Nhảy đến nội dung

Sửa luật Doanh nghiệp, đưa Việt Nam khỏi 'danh sách xám' chống rửa tiền

Việc sửa luật Doanh nghiệp mang ý nghĩa cấp bách trong nỗ lực quyết liệt đưa Việt Nam khỏi 'danh sách xám' về chống rửa tiền.

Sáng 9.5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình Quốc hội dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Doanh nghiệp.

Dự thảo luật đã bổ sung các quy định để tăng cường giám sát, kiểm tra, chế tài xử lý cụ thể đối với các doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ theo cam kết, doanh nghiệp có vốn ảo, kê khai khống vốn điều lệ.

Theo đó, quy định rõ phạm vi, trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh, có trách nhiệm trong tổ chức đăng ký kinh doanh; thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp theo quy định pháp luật trong phạm vi địa phương; ban hành quy trình kiểm tra, giám sát đăng ký kinh doanh... 

Theo cơ quan soạn thảo, thời gian qua có tình trạng vốn ảo, đăng ký khống vốn điều lệ, thành lập doanh nghiệp ma. Hoặc tình trạng núp bóng tham gia góp vốn, mua cổ phần chi phối doanh nghiệp nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, chiếm đoạt tiền, tài sản thông qua các hoạt động của doanh nghiệp như mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, vay vốn ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ...

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, việc bổ sung các quy định trên nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước với doanh nghiệp, đặc biệt là trách nhiệm hậu kiểm nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, đăng ký khống vốn điều lệ, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.

Một số ý kiến cho rằng hiện nay việc đăng ký vốn, tăng vốn điều lệ không chặt chẽ dẫn đến nhiều trường hợp các công ty tăng vốn ảo trước khi trở thành công ty đại chúng hoặc lập công ty ma. Do đó, luật Doanh nghiệp cần quy định cụ thể về thủ tục đăng ký vốn ban đầu như: điều kiện, hồ sơ, định giá tài sản… để tăng tính minh bạch và có sự kiểm tra chặt chẽ ngay từ bước ban đầu. 

Tuy nhiên, theo cơ quan soạn thảo, nếu quy định các giấy tờ chứng minh năng lực tài chính khi thực hiện các thủ tục về thành lập, góp vốn thành lập doanh nghiệp sẽ phát sinh thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, theo cơ quan soạn thảo, việc sửa luật Doanh nghiệp rất cấp thiết do tháng 6.2023, APG (Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền) đã chính thức đưa Việt Nam vào "danh sách xám", có thể khiến kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực. Theo nghiên cứu của IMF, các nước trong danh sách xám sẽ bị giảm sút đáng kể vốn FDI, giao dịch tài chính ra nước ngoài bị tính phí cao hơn...

Gần đây, FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính) và APG cũng đã đưa ra cảnh báo nếu Việt Nam không có các biện pháp để cải thiện trong việc thực hiện cam kết, thì FATF sẽ tiếp tục đưa Việt Nam vào “danh sách đen”, có thể sẽ chịu nhiều tác động nặng nề hơn...

Do đó, cơ quan soạn thảo nhấn mạnh việc hoàn thiện các quy định về chủ sở hữu hưởng lợi tại luật Doanh nghiệp là nội dung cấp bách, đáp ứng các yêu cầu cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Trước tháng 5.2025, Việt Nam phải xây dựng cơ chế cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền truy cập kịp thời vào các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân.

Để Việt Nam không vào "danh sách đen" chống rửa tiền

Báo cáo thẩm tra, ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, đề nghị Chính phủ rà soát, quy định rõ hơn chủ thể doanh nghiệp cần kê khai trên cơ sở tối ưu hóa thông tin khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn có, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Đồng thời, rà soát quy định chuyển tiếp bảo đảm hợp lý, khả thi đối với doanh nghiệp được thành lập trước thời điểm luật này có hiệu lực.

Cạnh đó, để đảm bảo mục tiêu và ý nghĩa luật được ban hành theo trình tự rút gọn, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ khẩn trương xây dựng nghị định đảm bảo có hiệu lực đồng thời với luật và đáp ứng yêu cầu của FATF. 

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý cần nhanh chóng ban hành các hướng dẫn đầy đủ, chi tiết, không tạo thêm áp lực hoạt động doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thực hiện các quyền về tự do kinh doanh với chi phí thấp. Đồng thời, bảo đảm mục tiêu Việt Nam không bị đưa vào "danh sách đen" về chống rửa tiền.