Tái diễn giả mạo nhân viên điện lực, viễn thông để lừa đảo

Mặc dù không phải là chiêu trò mới nhưng hình thức giả mạo nhân viên điện lực để lừa đảo đang rộ lên lại và đã có nạn nhân bị mất hàng tỉ đồng.
Thiệt hại nặng vì tin lời kẻ mạo danh
Đang trong giờ làm việc, chị Hằng Nga, nhân viên văn phòng tại Q.3 (TP.HCM), bất ngờ nhận được cuộc điện thoại lạ gọi đến tự giới thiệu là nhân viên điện lực và thông báo chị chưa đóng tiền điện. Thấy chị Nga hỏi lại với thái độ nghi ngờ và khá gay gắt, người gọi lập tức tắt máy. Đây không chỉ là trường hợp cá biệt mà khá nhiều người gần đây liên tục nhận được các cuộc gọi mạo danh tương tự. Anh K.H.A (ngụ tại TP.HCM), kể: "Tôi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0833876504 tự nhận là nhân viên của công ty viễn thông thông báo cắt tín hiệu liên lạc 2 chiều số điện thoại của tôi và yêu cầu tôi nhanh chóng đóng tiền. Nhận thấy cuộc gọi có nhiều dấu hiệu nghi ngờ, tôi hỏi lại thông tin nhưng kẻ lạ mặt đã nhanh chóng tắt máy".
Thời gian qua, dù cơ quan chức năng, báo chí và các đơn vị điện lực cũng đã liên tục cảnh báo tình trạng mạo danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn có nhiều người thiếu cảnh giác trước chiêu trò "cũ rích" này, có trường hợp bị lừa mất cả tỉ đồng.
Mới đây, ngày 14.5, ông Đ. (trú tại H.Đan Phượng, Hà Nội) nhận cuộc điện thoại của một người tự xưng là nhân viên Công ty Điện lực Đan Phượng đề nghị ông số hóa hồ sơ điện để phục vụ thu tiền điện hằng tháng. Sau đó, người này hướng dẫn ông Đ. đăng nhập tài khoản ngân hàng để thực hiện đồng bộ tài khoản. Do chủ quan, ông đã làm theo hướng dẫn của đối tượng. Sau khi thực hiện thao tác, ông thấy tài khoản ngân hàng bị trừ tổng số tiền 1 tỉ đồng. Phát hiện mình bị lừa, ông đã đến cơ quan công an trình báo.
Trước đó, bà L. (trú tại Sơn Lộc, Sơn Tây, Hà Nội) cũng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại giới thiệu là nhân viên điện lực yêu cầu bà thanh toán hóa đơn tiền điện nếu không sẽ bị cắt điện. Đối tượng hướng dẫn bà tải ứng dụng (app) EVN để truy cập và đóng tiền điện. Sau khi truy cập, tài khoản của bà đã bị trừ 10 triệu đồng.
Theo Điện lực Hà Nội, mỗi ngày có hàng trăm cuộc gọi mạo danh nhân viên điện lực với mục đích xâm nhập dữ liệu trong điện thoại nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Trung tâm chăm sóc khách hàng của Điện lực Hà Nội cho biết trong năm 2024, trung tâm ghi nhận 3.300 cuộc gọi phản ánh về việc nhận cuộc gọi lạ tự xưng là nhân viên điện lực. Những tháng đầu năm 2025, trung tâm ghi nhận số lượng cuộc gọi lừa đảo gấp nhiều lần con số của cả năm 2024. Nội dung các cuộc gọi mạo danh thường là thông báo khách hàng chưa nộp tiền điện, hoặc thông báo phương thức thanh toán tiền điện đã thay đổi, yêu cầu khách hàng kết bạn Zalo và cài đặt phần mềm thanh toán, từ đó dẫn dắt vào các đường link lạ và chiếm đoạt số tài khoản ngân hàng.
Vì sao chiêu cũ nhưng vẫn có người bị lừa?
