Telegram và những bê bối rúng động toàn cầu: Là "mảnh đất màu mỡ của tội phạm" với hàng loạt đường dây lừa đảo, ấu dâm; nhà sáng lập bị cáo buộc 12 tội danh

Từ nền tảng được tôn vinh là biểu tượng của tự do ngôn luận, Telegram dần trở thành nơi dung dưỡng cho các hoạt động bất hợp pháp như buôn bán ma túy, phát tán nội dung ấu dâm, rửa tiền, lừa đảo xuyên quốc gia và được ví như một “mảnh đất màu mỡ của tội phạm”.
Việt Nam: Yêu cầu chặn Telegram vì tiếp tay tội phạm
Mới đây, Cục Viễn thông, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) nhận được văn bản của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) thuộc Bộ Công an về việc phối hợp ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam.
Theo đó, cơ quan công an thông tin về các vi phạm pháp luật liên quan đến ứng dụng Telegram như có tới 68% kênh, nhóm xấu độc trong tổng số 9.600 kênh, nhóm Telegram tại Việt Nam, nhiều hội, nhóm với hàng chục ngàn đối tượng tham gia, do các đối tượng chống đối, phản động tạo lập, tán phát tài liệu chống phá, xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến lừa đảo, rao bán dữ liệu người dùng, ma túy; có trường hợp nghi vấn liên quan đến khủng bố...
Điều đáng chú ý, theo một tài liệu được Reuters trích dẫn, Telegram không hề hợp tác trong việc cung cấp thông tin người dùng để phục vụ công tác điều tra, khiến cơ quan chức năng Việt Nam buộc phải mạnh tay.
Pháp: Đường dây ấu dâm bị triệt phá – Telegram là “công cụ trung gian”
Trong tháng 5/2025, cảnh sát Pháp đã triệt phá một mạng lưới ấu dâm quy mô lớn hoạt động thông qua ứng dụng nhắn tin mã hóa Telegram. Cuộc điều tra kéo dài 10 tháng đã dẫn đến việc bắt giữ 55 người đàn ông, bao gồm linh mục, giáo viên và nhân viên y tế, bị cáo buộc chia sẻ và lưu hành nội dung lạm dụng trẻ em trong các nhóm kín trên nền tảng này. Các nghi phạm được cho là đã liên lạc với những kẻ ấu dâm "cực kỳ nguy hiểm" đã bị giam giữ từ năm trước.
Quentin Bevan, người đứng đầu OFMIN, cho biết: "Phải mất 10 tháng điều tra để truy tìm những kẻ lạm dụng. 10 tháng làm việc bí mật liên quan đến hàng ngàn cuộc trao đổi, phân tích và phát hiện hình ảnh ấu dâm bởi lực lượng đặc nhiệm được thành lập tại OFMIN. 55 cá nhân đều trao đổi hình ảnh CSAM (tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em) với kẻ ấu dâm nguy hiểm, chúng tôi đều có bằng chứng”.
Vụ việc này đã làm dấy lên lo ngại về việc Telegram không kiểm soát hiệu quả nội dung bất hợp pháp, biến nền tảng này thành nơi trú ẩn cho tội phạm mạng. Các cơ quan chức năng Pháp đang tiếp tục điều tra để xác định mức độ liên quan và trách nhiệm của Telegram trong việc ngăn chặn và xử lý các hành vi phạm pháp trên nền tảng của mình.
Tây Ban Nha: Phát tán trái phép nội dung OnlyFans
Cùng vào tháng 5 năm 2025, cảnh sát Tây Ban Nha đã thực hiện một chiến dịch lớn nhằm triệt phá mạng lưới phát tán trái phép nội dung từ nền tảng OnlyFans thông qua ứng dụng nhắn tin Telegram.
Nhiều người coi OnlyFans là một nơi giúp phụ nữ (và một số nam giới) kiếm thu nhập từ cơ thể và hình ảnh cá nhân trong môi trường kiểm soát được. Chiến dịch này đã dẫn đến việc bắt giữ 11 người và điều tra thêm 3 nghi phạm khác tại các thành phố như Valencia, Zaragoza và Vigo.
Mạng lưới này hoạt động bằng cách truy cập trái phép vào các tài khoản OnlyFans của hơn 100 phụ nữ, tải xuống nội dung riêng tư và chia sẻ chúng qua các kênh Telegram yêu cầu người dùng trả phí từ 15 đến 25 euro (khoảng 440.000 đồng - 733.000 đồng) để truy cập.
Trong quá trình khám xét, cảnh sát đã thu giữ một máy tính và ba điện thoại di động chứa gần 120.000 tệp tin được tổ chức trong 568 thư mục. Ngoài ra, họ còn phát hiện một mạng lưới "mulas" (người trung gian) chịu trách nhiệm quản lý các khoản thanh toán và rửa tiền thu được từ hoạt động bất hợp pháp này.
Đây là lần đầu tiên cảnh sát Tây Ban Nha thực hiện một chiến dịch quy mô lớn nhằm chống lại việc phát tán trái phép nội dung từ OnlyFans, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân trên các nền tảng kỹ thuật số.
Hàn Quốc: "Phòng Nth" và nỗi ám ảnh không hồi kết về tội phạm tình dục
Trong số những bê bối của Telegram, không thể không nhắc đến vụ án "Phòng Nth" tại Hàn Quốc – nơi ứng dụng này được sử dụng để phát tán video cưỡng ép mang tính chất tình dục của hàng chục phụ nữ và trẻ em.
