Nhảy đến nội dung

Sức mạnh của Iskander-M, tên lửa đạn đạo tham gia duyệt binh Ngày Chiến thắng

Các trang quân sự uy tín cho biết, tên lửa đạn đạo Iskander-M và nhiều loại vũ khí hiện đại khác của Nga sẽ góp mặt trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít Đức trong Thế chiến II vào ngày 9/5 tới.

Theo những bức ảnh được trang quân sự Army Recognition công bố hôm 4/5, Nga đã điều động nhiều khí tài hiện đại tham gia tập dượt chuẩn bị cho cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng (9/5) năm nay, từ những khí tài từng chứng minh năng trong thực chiến như T-72B3M và T-90M đến các hệ thống pháo tự hành hiện đại như 2S19M và 2S43 Malva hay một số tên lửa có tầm bắn lên tới hàng chục nghìn km như RS-24 Yars.

Trong số những vũ khí góp mặt ở sự kiện lần này, không thể không kể đến tên lửa Iskander-M, vũ khí đạn đạo chiến thuật quan trọng đối với lực lượng tên lửa và pháo binh trực thuộc Lục quân Nga.

Bối cảnh phát triển

Nhà thiết kế vũ khí Sergey Nepobedimy thuộc Tập đoàn nghiên cứu vũ khí KBM có trụ sở ở Kolomna, Liên Xô (nay thuộc Nga) đã nhen nhóm những ý tưởng ban đầu về tên lửa Iskander từ cuối năm 1988. Tuy nhiên, những biến động chính trị đầu thập niên 1990 tại Đông Âu đã khiến quá trình phát triển loại vũ khí mới bị đình trệ trong một thời gian dài.

Đến tháng 9/2004, trong cuộc họp với các quan chức quốc phòng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận được báo cáo về một loại tên lửa chiến thuật mới có tên Iskander. Đến năm 2006, việc sản xuất đại trà tên lửa Iskander bắt đầu và khí tài này được đưa vào biên chế quân đội Nga.

Thiết kế

Theo Army Recognition, tên lửa Iskander-M có trọng lượng 3.800kg, trong đó phần đầu đạn nặng từ 480 - 700kg tùy loại thông thường hoặc hạt nhân; dài 7,3m và tầm bắn khoảng 500km. Khi được dẫn đường bằng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS, độ lệch mục tiêu đồng tâm (Circular error probable - CEP) của Iskander-M chỉ khoảng 2 - 7m.

Iskander-M được áp dụng công nghệ tàng hình kỹ thuật plasma, tức là tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh phần đầu đạn tên lửa khiến hệ thống radar của đối phương khó phát hiện. Do vậy, khí tài này có khả năng thoát khỏi sự giám sát của radar phòng không của đối phương.

Ngoài ra, Iskander-M còn được trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh kết hợp đầu tự dẫn quang học thế hệ mới, cho phép tên lửa thay đổi quỹ đạo bay một cách linh hoạt. Do vậy, tên lửa phòng không của đối phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo dấu đầu đạn của Iskander cũng như đánh chặn tên lửa này.

Sức mạnh trong thực chiến của Iskander-M

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M được quân đội Nga sử dụng nhiều trong cuộc xung đột ở Ukraine, thường để phá hủy các mục tiêu có giá trị lớn như pháo phản lực phóng loạt HIMARS hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng của các lực lượng Kiev.

Cuối tháng 8/2024, quân đội Nga đã công bố đoạn video ghi lại cảnh lực lượng tên lửa nước này bắn nổ hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Ukraine triển khai ở tỉnh Sumy. Cụ thể, máy bay không người lái (UAV) trinh sát của Nga phát hiện đối phương triển khai hệ thống pháo phản lực HIMARS gần khu định cư Stepanovka. Sau đó, kíp chiến đấu Ukraine lái HIMARS ẩn nấp tại rìa một khu rừng gần đó. Với tọa độ do UAV cung cấp, quân Nga sử dụng Iskander-M tập kích khẩu pháo của đối phương. Đòn tấn công lập tức tạo ra một vụ nổ lớn ở nơi pháo HIMARS đang trú ẩn.

Video: Bộ Quốc phòng Nga/TASS

Đầu tháng 10 cùng năm, quân Nga dùng Iskander-M tấn công vào vị trí của một đơn vị chiến thuật cấp đại đội Ukraine gần làng Frunzenka ở vùng Sumy, cách biên giới hai nước khoảng 15km. Trong một tuyên bố sau đó, Bộ Quốc phòng Nga thống kê, tên lửa đạn đạo của họ “đã phá hủy 12 xe bọc thép, 5 xe bán tải và loại biên 80 binh sĩ Ukraine”.

Video: Bộ Quốc phòng Nga