Tàu chiến bọc thép Nga: Công nghệ cổ điển thành lợi thế?

Tàu chiến bọc thép Yenisey được Nga triển khai tại khu vực Donbass thể hiện sự tụt hậu công nghệ và những thách thức chiến lược mà Nga phải đối mặt trong một cuộc xung đột kéo dài với Ukraine.
Tàu chiến bọc thép Yenisey: Pháo đài di động
Quân đội Nga đã triển khai các tàu chiến bọc thép – một di sản từ các cuộc chiến trước – để củng cố hậu cần và hỗ trợ chiến đấu tại khu vực Donbass đang tranh chấp ở Ukraine, nơi các cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng Nga và quân đội Ukraine cùng đồng minh phương Tây vẫn tiếp diễn.
Ngày 29/6/2025, truyền thông nhà nước Nga công bố hình ảnh về tàu chiến bọc thép Yenisey, cho thấy nó tham gia một cuộc diễn tập “phối hợp tác chiến” dưới quyền của Nhóm tác chiến Trung tâm (Battlegroup Centre).
Tàu được trang bị pháo phòng không, súng máy hạng nặng, thậm chí cả xe chiến đấu bộ binh, thực hiện nhiệm vụ tiếp tế tiền tuyến, trinh sát, và sửa chữa hệ thống đường sắt – tuyến huyết mạch trong các chiến dịch quân sự của Nga tại khu vực này.
Việc hồi sinh chiến thuật cũ phản ánh sự phụ thuộc của Moscow vào hạ tầng và chiến lược thời Liên Xô, đồng thời làm dấy lên câu hỏi về mức độ thích ứng của các nền tảng kiểu cũ trong xung đột hiện đại.
Tàu chiến bọc thép từng giữ vai trò lớn trong chiến lược quân sự của Nga từ đầu thế kỷ 20 và Thế chiến II, khi Liên Xô sử dụng hàng chục đoàn tàu được trang bị pháo và súng phòng không để chống lại quân Đức.
Mặc dù bị giảm vai trò sau Chiến tranh Lạnh do sự phát triển của không quân và cơ giới hóa, Nga vẫn duy trì một số đoàn tàu bọc thép cho các nhiệm vụ như tuần tra biên giới và bảo vệ cơ sở hạ tầng.
Sự tái xuất của các tàu bọc thép tại Donbass gắn liền với mạng lưới đường sắt thời Liên Xô, hiện vẫn kết nối liền mạch với Nga, cho phép vận chuyển hàng hóa và quân đội dễ dàng qua biên giới – một lợi thế lớn trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine kéo dài.
Việc Nga lựa chọn khôi phục phương tiện này là một giải pháp thực dụng trong bối cảnh khó khăn hậu cần, do trừng phạt của phương Tây và các cuộc tấn công liên tục của Ukraine vào tuyến tiếp tế.
Trong khi NATO và các quân đội phương Tây ưu tiên vận tải hàng không và đường bộ, Nga lại dựa vào đường sắt – một chiến lược vừa là lợi thế, vừa là điểm yếu.
Nga triển khai tàu chiến bọc thép Yenisey tại Donbass để tiếp tế và trinh sát. (Nguồn video: Ivan Khomenko/X)
Yenisey là một tàu chiến bọc thép, được thiết kế cho nhiều nhiệm vụ trong môi trường có nguy cơ cao. Theo truyền thông Nga, tàu được trang bị: Pháo phòng không ZU-23-2 23mm hai nòng, bắn tới 2.000 viên/phút, có thể tiêu diệt UAV hoặc máy bay tầm thấp; Nhiều súng máy hạng nặng Utyos 12,7mm chống lại bộ binh và xe bọc thép nhẹ; Một xe BMP-2 được đặt trên toa tàu phẳng, trang bị pháo 30mm và tên lửa chống tăng – giúp tàu có hỏa lực trực tiếp đáng kể.
Cấu trúc tàu được bọc thép gia cường, chống được đạn cỡ nhỏ và mảnh văng, tuy nhiên vẫn dễ bị tổn thương bởi tên lửa hiện đại và UAV vũ trang.
