Nhảy đến nội dung
 

Tai nạn ở trẻ nhỏ dịp nghỉ lễ: Hai trường hợp chấn thương bụng cảnh báo nguy hiểm rình rập

TPO - Những ngày vừa qua Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận liên tiếp hai trường hợp trẻ bị chấn thương lách nghiêm trọng, gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh về việc đảm bảo an toàn cho trẻ trong các dịp nghỉ lễ và kỳ nghỉ hè sắp tới.

TPO - Những ngày vừa qua Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận liên tiếp hai trường hợp trẻ bị chấn thương lách nghiêm trọng, gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc phụ huynh về việc đảm bảo an toàn cho trẻ trong các dịp nghỉ lễ và kỳ nghỉ hè sắp tới.

Trường hợp đầu tiên là bé gái 11 tuổi, sống tại Hà Nội, bị chấn thương lách do tai nạn sinh hoạt. Trong lúc chơi đùa, bé không may bị đập bụng mạnh vào thành giường khi đang đu võng cùng các em. Sau cú va chạm, bé xuất hiện triệu chứng đau bụng, da tái nhợt và được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương sau khi sơ cứu tại cơ sở y tế địa phương.

Trường hợp thứ hai là bé trai 9 tuổi, cũng ở Hà Nội, bị chấn thương lách sau tai nạn giao thông. Theo lời kể của mẹ bé, khi chị đang chở ba con nhỏ bằng xe máy từ trường về thì xảy ra va chạm với ô tô cùng chiều. Bé trai ngồi phía trước bị đập mạnh bụng vào tay lái và mặt đường, dẫn đến đau bụng và da nhợt nhạt, phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo BSCKII Nguyễn Tân Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, thời điểm nhập viện, cả hai trẻ đều có dấu hiệu của chấn thương bụng kín tại vị trí tổn thương ở mạn sườn bên trái như có tiền sử chấn thương bụng tại vị trí lách, đau bụng, màu sắc da nhợt nhạt. Dù các chỉ số sinh tồn của hai trẻ đều trong giới hạn bình thường, tuy nhiên, trên hình ảnh siêu âm cho thấy có nhiều dịch tự do ổ bụng. Sau khi hội chẩn thống nhất các trẻ đều được các bác sĩ chỉ định chụp CT ổ bụng nhằm xác định chính xác vị trí và mức độ tổn thương. Kết quả chụp CT ổ bụng xác định bé gái bị chấn thương lách độ II, bé trai chấn thương lách độ III.

Rất may mắn, ngoài chấn thương lách, các bác sĩ không phát hiện thêm tổn thương tụy hay các tạng đặc khác. Sau khi hội chẩn giữa các chuyên khoa Cấp cứu – Chống độc và Ngoại Tổng hợp, các bác sĩ thống nhất điều trị bảo tồn (không phẫu thuật) cho hai trẻ.

Hiện sức khỏe của hai trẻ ổn định và dự kiến ra viện trong vài ngày tới.

Vì sao chấn thương lách ở trẻ nhỏ nguy hiểm?

ThS. Nguyễn Minh Khôi – Khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Lách là cơ quan chứa nhiều máu, có vị trí nông dưới cơ hoành trái, dễ bị tổn thương khi chịu ngoại lực, đặc biệt ở trẻ em do thành bụng mỏng và cơ bụng chưa phát triển hoàn thiện”.

Tai nạn ở trẻ nhỏ dịp nghỉ lễ: Hai trường hợp chấn thương bụng cảnh báo nguy hiểm rình rập ảnh 1

ThS. Nguyễn Minh Khôi – Khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Nhi Trung ương khám cho bệnh nhi.

Việc xử trí chấn thương lách phụ thuộc vào mức độ tổn thương. Những trường hợp nhẹ có thể điều trị bảo tồn, tuy nhiên nếu mất máu nhiều hoặc huyết động không ổn định thì cần can thiệp phẫu thuật. Với sự phát triển của y học hiện nay, đa số ca chấn thương lách độ thấp ở trẻ em đều được điều trị thành công bằng phương pháp bảo tồn.

Theo thống kê tại Trung tâm Ngoại Tổng hợp, mỗi năm nơi đây tiếp nhận khoảng 25–30 trường hợp trẻ bị chấn thương lách, chủ yếu do tai nạn sinh hoạt hoặc giao thông. Đặc biệt, trẻ có bệnh lý nền như lách to ứ máu (bệnh nhân hemophilia, thalassemia…) có nguy cơ vỡ lách cao hơn khi va chạm.

Cảnh báo dành cho phụ huynh dịp lễ và nghỉ hè

Trẻ em trong độ tuổi hiếu động, thích khám phá nhưng thiếu kỹ năng bảo vệ bản thân rất dễ gặp tai nạn. Vào dịp nghỉ lễ, khi các gia đình đi du lịch, tổ chức các hoạt động ngoài trời, nguy cơ tai nạn tăng cao như: ngộ độc, đuối nước, tai nạn giao thông, té ngã…

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần:

• Luôn giám sát trẻ chặt chẽ, nhất là khi trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời hay di chuyển bằng xe máy, ô tô.

• Dạy trẻ kỹ năng an toàn trước khi đi du lịch.

• Lựa chọn địa điểm vui chơi phù hợp độ tuổi và thể trạng của trẻ.

• Tuân thủ các biện pháp an toàn giao thông và phòng tránh tai nạn.

• Nếu trẻ không may gặp tai nạn, cần sơ cứu đúng cách và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Bảo Ngọc - Bệnh viện Nhi Trung ương