Đó là câu hỏi mà nhiều người đặt ra. Lý do đầu tiên là "cũ người này, mới người kia". Với những người đã biết thì cũ nhưng với người chưa biết thì họ sẽ không cảnh giác. Thứ 2 là điện, viễn thông là những dịch vụ thiết yếu, nhà nào cũng sử dụng nên rất dễ... tưởng thật. Trong khi đó, kẻ gian ngày càng tinh vi, chiêu trò ngày càng biến tướng nên vẫn có người sập bẫy. Đó là về mặt tâm lý, còn ở góc độ chuyên môn, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, Giám đốc dự án Chongluadao.vn, phân tích: "Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ di động đã dẫn đến sự bùng nổ của các ứng dụng trên điện thoại. Các ứng dụng này mang lại nhiều tiện ích cho người dùng, từ giải trí, giáo dục, đến làm việc và giao tiếp. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích rõ rệt, cũng có nhiều rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là vấn đề bảo mật và an toàn thông tin. Rủi ro đến từ các ứng dụng giả mạo và mã độc thường được kẻ gian thiết kế để trông giống hệt hoặc gần giống các ứng dụng chính thức, nhằm lừa đảo người dùng tải về và cài đặt.
Mã độc có thể được nhúng vào ứng dụng giả mạo để đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hoặc thực hiện các hoạt động xấu khác mà người dùng không hề hay biết. Bên cạnh đó, kẻ gian thường gọi điện thoại bất ngờ và thao túng tâm lý những người thiếu thông tin, mất cảnh giác. Chỉ cần cả tin làm theo hướng dẫn của kẻ mạo danh thì lập tức điện thoại và tài khoản ngân hàng sẽ bị xâm nhập, đánh cắp".
Theo ông Hiếu, để phân biệt ứng dụng thật và giả, cần kiểm tra nguồn gốc của ứng dụng, chỉ tải ứng dụng từ các cửa hàng chính thức như Google Play Store hoặc Apple App Store. Tránh tải ứng dụng từ các nguồn không rõ ràng hoặc liên kết gửi qua email, tin nhắn. Các ứng dụng phổ biến và đáng tin cậy thường có nhiều đánh giá và xếp hạng cao từ người dùng.
Để tránh tình trạng lừa đảo mạo danh nhân viên điện lực, lãnh đạo Điện lực Hà Nội khẳng định: "Tất cả các cuộc gọi cho khách hàng chúng tôi đều không sử dụng điện thoại cá nhân, tài khoản cá nhân để thông báo thanh toán tiền điện. Trong thời gian qua EVNHANOI đã tăng cường tuyên truyền đến từng hộ dân về việc nâng cao cảnh giác, không truy cập các đường link lạ hoặc app nghi ngờ giả mạo. Người dân nên đóng tiền điện qua ứng dụng ngân hàng; đồng thời truy cập website EVNHANOI hoặc cài đặt ứng dụng của EVNHANOI (app EVNHANOI) để cập nhật thông tin về điện thường xuyên, liên tục, bao gồm cả hóa đơn tiền điện".
Tại TP.HCM, nơi cũng có tình trạng mạo danh nhân viên điện lực tràn lan, ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết: "Có không ít các cuộc gọi cho khách hàng ở TP.HCM nhưng thông báo nợ tiền điện ở các tỉnh thành khác. Có trường hợp còn giả danh số điện thoại tổng đài chăm sóc khách hàng của ngành điện để trả lời khách hàng và thu cước điện thoại 8.000đ/phút. Thống kê hiện nay cho thấy có 3 cách thức các đối tượng lừa đảo thường xuyên sử dụng và người dân cần hết sức cảnh giác.
Thứ nhất, đối tượng thông báo khách hàng đang nợ tiền điện với số tiền lớn, yêu cầu thanh toán ngay lập tức để tránh bị cắt điện hoặc thông báo khách hàng ghi sai tên, sai số tài khoản cần cập nhật để sửa. Thứ hai, các đối tượng thông tin hệ thống điện đang gặp sự cố, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện thao tác chuyển tiền để khắc phục. Thứ ba, kẻ mạo danh thông báo, giới thiệu các chương trình khuyến mãi giả mạo, yêu cầu khách hàng truy cập đường link lạ hoặc tải ứng dụng độc hại để nhận ưu đãi".