Tái định vị vai trò công nghiệp Việt Nam trong cuộc chơi mới

Ngành công nghiệp Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa thị trường toàn cầu, nhưng bước qua hay không vẫn còn phụ thuộc vào năng lực nội tại.
Ngày 24-7, tại diễn đàn "Cơ hội bứt phá chuỗi giá trị ngành cơ khí - chế tạo Việt Nam trong bối cảnh thuế quan và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu" thuộc chuỗi triển lãm METALEX VIETNAM 2025, nhiều chuyên gia đã cùng thảo luận và đề xuất nhiều phương án để doanh nghiệp "chuyển mình", mở khóa thị trường công nghiệp quốc tế.
Ngành công nghiệp vẫn còn gặp nhiều rào cản
Bà Trương Thị Chí Bình - phó chủ tịch, tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) - cho biết hiện nay nhiều tập đoàn đa quốc gia chủ động chuyển dịch sản xuất.
Việt Nam đang nổi lên như một lựa chọn thay thế nhờ vị trí địa lý thuận lợi, lực lượng lao động trẻ và cam kết hội nhập sâu rộng.
Tuy nhiên, cơ hội chỉ thật sự trở thành lợi thế cạnh tranh nếu được đi kèm với năng lực nội tại đủ mạnh. Theo nhận định của bà Bình, đây vẫn là yếu tố mà nhiều doanh nghiệp đang thiếu hụt.
Cụ thể phần lớn doanh nghiệp cơ khí Việt vẫn dừng lại ở sản xuất chi tiết rời rạc, chưa hình thành năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm hoàn chỉnh hay nắm giữ công nghệ cốt lõi.
"Nếu chỉ dừng lại ở chuỗi cung ứng linh kiện cơ khí rời, dây điện, hệ thống tự động hóa, PCB, khuôn, chứ chưa phải cụm linh kiện hoàn chỉnh hay thành phẩm như hiện tại thì sẽ rất khó để bước ra thị trường quốc tế", bà Bình nói.
Cần chuyển đổi tư duy để tái cấu trúc thị trường công nghiệp
Trao đổi tại phiên thảo luận, ông Trần Bình Minh - phó tổng giám đốc CTCP GCool - cho rằng không thể đợi có thị trường rồi mới đầu tư, mà doanh nghiệp cần chủ động phát triển sản phẩm, đề xuất giải pháp, kể cả khi chưa có đơn hàng cụ thể.
Theo ông, yếu tố kiên quyết là chất lượng sản phẩm và chuyển đổi sang tư duy "cung cấp giải pháp", thay vì chỉ bán sản phẩm.
Việc chủ động tham gia vào giai đoạn thiết kế, hỗ trợ kỹ thuật, tối ưu chi phí cho khách hàng giúp mở rộng biên lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro bị thay thế. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần hiểu và nắm bắt thị trường để điều chỉnh sao cho phù hợp với bối cảnh.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng nhận định việc chủ động kết nối với khách hàng và thị trường quốc tế thông qua các hội chợ và triển lãm cũng là phương tiện hiệu quả để các doanh nghiệp gia tăng đơn hàng. Theo đó, doanh nghiệp nên hiện diện trên 3 năm để khẳng định uy tín cũng như gia tăng niềm tin đối với thị trường.