Tây Ninh - Vùng biên mở lối: Chọn lối đi bền vững

Không như nhiều địa phương miền Đông Nam bộ "phát triển nóng" về công nghiệp, Tây Ninh chọn cho mình một hướng đi bền vững hơn dựa vào di sản lịch sử, nông nghiệp hiện đại và du lịch sinh thái.
Phát triển kinh tế dựa vào lợi thế riêng
H.Tân Biên (Tây Ninh), vùng đất từng của Căn cứ T.Ư Cục miền Nam, nơi không chỉ là di tích quốc gia đặc biệt mà còn là biểu tượng của ký ức kháng chiến, nơi lưu giữ giá trị tinh thần bất diệt. Giữa rừng Lò Gò - Xa Mát, hàng ngàn héc ta rừng nguyên sinh vẫn được gìn giữ như một báu vật. Đây là lá phổi xanh của Tây Ninh, tài sản vô giá về đa dạng sinh học và là điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch sinh thái - giáo dục lịch sử.
H.Dương Minh Châu, nằm gần núi Bà Đen, không chỉ giàu tiềm năng du lịch mà còn là nơi phát triển nông nghiệp bền vững với những cánh đồng trái cây, hệ thống tưới tiêu thông minh và mô hình sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản khép kín đang được triển khai mạnh mẽ. Huyện cũng là vị trí kết nối đường bộ và đường thủy với TP.HCM và Bình Dương, một mắt xích tiềm năng trong chuỗi cung ứng nông sản phía Nam. Những mô hình trồng chuối, bưởi da xanh, xoài VietGAP đang khẳng định thương hiệu nông sản Tây Ninh trên thị trường trong và ngoài nước.
H.Tân Châu, với hơn 20.000 ha cao su không chỉ là "thủ phủ cao su" mà còn đang chuyển mình thành điểm đến sinh thái ven hồ Dầu Tiếng. Du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp hữu cơ, nuôi trồng thủy sản và mô hình cộng đồng đang hình thành, mở ra một không gian phát triển mới dựa trên nền tảng tự nhiên và văn hóa bản địa. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu khảo sát, lập quy hoạch để biến khu vực ven hồ thành quần thể du lịch xanh - sạch - thân thiện với thiên nhiên.
Ngay cả những huyện tưởng chừng thuần nông như H.Châu Thành cũng đang thay da đổi thịt với nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới, nông nghiệp công nghệ cao và hệ thống thủy lợi đồng bộ; vùng đất đang giữ vai trò cũng là vành đai thực phẩm sạch của toàn tỉnh Tây Ninh. Các xã biên giới còn tận dụng lợi thế vùng đệm để phát triển mô hình nông nghiệp gắn với thương mại biên giới và du lịch trải nghiệm.
Vừa giữ rừng, giữ đất, giữ người, vừa thúc đẩy kinh tế theo hướng hiện đại
Tây Ninh không chạy theo tốc độ công nghiệp hóa đơn thuần mà chọn phát triển cân bằng vừa giữ rừng, giữ đất, giữ người, vừa thúc đẩy kinh tế theo hướng hiện đại. Và đó là nền tảng để Tây Ninh đi xa – vững vàng trước những thách thức của thời đại mới. Khi tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và con người được trân trọng và khai thác đúng hướng, Tây Ninh sẽ không chỉ là vùng đất phát triển, mà còn là hình mẫu phát triển hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Ông Nguyễn Hồng Thanh, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết: "Nếu như những năm đầu sau giải phóng, Tây Ninh thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 200 USD/năm vào năm 1980 thì đến năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đã đạt trên 70 triệu đồng/người/năm (tương đương gần 3.000 USD), tăng hơn 15 lần so với thời kỳ đầu đổi mới".
Cũng theo ông Thanh, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 đạt bình quân trên 7%/năm. Nếu như năm 1975, toàn tỉnh chỉ có vài cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thì đến nay Tây Ninh đã có 6 khu công nghiệp, 3 khu kinh tế cửa khẩu, thu hút hơn 400 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 9 tỉ USD.
Về nông nghiệp, Tây Ninh đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất mía đường, cao su, rau quả lớn của cả nước. Sản lượng mía đạt trên 1 triệu tấn/năm, cao su trên 100.000 ha, nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được triển khai hiệu quả.
(còn tiếp)
==> Tây Ninh - Vùng biên mở lối: Sáp nhập để cất cánh