Nhảy đến nội dung
 

Tên phường xã mới sáp nhập ở TP.HCM: Phường Thủ Đức 'trái tim' phía đông thành phố

Sau sáp nhập, phường Thủ Đức mang theo dấu ấn hơn 300 năm lịch sử và kỳ vọng trở thành đô thị thông minh phía đông TP.HCM.

Phường Thủ Đức hình thành trên cơ sở sáp nhập 5 phường: Linh Chiểu, Bình Thọ, Trường Thọ, một phần phường Linh Tây và một phần phường Linh Đông.

Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính mới ở UBND phường Bình Thọ cũ (17 đường Chân Lý, phường Thủ Đức, TP.HCM). Trung tâm phục vụ hành chính công ở số 2 Nguyễn Công Trứ; trụ sở công an ở số 371 Đoàn Kết.

Bí thư Đảng ủy phường Thủ Đức: ông Mai Hữu Quyết. Chủ tịch UBND phường Thủ Đức: bà Nguyễn Thị Mai Trinh.

Từ quận đến thành phố, rồi thành… phường sau sáp nhập

Theo sách Thủ Đức - 50 năm trên đường phát triển do UBND TP.Thủ Đức cũ biên soạn, vùng đất Thủ Đức có bề dày lịch sử lâu đời, từng mang nhiều tên gọi qua các thời kỳ. Năm 1698, nơi đây thuộc huyện Phước Long rồi trở thành khu thanh tra Thủ Đức.

Năm 1911, khu vực này được nâng cấp thành quận Thủ Đức thuộc tỉnh Gia Định, sau đó là huyện Thủ Đức thuộc thành phố Sài Gòn - Gia Định vào tháng 5.1975.

Đến năm 1997, Thủ Đức chính thức trở thành tên gọi của một quận lớn nằm ở phía đông TP.HCM. Năm 2021, quận Thủ Đức được sáp nhập cùng quận 2 và quận 9 cũ để thành TP.Thủ Đức, định hướng trở thành trung tâm sáng tạo và công nghệ của khu vực.

Đến ngày 1.7, Thủ Đức một lần nữa được sắp xếp lại, nay trở thành tên gọi của một phường mới - phường Thủ Đức.

Khám phá phường mới Thủ Đức sau gần 1 tháng hoạt động, chúng tôi theo dấu lịch sử tìm về cội nguồn của địa danh này. Từ chợ Thủ Đức, chúng tôi men theo đường Võ Văn Ngân, rồi rẽ vào một con hẻm nhỏ phía sau đình thần Linh Đông.

Giữa khu dân cư yên ắng bất chợt hiện ra một ngôi mộ cổ phủ đầy rêu phong, trên bia khắc rõ hàng chữ "Tiền hiền Tạ Dương Minh".

Theo ghi chép trên bia, địa danh Thủ Đức được đặt theo tên hiệu của ông Tạ Dương Minh. Ông cùng với một số cư dân đã khai khẩn, mở ấp và lập nghiệp từ những năm 1667 - 1725.

Nhờ công đức khai hoang vùng đất mới, mộ cổ và đình Linh Đông (ở đường Chương Dương) thờ tự ông Tạ Dương Minh được UBND TP.HCM công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Cách ngôi mộ không xa, xuôi theo đường Võ Văn Ngân vào một chiều nắng, chúng tôi tìm đến chợ Thủ Đức tồn tại hơn 3 thế kỷ. Với lối kiến trúc cổ kính, từ ngôi chợ nhỏ được dựng bằng gỗ ở thế kỷ 17, hiện tại chợ Thủ Đức được ví như "trái tim" buôn bán của khu vực.

Hàng trăm sạp lớn nhỏ san sát, bày bán đủ loại mặt hàng thiết yếu cho đời sống thường nhật từ rau củ, thịt cá tươi sống đến đồ khô, gia vị, quần áo…

Với nhiều người dân địa phương, chợ Thủ Đức không đơn thuần là nơi mua bán, mà đã trở thành một phần quen thuộc trong nếp sống, nếp nghĩ của họ.

