Nhảy đến nội dung
 

Tăng tiết mồ hôi có chữa khỏi không? - Báo VnExpress

Tình trạng của tôi có thể chữa dứt điểm không? (Nhật Minh, 34 tuổi, TP HCM)

Trả lời:

Tăng tiết mồ hôi có thể điều trị nhưng vẫn có nguy cơ tái phát. Đây là tình trạng cơ thể tiết quá nhiều mồ hôi, nhất là khi vận động hoặc thời tiết nắng nóng. Các vùng thường bị ảnh hưởng nhất là lưng, ngực, nách, lòng bàn tay và bàn chân. Trong nhiều trường hợp, mồ hôi tiết ra nhiều đến mức gây ẩm ướt khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và giao tiếp. Bệnh được chia thành hai nhóm chính là nguyên phát và thứ phát.

Tăng tiết mồ hôi nguyên phát thường không rõ nguyên nhân, có thể liên quan đến yếu tố di truyền hoặc sự hoạt động quá mức của dây thần kinh kích thích tuyến mồ hôi. Tình trạng này thường xuất hiện từ nhỏ, tập trung ở các vùng như tay, chân, nách, mặt và đối xứng hai bên. Tăng tiết mồ hôi thứ phát thường do bệnh nền hoặc tác dụng phụ của thuốc. Khác với dạng nguyên phát, hội chứng này có thể gây đổ mồ hôi toàn thân hoặc một vùng rộng, kể cả khi ngủ.

Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân. Nếu do bệnh lý, cần tập trung giải quyết bệnh nền trước. Nếu không xác định được nguyên nhân, bác sĩ đề xuất các phương pháp kiểm soát mồ hôi phù hợp với mức độ và vị trí bị ảnh hưởng.

Với trường hợp nhẹ, người bệnh có thể sử dụng sản phẩm chống mồ hôi chứa nhôm clorua bôi trực tiếp lên da. Phương pháp này cần được thực hiện đều đặn và có thể gây kích ứng da nếu lạm dụng.

Tiêm botox có thể điều trị tăng tiết mồ hôi hiệu quả ở nhiều vùng cơ thể như nách, bàn tay, bàn chân. Đây là phương pháp đưa botulinum toxin A (botox) vào vùng da cần điều trị nhằm ức chế đường dẫn truyền thần kinh đảm nhiệm chức năng kích thích tuyến mồ hôi. Nhờ đó, tín hiệu tiết mồ hôi bị ngắt quãng, không hoạt động nên giảm tiết mồ hôi và mùi hôi. Bên cạnh đó, công nghệ vi sóng cũng có thể phá hủy tuyến mồ hôi vĩnh viễn nhưng chỉ thực hiện được ở vùng dưới cánh tay. Trong khi thuốc kháng cholinergic đường uống giúp giảm tiết mồ hôi toàn thân nhưng dễ gây tác dụng phụ như khô miệng, chóng mặt, nhìn mờ.

Nếu các biện pháp trên không hiệu quả, phẫu thuật cắt hạch giao cảm hoặc loại bỏ tuyến mồ hôi có thể được cân nhắc. Tuy nhiên, đây là phương án xâm lấn, cần nhập viện, có nguy cơ tạo sẹo, tăng tiết mồ hôi bù trừ và cần thời gian nghỉ dưỡng sau điều trị.

Để giảm ảnh hưởng của tình trạng tăng tiết mồ hôi, bạn nên tắm mỗi ngày và lau khô cơ thể kỹ lưỡng, đặc biệt ở vùng dễ ẩm ướt. Chọn giày, vớ và quần áo làm từ chất liệu tự nhiên, thoáng khí như cotton hoặc lụa, thay vớ thường xuyên. Dùng phấn bột hút ẩm, giữ da khô thoáng. Áp dụng các phương pháp thư giãn như yoga, thiền để giảm căng thẳng...

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Dung
Trưởng Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ Da,
Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Độc giả gửi câu hỏi về da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp