Tâm thư gửi Tổng Bí thư của 55 trí thức trẻ và giải đáp của Bộ Nội vụ

Sau hơn 10 năm công tác ở vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, 55 đội viên trong Đề án 500 trí thức trẻ vẫn không được vào công chức như yêu cầu của Chính phủ đề ra và đang có nguy cơ bị loại ra khỏi hệ thống.
Đó là tâm tư được 55 đội viên của Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500 trí thức trẻ) ở các tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Quảng Bình trình bày trong tâm thư gửi Tổng Bí thư Tô Lâm.
Cụ thể, các đội viên phản ánh việc sau hơn 10 năm cống hiến ở địa phương là các vùng miền núi, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, một số vẫn đang làm việc theo diện ký hợp đồng lao động có thời hạn với địa phương.
Đặc biệt, trong bối cảnh các địa phương đang sắp xếp, tinh gọn bộ máy, các đội viên chưa được bố trí có nguy cơ bị loại ra khỏi hệ thống nếu không được sắp xếp trước thời hạn kết thúc hợp đồng là ngày 30/12 năm nay.
Trong khi đó, theo Quyết định 1758, Chính phủ đã yêu cầu, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại xã trong thời gian 5 năm, đội viên Đề án 500 trí thức trẻ được xét chuyển thành cán bộ, công chức cấp xã hoặc công chức từ cấp huyện trở lên.
Cũng theo Quyết định này, đề án kết thúc vào năm 2020 nhưng do một số địa phương chưa hoàn thành việc sắp xếp, bố trí công tác với các đội viên nên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 136 quyết định kéo dài thời gian thực hiện đề án đến năm 2025.
Cùng với Công văn 6732, Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh xây dựng phương án và thực hiện tuyển dụng, bố trí đối với đội viên Đề án vào làm cán bộ, công chức cấp xã hoặc làm công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, hoàn thành trước ngày 31/12/2025.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 55 đội viên của Đề án 500 trí thức trẻ thuộc 16 tỉnh, thành trên cả nước chưa được sắp xếp, bố trí.
Vì vậy, các đội viên này kiến nghị có chủ trương, giải pháp bố trí, sắp xếp công tác đối với những trường hợp này.
Ngày 24/4, Văn phòng Trung ương đã chuyển tâm thư này đến Bộ Nội vụ. Giải đáp tâm tư của các đội viên, Bộ Nội vụ cho biết đã có một số văn bản chỉ đạo và đề xuất tìm phương án sắp xếp, tuyển dụng cho các đội viên đang công tác tại cấp xã theo diện hợp đồng lao động.
Bộ đã có công văn gửi UBND các tỉnh, đề nghị nghiên cứu, xem xét và giải quyết nội dung kiến nghị của các đội viên. Đồng thời, Bộ yêu cầu các tỉnh căn cứ thực tiễn ở địa phương đề xuất phương án bố trí, tuyển dụng đội viên đề án.
Yêu cầu Sở đề xuất phương án sắp xếp đội viên trước 30/5
Trong số 55 đội viên chưa được bố trí, sắp xếp, tỉnh Quảng Bình có 11 đội viên và là một trong số các tỉnh có số đội viên chưa được sắp xếp cao nhất.
Sau khi nhận được công văn, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình đã gửi công văn đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn việc thực hiện sắp xếp với các đội viên.
Sở đặt ra 2 vấn đề đề nghị Bộ hướng dẫn. Thứ nhất, khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, các đội viên đề án có được tiếp tục bố trí hợp đồng ở các xã mới sau sắp xếp đến ngày 31/12/2025 hay không?
Thứ hai, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư nhiều, không có biên chế để bố trí, tuyển dụng đối với các đội viên đề án. Khi đó, việc giải quyết chế độ đối với các đội viên có được áp dụng theo quy định tại Nghị định 178 (quy định về chính sách với cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp bộ máy) và Nghị định 67 (sửa đổi một số điều của Nghị định 178) hay không?
Để giải quyết tồn đọng này, ngày 16/5, Bộ Nội vụ đã gửi công văn tới 16 tỉnh chưa hoàn thành việc bố trí, tuyển dụng đội viên đề án, đề nghị các tỉnh nêu những tồn tại, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân chưa thực hiện việc bố trí, sắp xếp với đội viên.
Đồng thời, Bộ yêu cầu các tỉnh kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng phương án bố trí, sắp xếp đội viên đề án sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động. Bộ yêu cầu các tỉnh báo cáo việc này trước ngày 30/5.
Hiện tại, 55 đội viên chưa được sắp xếp công tác tại cấp xã của 16 tỉnh, thành vẫn chờ đợi các phương án của địa phương và Bộ Nội vụ quyết định “số phận” của mình.