Rời khỏi chợ Thủ Đức, chúng tôi đến với một ngôi chùa mang tên Nam Thiên Nhất Trụ, tọa lạc trên đường Đặng Văn Bi. Nằm gần với giao lộ Võ Nguyên Giáp, nơi xe cộ tấp nập suốt ngày đêm, ngôi chùa như một khoảng lặng hiếm hoi giữa phố thị ồn ào.

Được xây dựng theo mô hình chùa Một Cột (ở Hà Nội), Nam Thiên Nhất Trụ thể hiện rõ nét kiến trúc đặc trưng của hệ phái Phật giáo Bắc Tông.

Toàn bộ chi tiết từ mái ngói đến đường nét hoa văn tại ngôi chùa này đều được tái hiện gần như nguyên bản so với bản gốc. Tuy nhiên thay vì sử dụng bằng gỗ, ngôi chùa này được dựng bằng bê tông cốt thép.

Trải qua nhiều thập kỷ, Nam Thiên Nhất Trụ không chỉ là nơi hành thiền và sinh hoạt tôn giáo, mà còn là điểm đến văn hóa tâm linh quen thuộc của người dân Thủ Đức. 

Chùa thường xuyên tổ chức các buổi giảng pháp, lễ hội..., góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa trong đời sống cộng đồng.

Hướng đến đô thị thông minh, hiện đại

Sau sáp nhập, phường Thủ Đức đang hiện thực hóa định hướng trở thành khu đô thị kiểu mẫu với hạ tầng hiện đại và hệ thống tiện ích đa dạng. Khu vực này sở hữu tới 3 ga metro số 1 (ga Thủ Đức, ga Bình Thái và ga Phước Long), kết nối với cảng Trường Thọ là một đầu mối giao thông trọng yếu.

Bên cạnh đó, phường còn tập trung nhiều tuyến giao thông huyết mạch như Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân cùng các trục đường kết nối trực tiếp với khu đông TP.HCM, tạo thuận lợi cho phát triển đô thị và liên kết vùng.

Đến với phường Thủ Đức mới sau sáp nhập, người dân được phục vụ theo kiểu mới. Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thủ Đức, nhiều người dân đến làm thủ tục hành chính không khỏi bất ngờ với cách vận hành sáng tạo khi áp dụng robot thông minh tiếp đón và hỗ trợ người dân.

Các "cán bộ" robot tự động di chuyển tới các dãy ghế trong sảnh, phục vụ nước uống và các biểu mẫu cần thiết; giúp người dân rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính.

Chị Thu Hiền (20 tuổi, ở phường Thủ Đức) thích thú khi được các tình nguyện viên hỗ trợ tư vấn trực tiếp và tận tay nhận giấy điền hồ sơ từ robot. Chị nói, đây là lần đầu tiên chị được phục vụ bởi robot thông minh.

"Lúc đầu hơi ngại vì không quen, nhưng các bạn tình nguyện viên hướng dẫn rất kỹ, thao tác với robot cũng nhanh và tiện lợi. Tôi thấy bất ngờ khi phường mới lại có ứng dụng công nghệ hiện đại như vậy", chị Thu Hiền chia sẻ.

Chia sẻ về phương hướng phát triển phường mới sau sáp nhập, bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy phường Thủ Đức cho hay: "Phường Thủ Đức triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng đô thị với trọng tâm mở rộng đường sá, cải thiện hệ thống thoát nước, phát triển công viên, cây xanh và không gian công cộng.

Ngoài ra, công nghệ thông minh được áp dụng trong quản lý giao thông, an ninh, môi trường và dịch vụ công, thông qua hệ thống camera giám sát, cổng thông tin tương tác, ứng dụng theo dõi quy hoạch và cấp phép trực tuyến".

Bà Thảo nói thêm: "Phường cũng thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị và khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích mô hình kinh doanh nhỏ, thương mại - dịch vụ, đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, công nghệ và logistics".

Sau sáp nhập, Thủ Đức vẫn hiện diện, mang theo ký ức lịch sử, bản sắc địa phương và kỳ vọng về một đô thị văn minh, hiện đại ở phía đông TP.HCM.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn