Sửa Hiến pháp để bỏ cấp huyện, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định việc sửa Hiến pháp 2013 để bỏ cấp huyện, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng vào Mặt trận Tổ quốc.
Sáng 5.5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã trình tờ trình sửa Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Vì sao phải sửa Hiến pháp 2013?
Tại tờ trình, ông Nguyễn Khắc Định cho biết, qua 11 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều bất cập trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương.
Một số chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ; vẫn còn sự trùng lắp, giao thoa giữa các tổ chức thành viên, nhiều nơi chưa sâu sát cơ sở, chưa kịp thời nắm bắt tình hình nhân dân. Công tác giám sát, phản biện xã hội chưa thực chất, hiệu quả hạn chế ở cấp huyện, xã.
Về chính quyền địa phương, mô hình 3 cấp (tỉnh - huyện - xã) hiện nay bộc lộ sự cồng kềnh, chồng chéo về nhiệm vụ, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, chưa tận dụng được các thành tựu công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
"Việc tồn tại nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực, không phát huy được lợi thế, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho công tác quy hoạch, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", ông Định nêu rõ.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội, trước bối cảnh trên, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 60 Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII ngày 12.4, thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Việc sửa đổi Hiến pháp lần này nhằm thể chế hóa định hướng lớn nói trên, tạo cơ sở hiến định vững chắc cho cuộc "cách mạng về tổ chức bộ máy" theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
2 nhóm nội dung trọng tâm sửa Hiến pháp
Về định hướng sửa đổi Hiến pháp, ông Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi 2 nhóm nội dung. Thứ nhất là các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.
Các quy định tại chương 9 để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập tỉnh, xã, không tổ chức cấp huyện.
Do phạm vi sửa đổi lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan khoảng 8/120 điều của Hiến pháp 2013. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết sửa đổi, thay vì thông qua toàn văn Hiến pháp mới. Thời hạn hoàn thành việc sửa đổi là trước ngày 30.6.2025 và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.7.2025.
Chủ tịch Quốc hội là Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Tại tờ trình việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (Ủy ban), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị thành lập Ủy ban gồm 15 thành viên. Chủ tịch Ủy ban là Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Các phó chủ tịch Ủy ban có: Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long.
Các ủy viên thường trực có: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà.
8 ủy viên gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện - Giám sát Quốc hội Dương Thanh Bình, Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng ban Tuyên giáo - Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Huy.
Ủy ban sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân, tiếp thu, giải trình để hoàn thiện dự thảo nghị quyết sửa Hiến pháp trình Quốc hội thông qua.
Dự kiến, sau khi thảo luận tại tổ và hội trường, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết sửa đổi Hiến pháp và nghị quyết thành lập Ủy ban vào cuối chiều nay 5.5.