Nhảy đến nội dung
 

Tên phường xã mới sáp nhập ở TP.HCM: Phường Phú Nhuận có nét gì riêng?

Sau sáp nhập, phường Phú Nhuận mang diện mạo mới, nhưng vẫn giữ trọn nét văn hóa, lịch sử và bản sắc vùng đất hơn 300 năm giữa lòng TP.HCM.

Sáp nhập phường từ ngày 1.7, phường Phú Nhuận chính thức có mặt trên bản đồ hành chính TP.HCM, khoác lên mình một diện mạo mới: rộng hơn, đông dân hơn… nhưng vẫn giữ nguyên mạch sống, nếp xưa và bản sắc văn hóa của một vùng đất trầm tích giữa lòng đô thị.

Phường Phú Nhuận mới hình thành từ việc sáp nhập các phường 8, 10, 11, 13 và một phần phường 15 của quận Phú Nhuận. Diện tích 1,46 km2 và quy mô dân số 68.420 người. Trụ sở làm việc tại 159 Nguyễn Văn Trỗi.

Theo UBND TP.HCM, lý do sáp nhập không chỉ vì yếu tố địa lý gần kề của 5 phường, mà còn bởi sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa, phong tục, tín ngưỡng và lịch sử.

"Phú nhuận ốc, đức nhuận thân"

Sáng sớm cuối tháng 6, trước thời điểm chính thức đổi tên, chúng tôi dạo bước qua những con hẻm nhỏ quanh khu vực phường mới để lắng nghe hơi thở đời sống nơi đây.

Bên ly cà phê thơm nồng trong một quán cóc, những cụ ông tóc bạc kể lại chuyện xưa. Có người không nhớ rõ tên Phú Nhuận có từ bao giờ, chỉ nhắc rằng có thể bắt nguồn từ câu "Phú nhuận ốc, đức nhuận thân" (nghĩa là sự giàu có làm đẹp nhà cửa, còn đức độ làm đẹp bản thân - PV). Và cũng bởi thế, mới có thêm tên phường Đức Nhuận trong danh sách phường mới của quận.

Lật lại cuốn Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, tên gọi Phú Nhuận gắn bó với mảnh đất này từ thời mở cõi. Năm 1698, nơi đây được ghi nhận là thôn Phú Nhuận. Đến giữa thế kỷ 19, thôn trở thành làng, rồi xã. Năm 1965, xã Phú Nhuận thuộc quận Tân Bình, tỉnh Gia Định. Sau năm 1975, Phú Nhuận tách khỏi quận Tân Bình, trở thành một quận riêng như ngày nay.

Giữ lại tên Phú Nhuận sau sáp nhập là một cách kế thừa lịch sử, đó còn là cách thành phố gìn giữ bản sắc trong guồng quay đô thị hóa ngày càng nhanh và sâu rộng.

Ông Phạm Trọng Hưng (64 tuổi) là cư dân lâu năm chia sẻ, cha mẹ của ông ở miền Bắc, di cư vào TP.HCM lập nghiệp vào thế kỷ trước. Nhận xét về việc đặt tên phường Phú Nhuận sau sáp các đơn vị hành chính, ông Hưng nói rất đồng tình với chủ trương bỏ tên phường bằng cách đánh số.

"Đặt tên phường Phú Nhuận, Đức Nhuận, Cầu Kiệu... rất hay, đẹp và gợi nhớ lịch sử về mảnh đất này. Tôi hy vọng từ những cái tên này, thành phố sẽ ngày càng phát triển", ông Hưng cho hay.

Bản sắc phường Phú Nhuận sau sáp nhập

Câu chuyện về Phú Nhuận không chỉ là tên gọi. Đó còn là những lát cắt văn hóa, lịch sử gắn bó với đời sống người dân qua nhiều thế hệ. Như chợ Phú Nhuận (tên cũ là chợ Xã Tài), được người dân kể rằng do ông Lê Tự Tài khai khẩn và lập nên từ giữa thế kỷ 19. Để tưởng nhớ, một con đường tại phường cũng được đặt theo tên ông.

Dạo bước trên đường Lê Văn Sỹ, chúng tôi dễ dàng bắt gặp nhà thờ Đa Minh - Ba Chuông lặng lẽ nhưng uy nghi, với kiến trúc mô phỏng mái đình làng Việt và gam màu xanh lá nhẹ nhàng.

Hay như chùa Đại Giác (ở 13 Nguyễn Văn Trỗi) và nhà thờ Phú Nhuận (ở đường Hoàng Văn Thụ), những công trình tôn giáo không chỉ là chốn tín ngưỡng, mà còn là điểm tựa tinh thần của bao thế hệ cư dân gắn bó với vùng đất này.

Trên bản đồ hành chính mới, phường Phú Nhuận tiếp giáp các trục đường lớn như Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Nguyễn Văn Trỗi… Đây là nơi hội tụ các tuyến giao thông huyết mạch, đồng thời cũng là "khu phố sống" sôi động của TP.HCM với nhiều hàng quán, cửa tiệm lâu đời.

Bên cạnh đó, phường Phú Nhuận ở phía bắc giáp phường Đức Nhuận, phía nam giáp quận 3 (cũ, nay là phường Xuân Hòa), phía đông giáp phường Cầu Kiệu và phía tây là quận Tân Bình (cũ), nơi có thể dễ dàng di chuyển tới sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong báo cáo giữa kỳ về điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 gửi UBND TP.HCM của Liên danh tư vấn gồm: Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Viện Quy hoạch miền Nam…, đề xuất định hướng trong tương lai TP.HCM phát triển đô thị sân bay quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Khu vực quận Phú Nhuận và quận Tân Bình (cũ) được xác định là tiểu vùng đô thị sân bay, với vai trò then chốt trong phát triển dịch vụ, du lịch, văn phòng và hệ sinh thái hỗ trợ hàng không.

Nhắc đến ẩm thực Sài Gòn, người ta thường bảo: "Chưa ăn cơm tấm, coi như chưa đến Sài Gòn". Ít ai ngờ rằng giữa phường Phú Nhuận mới có một quán cơm tấm, thương hiệu Ba Ghiền, quán cơm tấm duy nhất tại Việt Nam được Michelin Guide vinh danh suốt 3 năm liền. Tọa lạc trên đường Đặng Văn Ngữ và tồn tại từ năm 1995, quán trở thành một phần trong ký ức vị giác của biết bao người dân và du khách.

Việc đặt tên phường Phú Nhuận không những mang tính kế thừa, mà còn là cách trân trọng những giá trị đã góp phần làm nên bản sắc TP.HCM.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn