Tám em về quê đòi anh cả chia đều mảnh đất thừa kế 80 tỷ

Gần đây có nhiều ý kiến tranh luận về chuyện cha mẹ nên phân chia thừa kế công bằng cho con cái. Tuy nhiên, câu hỏi ở đây là: thế nào là công bằng? Và cơ sở nào để cho rằng cha mẹ chia phần lớn thừa kế cho một đứa con nào đó là bất công?
Câu chuyện trong chính gia đình tôi là một ví dụ cụ thể. Người chú họ của tôi là anh cả trong gia đình, năm nay 76 tuổi. Gia đình chỉ có tổng cộng chín anh em. Cha mẹ chú mới mất gần đây, để lại mảnh đất thừa kế diện tích 6 sào, không có nhiều giá trị do vị trí xa xôi. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu chỉ dừng lại ở đấy, vì hầu như không ai trong nhà đoái hoài đến số đất đai trên.
Còn nhớ những năm 1960-1980 mảnh đất đó thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, gần như không có người ở, không có đường đi vào. Chú tôi khi ấy một mình trồng trọt, nuôi các em ăn học đại học nên người. Rồi từng người trong số họ lần lượt bỏ lên thành thị sinh sống, chỉ còn lại mỗi gia đình chú ở lại, sống nhờ trên mảnh đất đó cho đến giờ.
Cũng vì lẽ đó mà trong khi con cháu của những người rời quê đều được ăn học đàng hoàng, trong khi ba đứa con trai của chú đều thất học do khó khăn kinh tế. Chính vợ chồng chú cũng một tay chăm sóc cha mẹ già nằm ốm liệt giường một chỗ suốt nhiều năm.
>> Quyền lực của những cha mẹ chia thừa kế 'bất công'
Vừa rồi, thành phố có quy hoạch mở rộng, khiến giá trị của mảnh đất tăng lên chóng mặt. Tính sơ sơ, mảnh đất kia giờ có giá thị trường khoảng 80 tỷ đồng. Thấy vậy, các em (cả trai lẫn gái) của chú đều về làm ầm lên, đòi chia đều đất đai vì là tài sản bố mẹ để lại. Cũng từ đây, gia đình chú không lúc nào được yên ổn anh chị em giành nhau từng tấc đất.
Vậy thử hỏi chia thế nào trong hoàn cảnh này mới là công bằng? Một đứa con phải từ bỏ nhiều cơ hội thăng tiến trong cuộc sống, phải giảm giờ làm kéo theo giảm thu nhập, không có cơ hội đi du lịch với vợ con (kể cả ngày lễ, Tết) để chăm sóc cha mẹ già. Trong khi đó những đứa khác sống riêng chỉ lo cho gia đình mình, tự do thăng tiến trong cuộc sống, mỗi năm về thăm cha mẹ được một, hai lần, bố thí chút quà gọi là "tình cảm". Vậy chia đều tài sản thừa kế có công bằng không?
Hoặc giả sử một đứa cờ bạc, rượu chè, người nhà phải đứng ra trả hàng đống nợ cho nó. Đến khi thừa kế cũng phải chia đều mới là công bằng hay sao? Thế nên, tôi cho rằng, chúng ta không thể chỉ đứng ngoài nhìn vào nhà người ta rồi phán xét chuyện phân chia thừa kế của họ. Sẽ không có một công thức tuyệt đối nào, công bằng hay không, chỉ có chính người trong cuộc mới biết.
Lệ Tà