Sức hút của Ninh Bình không dừng lại ở danh thắng UNESCO

TPO - Chia sẻ với PV Tiền Phong, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn bày tỏ kỳ vọng với vai trò đồng hành của các cơ quan báo chí, đặc biệt là Báo Tiền Phong trong việc lan tỏa mạnh mẽ chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh, sẽ góp phần gìn giữ và nâng tầm giá trị di sản
Từ di sản đến giá trị văn hóa số
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, du lịch không còn đơn thuần là ngành dịch vụ mà đang từng bước trở thành một ngành kinh tế tổng hợp, gắn bó mật thiết với công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Với Ninh Bình - vùng đất hội tụ đầy đủ giá trị văn hóa - lịch sử - thiên nhiên độc đáo, công nghiệp văn hóa không chỉ là trụ cột mới trong phát triển mà còn là “đòn bẩy” để đưa du lịch cất cánh, tạo dấu ấn khác biệt và bền vững trên bản đồ khu vực và thế giới.
![]() |
Một góc Lễ hội Tràng An. |
Ninh Bình là tỉnh hiếm hoi hội tụ cả hai loại hình di sản thế giới được UNESCO công nhận: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Tràng An - một quần thể cảnh quan địa chất độc đáo, và Cố đô Hoa Lư - trung tâm quyền lực đầu tiên của Nhà nước Đại Cồ Việt. Đây là vốn quý vô giá, nhưng nếu chỉ dừng lại ở “bảo tồn vật thể”, di sản sẽ bị giới hạn bởi tính vật lý và sức chứa không gian.
Do đó, chiến lược của Ninh Bình trong giai đoạn mới không chỉ là bảo tồn, mà là tài sản hóa và công nghiệp hóa giá trị di sản bằng công cụ của công nghiệp văn hóa.
Công nghiệp văn hóa giúp “mở khóa” kho tàng di sản bằng các hình thức sáng tạo, từ phim ảnh, nghệ thuật trình diễn, thiết kế trải nghiệm, game hóa lịch sử đến du lịch thực tế ảo... Di sản không chỉ còn là nơi tham quan, mà trở thành chất liệu sống cho sáng tạo nghệ thuật và công nghiệp giải trí - lĩnh vực có giá trị gia tăng cao và lan tỏa mạnh mẽ trong nền kinh tế số.
Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn khẳng định: “Ninh Bình là vùng đất đặc biệt, nơi kết tinh hài hòa giữa di sản văn hóa và thiên nhiên, giữa lịch sử nghìn năm và khát vọng hội nhập thời đại. Công nghiệp văn hóa không chỉ là động lực mới, mà còn là phương thức để nâng tầm di sản, để Ninh Bình vươn tới mục tiêu trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo vào năm 2035”.
![]() |
Một góc khuôn viên chùa Bái Đính. Ảnh: Như Ý. |
Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khi xác định du lịch và công nghiệp văn hóa là hai mũi nhọn ưu tiên. Đây là bước đột phá trong tư duy phát triển - chuyển từ mô hình “khai thác tài nguyên” sang “sáng tạo giá trị”; từ khai thác thô sang phát triển tinh; từ tiếp cận đơn ngành sang tích hợp đa ngành.
Ngoài ra, ngày 28/2/2025, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đã ký ban hành Nghị quyết số 22 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2025-2035, định hướng đến năm 2050.
Chiến lược 4H: Hướng đến hệ sinh thái công nghiệp văn hóa
Theo định hướng của tỉnh Ninh Bình, công nghiệp văn hóa sẽ được phát triển dựa trên nguyên tắc “xanh, bền vững, hài hòa”, với trọng tâm là chuyển đổi di sản theo hướng 4H: Tài sản hóa di sản: Biến di sản thành nguồn lực phát triển bằng cách xây dựng bản quyền, sản phẩm văn hóa và trải nghiệm gắn với thương hiệu. Bảo tàng hóa di sản: Gìn giữ ký ức văn hóa bằng công nghệ số hóa, trưng bày tương tác và giáo dục công chúng. Phim trường hóa di sản: Biến Ninh Bình thành trung tâm quay phim lịch sử, dã sử và cổ trang - nơi kết hợp giữa bối cảnh thật và kỹ xảo số. Công viên hóa di sản: Xây dựng các không gian mở kết hợp vui chơi, trải nghiệm, trình diễn văn hóa truyền thống và đương đại.
Mô hình này không chỉ tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn, mà còn kéo theo các ngành công nghiệp phụ trợ: Thiết kế, truyền thông, công nghệ, thời trang, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ... hình thành hệ sinh thái công nghiệp văn hóa trọn vẹn.
![]() |
Giáo sư, TSKH Vũ Minh Giang trong cuộc trò chuyện với Báo Tiền Phong. |
Về định hướng này, trao đổi với PV Tiền Phong, Giáo sư, TSKH Vũ Minh Giang nhận định: “Vùng đất Hoa Lư từng là một trong những trung tâm chính trị - hành chính quan trọng ngay từ thời Bắc thuộc. Chính vì vậy, nơi đây đã đóng vai trò trung tâm của khu vực Nam Đồng bằng sông Hồng từ rất sớm trong tiến trình lịch sử Việt Nam.