Một số toa chứa đạn dược, nhiên liệu, vật tư sửa chữa, số khác là trung tâm chỉ huy, thông tin liên lạc. Tàu cũng có khả năng trinh sát, được trang bị cảm biến nhiệt hoặc radar.
Dù không thể so sánh với các phương tiện cơ giới hiện đại như xe tăng T-14 Armata, nhưng Yenisey vẫn là một giải pháp linh hoạt, mang tính tạm thời trong hoàn cảnh Nga đang thiếu hụt trang thiết bị tối tân.
Quân bài chiến lược lộ nguy cơ
Tại Donbass, tàu Yenisey được dùng để tiếp tế đạn, nhiên liệu, phụ tùng cho tiền tuyến, đặc biệt cho Nhóm tác chiến Trung tâm; Trinh sát tuyến đường sắt, phát hiện phá hoại và sửa chữa khẩn cấp đoạn đường bị phá hoại, giữ cho mạng lưới hậu cần không bị gián đoạn.
Việc triển khai Yenisey cho thấy vai trò quan trọng của đường sắt trong chiến lược quân sự Nga, trái ngược với Ukraine, vốn phụ thuộc nhiều vào đường bộ, UAV và viện trợ phương Tây.
Trong cuộc diễn tập gần đây, Yenisey thể hiện khả năng phối hợp với tốt với xe tăng T-90, pháo tự hành Msta-S và xe bọc thép chở quân.
Tàu có thể yểm trợ hỏa lực với pháo 30mm khi cần. Tuy nhiên, khả năng phối hợp linh hoạt bị giới hạn nghiêm trọng do tuyến đường cố định – yếu hơn so với các nền tảng cơ động như BMP-3 hay M2 Bradley do Mỹ viện trợ cho Ukraine.
Không những thế, Yenisey cũng bộc lộ nhiều hạn chế và nguy cơ tiềm tàng trước hoả lực Ukraine. Nó dễ bị tấn công do di chuyển theo tuyến cố định, dễ bị UAV, tên lửa và đặc nhiệm Ukraine phục kích. Giáp tàu không chịu nổi đòn đánh từ tên lửa Javelin, HIMARS, hay các UAV cảm tử Bayraktar.
Ví dụ, tháng 6/2025, Ukraine đã tấn công một đoàn tàu chở nhiên liệu Nga ở Zaporizhzhia, thiêu rụi 11 toa, làm gián đoạn hậu cần nhiều tuần – cho thấy điểm yếu chí tử của vận tải đường sắt.
Việc phải tái sử dụng tàu chiến bọc thép cho thấy Nga đang thiếu hụt công nghệ hiện đại do trừng phạt nên phụ thuộc vào di sản hạ tầng thời Liên Xô, khiến nước này phải nỗ lực duy trì thế trận bằng nền tảng cũ kỹ.
Trong khi đó, Ukraine nhận được viện trợ hiện đại từ phương Tây, với drone Bayraktar TB-2, tên lửa Javelin, HIMARS, đạn chống UAV 5.56mm, hệ thống rocket chính xác APKWS…
Do đó, UAV cảm tử, tên lửa, và trinh sát từ vệ tinh phương Tây khiến các phương tiện như Yenisey dễ bị tiêu diệt trước khi hoàn thành nhiệm vụ.
Yenisey là biểu tượng của sự thích nghi bắt buộc, không phải đổi mới, và cho thấy Nga đang phải "vá lỗ hổng" hậu cần bằng phương tiện thời xưa.
Dù giúp duy trì tiếp tế và phòng thủ cơ sở hạ tầng, tàu Yenisey cũng thể hiện sự tụt hậu công nghệ và những thách thức chiến lược mà Nga phải đối mặt trong một cuộc xung đột kéo dài với Ukraine.
Tàu Yenisey không chỉ là phương tiện hậu cần mà còn là biểu tượng của nỗ lực sống sót chiến lược, trong cuộc xung đột mà sự linh hoạt, tốc độ và công nghệ chính xác đang là yếu tố quyết định thành bại.
(Theo Defense Express, Bulgarian, Breakingdefense)