Nhảy đến nội dung
 

Sửa Luật năng lượng để gỡ rào cản 'xanh' cho doanh nghiệp xuất khẩu

Bộ trưởng Công Thương cho rằng việc sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt trước yêu cầu khắt khe từ thị trường EU, Mỹ.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 5/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Cấp thiết phải sửa Luật trong bối cảnh mới

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội khóa XII thông qua đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai, Luật đã bộc lộ những bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng toàn cầu, xu thế kinh tế xanh và các rào cản kỹ thuật, chính sách môi trường ngày càng gia tăng từ các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN.

Các chính sách như thuế carbon (ETS), cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM), truy vết dấu vết carbon... đang tạo áp lực đáng kể lên các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, nhựa, thép, điện tử, chế biến thủy sản.

Các quy định này trực tiếp tác động lên lực lượng lao động trực tiếp của Việt Nam, ước tính khoảng 20/52 triệu lao động, và ảnh hưởng lên GDP của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực để thực hiện chuyển đổi công nghệ, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng do thiếu các cơ chế tài chính hỗ trợ. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã áp dụng các cơ chế hỗ trợ hiệu quả như thỏa thuận tự nguyện (VA) ở EU, Mỹ, hay mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) tại Hàn Quốc, Thái Lan.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, cũng đang mở ra nhiều cơ hội mới cho việc quản lý, giám sát và sử dụng hiệu quả năng lượng. Do đó, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp với trình độ công nghệ hiện đại và phù hợp với Quy hoạch Điện VIII.

Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Vì vậy, Luật sửa đổi cần tăng cường các quy định mang tính bắt buộc thay vì chỉ khuyến khích, nhằm thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm năng lượng, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là tại COP26.

"Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung Luật là tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trước rào cản xanh từ các thị trường xuất khẩu. Xây dựng cơ chế tài chính, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, lãi vay, bảo lãnh vay vốn... thông qua việc thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Ngoài ra, Luật mới sẽ bảo đảm tính khả thi, đồng bộ với hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, giảm cường độ năng lượng trong sản xuất, thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Tán thành đưa mô hình ESCO vào Luật

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết Ủy ban thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi Luật, đánh giá hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị nghiêm túc, đủ điều kiện trình Quốc hội.

Về các quy định liên quan đến cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung cơ chế cập nhật Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; bổ sung quy định trách nhiệm xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ sử dụng năng lượng của cơ sở sản xuất; nghiên cứu ban hành bộ chỉ số kỹ thuật theo ngành nghề và tích hợp với chỉ số cường độ năng lượng vào hệ thống chỉ tiêu quốc gia.

Đồng thời, làm rõ cơ sở quy định các biện pháp quản lý đối với cơ sở kinh doanh kiểm toán năng lượng, việc đáp ứng yêu cầu về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ pháp luật.

nang luong tiet kiem anh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Về quy định dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng, Ủy ban nhận thấy vật liệu xây dựng có tác động lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sử dụng năng lượng của công trình; nhiều quốc gia đã có chính sách khuyến khích việc sử dụng vật liệu có hiệu suất năng lượng cao. Để thực hiện chính sách này cần có đủ hệ thống quy chuẩn, có hạ tầng kiểm định và chính sách truyền thông, ưu đãi phù hợp.

Do đó, Ủy ban đề nghị xem xét, nghiên cứu làm rõ tính khả thi của quy định này; rà soát, bổ sung các đối tượng dán nhãn; rà soát các điều, khoản để chỉnh lý phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, thuận tiện cho việc hợp nhất văn bản.

Liên quan quy định về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng việc thành lập Quỹ cần tiếp tục nghiên cứu và phải được đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng; nghiên cứu sử dụng Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Luật Ngân sách Nhà nước, Bộ Luật Dân sự đã có quy định về các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, quỹ xã hội; không nên quy định về Quỹ này trong dự thảo Luật.

Loại ý kiến thứ hai tán thành với quy định nêu trên nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 55, góp phần thực hiện các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản thống nhất với loại ý kiến thứ hai, tuy nhiên cần nghiên cứu quy định rõ ràng, cụ thể và phù hợp hơn, nhất là quy định về thành lập, quản lý, mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế tài chính và sử dụng Quỹ.

Về Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO), Ủy ban tán thành với đề xuất đưa mô hình này vào Luật. Đây là mô hình hiệu quả đã được triển khai tại nhiều quốc gia, góp phần thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phù hợp với cam kết giảm phát thải của Việt Nam.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, mô hình này chưa phổ biến, hoạt động còn manh mún. Ủy ban đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung quản lý, chính sách ưu đãi, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.