Nhảy đến nội dung
 

Tắc mật bởi hàng nghìn viên sỏi - Báo VnExpress

"Hàng nghìn viên sỏi kích thước 2-5 mm làm tắc túi mật bệnh nhân, là trường hợp ít gặp", tiến sĩ, bác sĩ Phạm Công Khánh, Trưởng khoa Gan - Mật - Tụy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nói.

Bệnh nhân này đau bụng từng cơn ở vùng thượng vị (phần trên rốn) suốt 4 ngày, tưởng viêm dạ dày song uống thuốc không bớt. Bà vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, xét nghiệm máu và chụp MRI mật tụy cho thấy tắc mật, nhiều sỏi nhỏ trong túi mật và ống mật chủ.

Bác sĩ Khánh cho biết tắc mật khiến dịch mật không chảy ra khỏi gan mà tích tụ trong tế bào gan và rò vào máu. Do đó, các chỉ số xét nghiệm máu của bà Hương đều cao bất thường. Đơn cử, chỉ số bilirubin toàn phần 29.9 µmol/L (bình thường 3,4-17,1 μmol/L), chỉ số men gan tăng gấp mấy trăm lần so với bình thường. Khi mật không chảy đến ruột non do sỏi, thức ăn không được tiêu hóa khiến người bệnh có nguy cơ nhiễm trùng đường mật, suy giảm chức năng gan, viêm tụy cấp, sốc nhiễm trùng đường mật.

Sỏi mật hình thành chủ yếu do sự mất cân bằng của các thành phần của dịch mật gồm cholesterol, billirubin, muối canxi. Khi lượng cholesterol trong dịch mật gia tăng quá mức ảnh hưởng đến khả năng hòa tan muối mật, dẫn tới hình thành sỏi. Trường hợp bà Hương là sỏi hỗn hợp gồm sỏi cholesterol và sỏi sắc tố, theo bác sĩ Khánh.

Bác sĩ phẫu thuật lấy sỏi ở túi mật và ống mật chủ. Phương pháp điều trị tối ưu là phẫu thuật "2 trong 1", vừa nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) lấy sỏi ống mật chủ đồng thời cắt túi mật.

Bác sĩ đưa ống mềm có gắn camera vào ống túi mật và động mạch túi mật, lấy ra hàng nghìn viên sỏi. Hậu phẫu, bà Hương không còn đau bụng, có thể ăn uống, đi lại bình thường, xuất viện sau một ngày.

Sỏi mật thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới, nhất là phụ nữ trên 40 tuổi, có cơ địa thừa cân. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ sỏi mật như giảm cân quá nhanh, ăn uống không điều độ, ít vận động, phụ nữ mang thai, mắc tiểu đường type 2.

Sỏi mật có hai loại là sỏi cholesterol và sỏi sắc tố, trong đó, sỏi cholesterol chiếm 80% các loại sỏi mật, thường liên quan đến tình trạng tắc nghẽn và viêm nhiễm.

Sỏi túi mật hình thành trong giai đoạn đầu thường không có triệu chứng nên thường chỉ phát hiện được qua siêu âm bụng khi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Một số biểu hiện thường gặp khi sỏi phát triển gây biến chứng như đau bụng dưới sườn phải, sốt, vàng da, vàng mắt, nước tiểu đậm màu, ngứa da, nôn ói, chán ăn, mệt mỏi...

Bác sĩ Công Khánh khuyến nghị mỗi người cần khám sức khỏe hệ tiêu hóa định kỳ. Khi có triệu chứng bất thường như đau quặn bụng kéo dài, đau bụng tăng mức độ theo thời gian..., người bệnh nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để kiểm tra, được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tăng cường ăn nhiều chất xơ, giảm chất béo bão hòa, đường và cholesterol, duy trì tập thể dục đều đặn, kiểm soát stress, tránh thức khuya... có thể giảm nguy cơ sỏi túi mật hình thành.

Quyên Phan

*Tên bệnh nhân đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp