Nhảy đến nội dung
 

"Tây Nguyên giao thoa với vùng biển sẽ rất tốt cho kinh tế"

Tại Tọa đàm "Sắp xếp tỉnh thành để kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm" do báo Dân trí tổ chức sáng 10/4, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nhấn mạnh, dưới góc độ doanh nghiệp, chi phí logistic của Việt Nam hiện đang rất cao. 

"Chi phí logistic (khâu trung gian để vận chuyển hàng hóa - PV) quá lớn khiến cho chúng ta không xuất khẩu được. Nhiều doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu đầu vào ở vùng núi như Tây Nguyên, nhưng nhà máy lại đặt ở vùng đồng bằng, dẫn đến chi phí vận chuyển rất lớn. Nếu hai vùng này thuộc một chính quyền tỉnh, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều", ông Thân phân tích. 

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp luôn kỳ vọng điều này được thực hiện càng sớm càng tốt: "Có được điều này thì điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp sẽ tốt hơn rất nhiều. Đặc biệt hiện nay tình hình kinh tế, xã hội thay đổi hàng ngày, phải khắc phục sớm mới theo kịp được với thế giới". 

Đồng quan điểm với ông Thân, Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kéo giảm chi phí logistic: "Nguyên liệu ở đâu thì nhà máy nên ở đấy và ngược lại. Từ nguyên liệu thô sang nguyên liệu tinh được sản xuất trong cùng một địa phương, hướng xuất khẩu mới dễ dàng. Rõ ràng việc có biển hay không có biển là câu chuyện khác nhau". 

Theo tính toán của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam, chi phí logistic của Việt Nam trung bình ở mức 16,8 đến 17% GDP, cao hơn nhiều so với bình quân chung 10,6% của thế giới. Hạ tầng logistic còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết; quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có các cảng đầu mối, các trung tâm logistic lớn với quy mô khu vực và quốc tế. 

Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị cho rằng, nếu trục Bắc - Nam được coi là xương sống thì trục Đông - Tây là mạch máu kết nối chiều ngang, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng. Đặc biệt ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên - nơi địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi núi non và rừng già, trục Đông - Tây lại càng có ý nghĩa chiến lược. 

"Ví dụ, nếu chỉ kết nối nội vùng giữa 5 tỉnh Tây Nguyên, sự phát triển, bảo vệ lãnh thổ sẽ có những hạn chế nhất định. Nhưng khi các tỉnh ven biển miền Trung như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định,... có sự hỗ trợ, liên kết với Tây Nguyên, không chỉ kinh tế được thúc đẩy mà năng lực phòng thủ, di chuyển quân sự, bảo vệ an ninh quốc gia cũng được tăng cường đáng kể", ông Chính phân tích. 

Theo các chuyên gia, hệ thống cảng biển của Việt Nam mang tầm quốc tế, khả năng xử lý hàng trăm triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Nếu có sự kết nối với vùng nguyên liệu đầu vào thuận tiện, việc xuất khẩu cũng trở nên thuận lợi hơn.

Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, cho rằng trong các phương án đề xuất sắp xếp tỉnh, Bộ đều cân nhắc hướng phát triển này nhằm tạo không gian phát triển cho địa phương: "Không gian phát triển không chỉ là quy mô, diện tích mà còn có yếu tố khác đảm bảo mục tiêu phát triển lâu dài". 

Ông cho biết, trong lần sáp nhập tỉnh lần này, Bộ cũng định hướng sắp xếp các tỉnh Tây Nguyên gắn với các địa phương có biển để khai thác hết tiềm năng về quỹ đất, phát triển vựa nông sản nổi tiếng của cả nước. 

"Gắn kết một địa phương có biển, đồng bộ với kết nối hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sắt, đường thủy sẽ có tương hỗ trong phát triển về lâu dài", Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương nhìn nhận. 

Theo ông Tuấn, những tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Lắk, khi giao thoa với địa phương có biển, nông sản có thể được luân chuyển thuận lợi, đưa xuống cảng biển xuất khẩu.

"Ngoài sự tương hỗ trong xuất khẩu với khu vực có cảng biển, chúng ta còn thấy có thể phát triển thế mạnh của địa phương như du lịch", ông Tuấn chia sẻ thêm.