Sữa, mì gói, trứng gà của Việt Nam tăng tốc thâm nhập thị trường Campuchia

Trong khi các 'ông lớn' Việt Nam đã đầu tư lâu dài tại Campuchia qua các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, thì các thương hiệu thực phẩm đang tăng tốc hiện diện và gây chú ý gần đây.
Sự hiện diện của hàng Việt đang tăng mạnh
Theo báo Khmer Times của Campuchia, trong nửa tháng qua, các thương hiệu Việt Nam đã tăng đáng kể sự hiện diện trên thị trường Campuchia, đặc biệt ở các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như bánh quy, sữa, sô cô la và mì gói.
Sự mở rộng này diễn ra trong bối cảnh thương mại biên giới giữa Thái Lan và Campuchia bị gián đoạn do căng thẳng gần đây. Nắm bắt cơ hội thị trường thiếu hụt nguồn cung, các công ty Việt Nam nhanh chóng điều chỉnh chiến lược và tăng cường cung ứng hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang gia tăng tại Campuchia.
Những người trong ngành nói với Khmer Times rằng nhiều đội ngũ tiếp thị đại diện cho các thương hiệu Việt Nam đã có mặt tại Phnom Penh để đàm phán với các nhà bán lẻ địa phương.
Một quản lý cấp cao tại chuỗi bán lẻ lớn ở Campuchia cho biết chỉ trong vòng hai tuần, sự hiện diện của hàng Việt đã tăng mạnh, như sữa và mì ăn liền.
Vị này cũng đánh giá dù có sự tham gia của một số thương hiệu Malaysia, nhưng các thương hiệu Việt Nam là những đơn vị thành công nhất trong việc "lấp đầy khoảng trống" trên thị trường.
Một ví dụ được nêu là thương hiệu sữa Dalat Milk của Việt Nam, hiện thay thế phần nào sản phẩm sữa Dutch Mill (Thái Lan) trên các kệ hàng.
Chỉ có Thái Lan, Lào và Việt Nam có đường biên giới đất liền với Campuchia. Giới bán lẻ Campuchia đánh giá trong khi hoạt động thương mại với Thái Lan bị ảnh hưởng và Lào thiếu năng lực mở rộng sản phẩm, các doanh nghiệp Việt đã nhanh chóng tận dụng lợi thế để gia tăng cung ứng. Một số ý kiến còn ví von sự xuất hiện của hàng Việt như "ghi bàn vào khung thành không có thủ môn".
Nguồn hàng từ Việt Nam giúp nhiều siêu thị ở Phnom Penh duy trì hoạt động ổn định
Bên cạnh tốc độ cung ứng, tính ổn định cũng là yếu tố khiến hàng hóa Việt được đánh giá cao. Một nguồn tin khác cho biết nguồn hàng từ Việt Nam đã giúp nhiều siêu thị ở Phnom Penh duy trì hoạt động kinh doanh ổn định trong bối cảnh thiếu hụt.
Các thương hiệu thực phẩm chế biến Việt Nam như Vifon, Acecook hay Vị Hương (thuộc Công ty Thiên Hương) tuy đã hiện diện tại thị trường Campuchia, nhưng lĩnh vực này trước đây vẫn chưa được chú ý đến nhiều bằng các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Viettel, BIDV, Hoàng Anh Gia Lai hay Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Nhu cầu từ thị trường láng giềng đã tác động ngược trở lại thị trường trong nước, thể hiện rõ ở một số mặt hàng.
Lãnh đạo một doanh nghiệp trứng tại TP.HCM chia sẻ với Tuổi Trẻ Online trong thời gian gần đây, từng có thời điểm giá trứng tăng vọt, một phần do thương lái thu gom mạnh để xuất sang Campuchia.
Doanh nghiệp này cũng đang tăng sản lượng sản xuất để đáp ứng cho thị trường.
Đáng chú ý, Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia năm 2025 dự kiến được tổ chức vào ngày mai (15-7) tại TP.HCM. Sự kiện được kỳ vọng tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác giữa khoảng 200 doanh nghiệp hai nước.
Về mặt chính sách, cuối tháng 4-2025 Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Cham Nimul nhằm thảo luận về phương hướng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương. Đồng thời hai bên đã ký kết bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại giai đoạn 2025 - 2026.
Tiềm năng mở rộng hợp tác giữa hai quốc gia được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, đặc biệt khi dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sắp được khởi công. Đây cũng là tuyến ngắn nhất kết nối TP.HCM với Campuchia thông qua cửa khẩu Mộc Bài, góp phần tăng cường kết nối giao thương giữa hai quốc gia.