Theo đó, vào ngày 12/2/2025, Văn phòng Công tố Trung tâm Seoul đã khởi tố và bắt giữ Kim Nok-wan (33 tuổi) với nhiều tội danh nghiêm trọng như hiếp dâm, cưỡng hiếp trẻ vị thành niên, sản xuất và phát tán video khiêu dâm, cùng các hành vi liên quan.
Kim bị cáo buộc điều hành một phòng chat mã hóa trên Telegram từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2025, thực hiện hành vi xâm hại tình dục 234 nạn nhân, trong đó có 159 trẻ vị thành niên – con số gấp 3 lần vụ “Phòng chat thứ N” năm 2020.
Kim và đồng phạm lừa nạn nhân qua mạng xã hội, chiếm đoạt hình ảnh nhạy cảm rồi đe dọa, cưỡng ép quan hệ tình dục và quay video phát tán. Băng nhóm được tổ chức theo mô hình kim tự tháp, Kim tự xưng là “mục sư” và phong cấp cho đồng phạm theo vai trò “phó tế”, “nhà truyền giáo”… Cảnh sát đã bắt giữ 14 nghi phạm, trong đó có 8 “nhà truyền giáo”.
Cảnh sát chỉ lần ra được Kim sau khi Telegram đồng ý hợp tác điều tra. Vụ án phơi bày một mô hình phạm tội tình dục tinh vi và có tổ chức cao, đồng thời là minh chứng cho việc Telegram từng là công cụ tiếp tay cho tội phạm trước khi bị đưa vào danh sách hợp tác với chính phủ Hàn Quốc từ tháng 12/2024.
Các vụ lừa đảo xuyên biên giới
Ngoài ra, tại các quốc gia như Ấn Độ, Singapore, Malaysia, nhiều đường dây lừa đảo việc làm trực tuyến cũng được phát hiện hoạt động chủ yếu trên Telegram. Nạn nhân bị dụ dỗ hoàn thành các "nhiệm vụ ảo" và mất tiền qua hình thức "nạp vốn", gây thiệt hại hàng triệu USD.
Theo Hindustan Times, tại Ấn Độ, các vụ lừa đảo việc làm trực tuyến đang gia tăng đáng kể. Một trường hợp điển hình là một kỹ sư phần mềm 27 tuổi ở Bengaluru đã bị lừa mất 17 lakh rupee (khoảng 20.000 USD) trong một ngày sau khi nhận được lời mời làm việc từ xa qua Telegram. Nạn nhân được yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ đơn giản và nạp tiền để tiếp tục, nhưng cuối cùng đã mất toàn bộ số tiền.
Cùng với đó, theo thống kê của The Straits Times, tại Singapore, từ tháng 3 năm 2023, ít nhất 46 người đã mất khoảng 750.000 SGD (khoảng 15 tỷ đồng) sau khi bị lừa bởi các trò lừa đảo việc làm giả mạo. Những kẻ lừa đảo giả danh nhân viên của các công ty nổi tiếng như Shopee, tiếp cận nạn nhân qua Telegram và yêu cầu họ thực hiện các nhiệm vụ như đánh giá sản phẩm hoặc hoàn thành khảo sát, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để tiếp tục.
Những vụ việc này cho thấy sự nguy hiểm của các trò lừa đảo việc làm trực tuyến trên nền tảng Telegram. Người dùng cần cảnh giác và xác minh thông tin trước khi tham gia vào bất kỳ cơ hội việc làm nào được giới thiệu qua các nền tảng trực tuyến.
Pavel Durov – Nhà sáng lập Telegram đối mặt pháp lý
Tháng 8/2024, Pavel Durov, nhà sáng lập Telegram, đã bị bắt giữ sau khi đáp máy bay xuống sân bay Paris-Le Bourget ( Pháp ) và được tại ngoại sau đó vài ngày. Doanh nhân bị cáo buộc 12 tội danh, bao gồm đồng lõa trong việc phát tán nội dung ấu dâm, buôn bán ma túy và rửa tiền. Các cáo buộc xuất phát từ thông tin cho rằng, việc kiểm duyệt lỏng lẻo của Telegram đã cho phép tội phạm tận dụng nền tảng nhắn tin này vào các hành vi phạm pháp.
Ông bị cấm rời khỏi Pháp và phải nộp tiền bảo lãnh lên tới 6 triệu euro.
Durov cũng cáo buộc cơ quan tình báo Pháp yêu cầu ông chặn các tiếng nói bảo thủ Romania trên nền tảng Telegram trước cuộc bầu cử tại nước này – điều mà ông gọi là "sự can thiệp chính trị trắng trợn". Tuy nhiên, phía Pháp phủ nhận và cho rằng các cuộc thảo luận chỉ xoay quanh an ninh mạng và phòng chống khủng bố.
Từng được ca ngợi là "pháo đài cuối cùng của tự do trên mạng", nhưng Telegram giờ đây đang đứng giữa ranh giới mong manh giữa tự do và vô pháp. Với hơn 800 triệu người dùng toàn cầu, nền tảng này cần có những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách kiểm duyệt, quản lý nội dung và phối hợp điều tra nếu không muốn trở thành công cụ cho tội phạm quốc tế.
Nguồn: Reuters, RFI, El País, The Wall Street Journal, AsiaGlobal Online, ElHuffPost, Hindustan Times, The Straits Times