Bên cạnh giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt, Ninh Bình còn có vị trí địa lý hết sức thuận lợi như các tuyến quốc lộ huyết mạch đi qua, trong tương lai gần sẽ có thêm đường sắt tốc độ cao kết nối xuyên vùng. Nhờ vậy, Ninh Bình đóng vai trò là điểm giao thoa văn hóa giữa nhiều vùng miền, đặc biệt là giữa Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.
Trong đó Quần thể Danh thắng Tràng An - đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Cùng với giá trị văn hóa - lịch sử phong phú, lượng khách du lịch đến Ninh Bình không ngừng gia tăng, từng bước định hình rõ tính chất đô hội đặc sắc của vùng đất này”.
![]() |
Du khách tại Tràng An. |
Không phải ngẫu nhiên Ninh Bình được chọn là nơi tổ chức các sự kiện ngoại giao cấp cao và tiếp đón nhiều nguyên thủ quốc gia. Vùng đất này, với vẻ đẹp non nước hữu tình và chiều sâu văn hóa lịch sử, đã chạm đến trái tim của nhiều nhà lãnh đạo thế giới.
Minh chứng gần đây nhất, ngày 4/5, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka đã đến thăm chùa Bái Đính - trung tâm Phật giáo lớn tọa lạc tại tỉnh Ninh Bình. Việc Ninh Bình trở thành lựa chọn của các nguyên thủ và hoàng gia cho thấy vùng đất này không chỉ là danh thắng, mà còn là “sân khấu” văn hóa có tầm vóc ngoại giao và quốc tế, có thể đại diện cho hình ảnh Việt Nam đương đại: Thanh bình, sâu sắc và hội nhập.
Sức hút của Ninh Bình không dừng lại ở danh thắng UNESCO. Trong những năm gần đây, Ninh Bình liên tục được các tạp chí, tổ chức du lịch và truyền thông quốc tế uy tín vinh danh: Tạp chí du lịch nổi tiếng Travel + Leisure (Mỹ) gọi Ninh Bình là “Vịnh Hạ Long trên cạn” - một trong những kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp nhất Đông Nam Á. CNN Travel (Anh - Mỹ) đưa Ninh Bình vào danh sách “50 điểm đến đẹp nhất thế giới năm 2023”. Forbes (Mỹ) đánh giá Ninh Bình là “địa điểm lý tưởng để du lịch trải nghiệm văn hóa và tĩnh tâm” sau đại dịch. Tạp chí Lonely Planet xếp Ninh Bình trong top 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á năm 2020. Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) ghi nhận Tràng An là “Mô hình du lịch bền vững và bảo tồn di sản sinh thái mẫu mực ở Đông Nam Á”.
Truyền thông - cầu nối sáng tạo với công chúng
Chia sẻ với PV Tiền Phong, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn bày tỏ kỳ vọng với vai trò đồng hành của các cơ quan báo chí - đặc biệt là Báo Tiền Phong trong việc lan tỏa mạnh mẽ chiến lược phát triển của tỉnh, góp phần gìn giữ và nâng tầm giá trị di sản. Ông Huấn nhấn mạnh, truyền thông không chỉ là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, giữa di sản với du khách, mà còn là lực đẩy quan trọng để Ninh Bình hội nhập sâu vào mạng lưới các thành phố di sản, trung tâm sáng tạo và công nghiệp văn hóa của khu vực và thế giới.
![]() |
Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình Đoàn Minh Huấn. |
Mặc dù có lợi thế lớn về tài nguyên, song để công nghiệp văn hóa trở thành trụ cột thật sự, Ninh Bình vẫn cần đối diện với nhiều thách thức như hạ tầng dịch vụ sáng tạo còn thiếu, nguồn nhân lực nghệ thuật - công nghệ chưa đáp ứng, đầu tư xã hội hóa còn hạn chế...
Tuy nhiên, với tầm nhìn rõ ràng, chính trị quyết tâm, cùng sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền - doanh nghiệp - giới sáng tạo - người dân và truyền thông, Ninh Bình hoàn toàn có thể “bẻ khóa” tiềm năng di sản để bứt phá. Khi đó, Tràng An không chỉ là địa điểm du lịch nổi tiếng, mà còn là trung tâm sáng tạo gắn với bản sắc Việt; Hoa Lư không chỉ là cố đô lịch sử, mà còn là bối cảnh cho nền công nghiệp văn hóa thời đại số.
Hội thảo “Đưa Công nghiệp Văn hoá thành đòn bẩy để Du lịch Ninh Bình cất cánh” diễn ra trong hai ngày 8-9/5/2025 tại thành phố Hoa Lư, do Báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh và Sở Du lịch Ninh Bình tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Ninh Bình. Sự kiện quy tụ hơn 200 đại biểu gồm lãnh đạo Trung ương, các Bộ, ngành, các địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa và du lịch.