Nhảy đến nội dung

Tàu vũ trụ Nga rơi xuống Ấn Độ Dương sau nửa thế kỷ trên quỹ đạo

Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cho biết, tàu vũ trụ thăm dò sao Kim Kosmos 482 của nước này đã rơi xuống Ấn Độ Dương sau 53 năm quay quanh Trái đất.

Theo RT và BBC, tàu vũ trụ Kosmos 482 được Liên Xô phóng vào năm 1972 với nhiệm vụ tới sao Kim đã không thể ra khỏi quỹ đạo Trái Đất và vỡ thành 4 mảnh, bay trên quỹ đạo suốt hơn nửa thế kỷ. 

Roscosmos thông báo, tàu vũ trụ đã quay trở lại bầu khí quyển Trái đất vào sáng 10/5 và rơi xuống biển ở phía tây Jakarta, Indonesia. Quá trình hạ cánh của tàu đã được Hệ thống cảnh báo tự động về các tình huống nguy hiểm trong không gian gần Trái đất theo dõi. Không có thương vong hay thiệt hại nào được báo cáo. 

Vụ phóng tàu vũ trụ Kosmos 482 diễn ra vào ngày 31/3/1972 như một phần của chương trình thăm dò sao Kim của Liên Xô. Tuy nhiên, do trục trặc ở tầng trên của tên lửa đẩy, tàu vũ trụ không thoát được lực hấp dẫn của Trái đất và vẫn ở trong quỹ đạo hình elip. 

Mô-đun đổ bộ của tàu thăm dò có lớp vỏ titan chắc chắn do được thiết kế để chịu được điều kiện khắc nghiệt của Sao Kim. Điều này làm dấy lên khả năng các bộ phận của Kosmos 482 có thể vẫn còn nguyên vẹn sau khi tái nhập khí quyển.

Chương trình Venera của Liên Xô, hoạt động từ năm 1961 đến đầu những năm 1980, đã đạt được một số dấu ấn trong hoạt động thám hiểm hành tinh. Đáng chú ý, vào năm 1970, Verena 7 trở thành tàu vũ trụ đầu tiên truyền dữ liệu từ bề mặt của một hành tinh khác và Verena 9 đã gửi những hình ảnh đầu tiên về bề mặt sao Kim vào năm 1975. Nhìn chung, nhiều tàu thăm dò của chương trình này đã hạ cánh thành công trên sao Kim, cung cấp dữ liệu có giá trị về bầu khí quyển và điều kiện bề mặt của hành tinh này.

Theo Roscosmos, hàng nghìn tàu vũ trụ không còn hoạt động vẫn còn trên quỹ đạo Trái đất. Chỉ riêng trong năm qua, đã có 1.981 vật thể vũ trụ có nguồn gốc tự nhiên và nhân tạo đã xâm nhập vào bầu khí quyển.