Nhảy đến nội dung
 

Tên phường xã mới sáp nhập ở TP.HCM: Phường Gò Vấp 'ngẩng đầu có máy bay'

Phường Gò Vấp hình thành từ sáp nhập 2 phường cũ, mang tên gọi gắn bó lịch sử và đặc trưng đô thị cạnh sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.

Sáp nhập phường từ 1.7, giữa tiếng máy bay trên bầu trời phía tây bắc TP.HCM, phường Gò Vấp chính thức được gọi tên trên bản đồ hành chính, một cái tên ăn sâu vào ký ức của nhiều thế hệ thị dân.

Phường Gò Vấp được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 đơn vị hành chính là phường 10 và phường 17 của quận Gò Vấp (cũ). Sau sắp xếp, phường mới có diện tích 2,81 km2 và quy mô dân số 110.850 người. Trụ sở đơn vị hành chính ở 332 Quang Trung.

Vì sao Gò Vấp được chọn làm tên phường mới sau sáp nhập?

Ngược dòng lịch sử, trước tháng 5.1957, Gò Vấp từng là một quận thuộc tỉnh Gia Định xưa và có 10 xã. Trong đó có xã đô thị là Hanh Thông, An Nhơn, Thông Tây Hội và 5 xã nông thôn là An Phú Đông, Tân Thới Hiệp, Thạnh Lộc, Nhị Bình và Bình Mỹ A.

Sau ngày đất nước thống nhất, Gò Vấp là một quận thuộc thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến tháng 7.1976, Gò Vấp trở thành quận nội thành của TP.HCM, nhưng phần đất thu hẹp chỉ còn 3 xã: Hạnh Thông, An Nhơn và Thông Tây Hội. Các xã còn lại được điều chuyển về các quận, huyện khác như quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi…

Từ nền tảng của 3 xã này, Gò Vấp chia thành 17 phường và đặt tên theo số thứ tự. Sau đó sáp nhập dần xuống 12 phường, và nay chỉ còn lại 6 phường.

Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Gò Vấp, việc thực hiện sáp nhập, đổi tên thành 6 phường mới. Đây là những tên gọi có ảnh hưởng rộng lớn cả về không gian địa lý lẫn đời sống văn hóa - xã hội, vừa lưu giữ được những giá trị lịch sử truyền thống của vùng đất Gò Vấp xưa, vừa kế thừa và phát huy thành quả lịch sử đấu tranh cách mạng.

Để hiểu hơn về vùng đất này, chúng tôi đi dọc theo các con đường, len lỏi vào những hẻm nhỏ của phường Gò Vấp mới. Một trong những điểm đến đặc biệt là chùa Kỳ Quang 2 trên đường Lê Hoàng Phái. Đây là ngôi chùa hơn 100 năm tuổi, từng được ghi nhận là nơi nuôi dạy nhiều trẻ mồ côi và khuyết tật nhất Việt Nam.

Cách đó không xa là chùa Trung Nghĩa (đường Lê Đức Thọ), chùa Định Huệ (đường Nguyễn Văn Lượng) hay nhà thờ Xóm Thuốc (đường Quang Trung)..., những công trình tín ngưỡng không chỉ là nơi gửi gắm tâm linh, mà còn là nơi lưu giữ nếp sống qua nhiều thế hệ.

Từ tiếng động cơ đến tầm nhìn đô thị

Khi nhắc đến phường 10 (cũ) nay là một phần của phường Gò Vấp mới, không thể không nhắc đến đặc điểm độc đáo về địa lý và âm thanh: nơi đây nằm ngay sát vành đai sân bay Tân Sơn Nhất.

Chúng tôi có mặt tại khu dân cư cận sân bay, nơi có những con hẻm ngoằn ngoèo. Ở đó, những ngôi nhà nhỏ san sát nhau, có nơi chỉ cách sân bay một bức tường. Và cũng tại đây, người dân đã quen với việc ngẩng đầu là thấy máy bay vụt qua mái nhà.

Phường Gò Vấp mới nằm ngay trong đường hạ cánh của máy bay khi vào Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Từ sáng sớm đến khuya muộn, cứ 5 đến 15 phút lại có một chuyến bay lướt qua. Tiếng động cơ gầm rú đôi lúc lấn át mọi âm thanh khác nhưng với người dân nơi đây, đó là một phần của đời sống, là nhịp quen thuộc của ngày trôi.

Trên đường Quang Trung, không khó để tìm thấy những quán cà phê ven đường với vị trí đắc địa để… ngắm máy bay. Uống cà phê giữa tiếng động cơ máy bay, người ta thấy mình đang sống ngay bên cạnh nhịp thở của một thành phố không ngủ.

Trong báo cáo giữa kỳ về quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060, khu vực phía đông và phía bắc quận Gò Vấp (cũ) được đề xuất định hướng trở thành đô thị phía bắc sân bay Tân Sơn Nhất. 

Không gian này sẽ phát triển thành khu vực đô thị tương đối độc lập, với nhiều cơ hội việc làm tại chỗ, cơ sở hạ tầng được đầu tư theo hướng đồng bộ và bền vững.

Sau sáp nhập, phường Gò Vấp sẽ không chỉ là địa danh gợi nhớ một vùng đất xưa, mà còn là nơi chứng kiến sự thay đổi từng ngày giữa nhịp sống hiện đại, giữa tiếng máy bay rền vang, và giữa những câu chuyện đời thường vẫn tiếp diễn trong từng con hẻm.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn