thuê tối đa 180 ngày một năm.

Sau đó, dựa theo quy định riêng của từng chính quyền địa phương như khu vực được phép mở dịch vụ (quận, phường nào), thời gian được phép mở dịch vụ (ngày nào, thời gian nào)... thì người có nhà cho thuê mới được phép kinh doanh lưu trú ngắn hạn.

Sau khi đáp ứng được đầy đủ hai tiêu chí trên, nếu là nhà riêng thì bạn có quyền kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn hạn; còn nếu là chung cư thì bạn còn phải phụ thuộc vào quy định riêng của từng khu căn hộ, ban quản lý có thể cho phép bạn mở dịch vụ hoặc không. Và thông thường, chỉ có một số tòa chung cư chuyên dành cho thuê lưu trú dài hạn thì chủ đầu tư mới đồng ý cho phép hoạt động này. Còn phần lớn các tòa chung cư mà hộ gia đình sở hữu, sinh sống thì khó mà nhận được sự đồng ý.

Nói vậy để thấy, ở nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động cho thuê căn hộ lưu trú ngắn hạn (Airbnb) cũng đều được kiểm soát và quản lý rất chặt. Tất cả những vấn đề phát sinh từ mô hình kinh doanh này đều phải được nghiên cứu và có giải pháp xử lý rõ ràng trước khi được cấp phép. Và với người Việt cũng không phải ngoại lệ. Nếu chưa có đủ chế tài luật pháp, lực lượng quản lý thì việc cấp phép cho lưu trú ngắn ngày tại căn hộ chung cư sẽ chỉ "lợi bất cập hại".

Hiro