Nhảy đến nội dung

Sửa luật, đưa 5 tổ chức, 20 hội về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình sửa luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các luật liên quan quy định 5 tổ chức chính trị xã hội, 20 hội quần chúng sau sắp xếp về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chiều 28.4, tiếp tục phiên họp 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, luật Công đoàn, luật Thanh niên và luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Trình dự luật, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, dự thảo luật bổ sung quy định 5 tổ chức chính trị - xã hội và 20 hội quần chúng (sắp xếp từ 30 hội hiện nay) về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo đó, dự thảo luật quy định rõ: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ là các tổ chức thành viên trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về tổ chức, dự thảo luật sửa đổi để tinh gọn tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ còn 2 cấp, cấp tỉnh và cấp xã, bỏ cấp huyện. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thành lập Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.

Đối với tổ chức công đoàn, dự thảo luật đề xuất quy định Công đoàn Việt Nam gồm 3 cấp: Tổng Liên đoàn Lao động, công đoàn cấp tỉnh/ngành và cấp cơ sở, bỏ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hiện nay.

Về tài chính công đoàn, dự thảo luật sửa đổi quy định về đối tượng đóng kinh phí công đoàn từ "cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã" bằng cụm từ "doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập không hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác có sử dụng lao động".

Thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành các đề xuất sửa đổi.

Riêng với các đề xuất sửa đổi của hệ thống tổ chức công đoàn, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc việc quy định "cứng" công đoàn cấp trên cơ sở và 3 cấp công đoàn.

Về đối tượng đóng kinh phí công đoàn, ông Vinh cho rằng quy định "đơn vị sự nghiệp công lập không hưởng 100% lương từ ngân sách nhà nước" là chưa rõ ràng. Ông Vinh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể để bảo đảm tính khả thi khi áp dụng.

Giữ nguyên tư cách pháp nhân các tổ chức chính trị - xã hội

Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị cân nhắc sử dụng từ "tổ chức trực thuộc" Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là Công đoàn Việt Nam.

Ông Hiểu phân tích, trong đề án Mặt trận Tổ quốc trình Bộ Chính trị, Trung ương Đảng là sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, hội quần chúng. Nghị quyết 60 Trung ương 11 khóa XIII cũng khẳng định lại nội dung này.

Vẫn theo ông Hiểu, tại Hướng dẫn 31 của Ban Tổ chức Trung ương (về việc thành lập tổ chức Đảng ở địa phương và sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể ở cấp tỉnh, cấp xã) cũng nêu rõ: hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc về chung với cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; giữ nguyên tư cách pháp nhân của các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng (có con dấu, tài khoản riêng); vừa bảo đảm hoạt động của các đoàn thể, hội quần chúng trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vừa đảm bảo tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức (độc lập tương đối).

Ông Hiểu kiến nghị, cần cân nhắc từ ngữ để thể chế hóa chủ trương của Đảng, vì "tổ chức" là hệ thống thống nhất từ Trung ương tới địa phương, khác với "cơ quan" là bộ phận, bộ máy điều hành tổ chức.

Giải trình thêm, bà Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, dự thảo luật được trình trên nguyên tắc cao nhất là thực hiện đúng theo các kết luận của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng.

Bà Hà cho hay, tại Kết luận 126 ngày 14.2 của Bộ Chính trị nêu rõ, nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp lại các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ về trực thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng hiện nay) và đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan.