Nhảy đến nội dung

Sự thật về loại virus gây bệnh cực kỳ dễ lây lan trên tàu du lịch

TPO - Mùa hè năm nay, các kỳ nghỉ trên du thuyền không chỉ đối mặt với biển động mà còn tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe, đặc biệt là sự bùng phát của norovirus - loại virus gây bệnh tiêu hóa cực kỳ dễ lây lan. Các chuyên gia cảnh báo, việc cắt giảm nhân sự tại chương trình vệ sinh tàu du lịch (VSP) của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng kiểm soát dịch bệnh trên các chuyến hải trình.

TPO - Mùa hè năm nay, các kỳ nghỉ trên du thuyền không chỉ đối mặt với biển động mà còn tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe, đặc biệt là sự bùng phát của norovirus - loại virus gây bệnh tiêu hóa cực kỳ dễ lây lan. Các chuyên gia cảnh báo, việc cắt giảm nhân sự tại chương trình vệ sinh tàu du lịch (VSP) của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng kiểm soát dịch bệnh trên các chuyến hải trình.

Việc cắt giảm này là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu diện rộng ngành y tế Mỹ dưới thời Bộ trưởng Y tế Robert F. Kennedy Jr., dẫn đến việc giải thể một số bộ phận của CDC, bao gồm cả VSP - đơn vị phụ trách kiểm tra vệ sinh tàu và xử lý các vụ bùng phát dịch bệnh.

Theo Erik Svendsen - cựu giám đốc bị sa thải của bộ phận VSP, bốn nhà khoa học làm việc toàn thời gian đã bị chấm dứt hợp đồng, khiến chương trình vốn đã thiếu nhân lực càng thêm khó khăn.

“Phải mất nhiều tháng chương trình này mới có thể hoạt động trở lại như trước,” ông Svendsen cho biết.

Sự thật về loại virus gây bệnh cực kỳ dễ lây lan trên tàu du lịch ảnh 1

Trên du thuyền, tiềm ẩn sự bùng phát của norovirus - loại virus gây bệnh tiêu hóa cực kỳ dễ lây lan.

Trong khi đó, CDC khẳng định công việc của VSP vẫn đang tiếp diễn và các chương trình trọng yếu sẽ được duy trì theo định hướng mới của Bộ Y tế Mỹ.

Tuy nhiên, sự cắt giảm nhân sự trùng khớp với thời điểm chủng norovirus mới GII.17 đang gây ra làn sóng lây nhiễm mạnh tại Mỹ. Chủng virus này từng tồn tại ở mức thấp trong nhiều năm nhưng gần đây đã bùng phát mạnh, chiếm gần 80% trong tổng số hơn 2.400 ổ dịch nghi ngờ hoặc được xác nhận từ tháng 8/2024 đến đầu tháng 4/2025, theo CDC.

Tiến sĩ Lee-Ann Jaykus - chuyên gia virus học thực phẩm tại Đại học Bang North Carolina - cho biết GII.17 là biến chủng mới đối với nhiều người, khiến họ chưa có miễn dịch và dễ dàng bị lây nhiễm.

Sự thật về loại virus gây bệnh cực kỳ dễ lây lan trên tàu du lịch ảnh 2

Norovirus rất dễ lây lan.

Mặc dù chỉ chưa đến 1% trong số 19 - 21 triệu ca mắc norovirus hàng năm tại Mỹ liên quan đến du thuyền, nhưng trong môi trường khép kín, đông đúc như trên tàu, chỉ một người nhiễm bệnh cũng có thể lây lan cho hàng trăm hành khách. Các triệu chứng thường khởi phát đột ngột, bao gồm: Nôn ói, tiêu chảy và đau bụng, kéo dài khoảng 3 ngày. Virus có thể phát tán qua thực phẩm, bề mặt, không khí và đặc biệt dễ lan truyền trong điều kiện vệ sinh kém.

Từ đầu năm đến nay đã có 16 vụ bùng phát bệnh truyền nhiễm trên tàu du lịch trong phạm vi quản lý của CDC - chủ yếu là do norovirus, gần bằng tổng số vụ trong cả năm 2024 (18 vụ) và vượt qua con số của năm 2023 (14 vụ). Năm ngoái, CDC đã tiến hành gần 200 cuộc kiểm tra trên 150 tàu.

Giáo sư Donald Schaffner - chuyên gia an toàn thực phẩm tại Đại học Rutgers - nhận định nếu sắp đi du thuyền, đây chắc chắn sẽ là mối bận tâm lớn.

Sự thật về loại virus gây bệnh cực kỳ dễ lây lan trên tàu du lịch ảnh 3

Hình ảnh chụp bằng kính hiển vi điện tử do CDC cung cấp cho thấy một cụm virion norovirus.

Ông cũng cho biết một người nhiễm norovirus có thể thải ra hàng tỷ hạt virus, trong khi chỉ cần vài hạt cũng đủ khiến người khác mắc bệnh. Do đó, hành khách được khuyến cáo nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ít nhất 20 giây, đặc biệt sau khi đi vệ sinh hoặc trước khi ăn. Dung dịch rửa tay khô không đủ hiệu quả để diệt norovirus.

Ngoài ra, nếu thấy ai đó nôn ói, nên lập tức tránh xa, tốt nhất là đi ngược hướng gió. Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định cách ly trên tàu vẫn là một thách thức, vì nhiều người cố “gồng gánh” để không bỏ lỡ chuyến đi đắt đỏ, vô tình khiến virus lan rộng.

Hiện tại, các hãng du thuyền vẫn duy trì quy trình vệ sinh nghiêm ngặt dưới sự giám sát của VSP - vốn được tài trợ bởi ngành du lịch thông qua phí kiểm tra và các loại phí khác lên tới hàng chục nghìn USD mỗi tàu mỗi năm. Tuy vậy, với sự suy giảm nhân lực ở VSP, giới chuyên gia lo ngại hiệu quả giám sát và ứng phó dịch bệnh trong tương lai có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Muốn không có dịch bệnh thì chỉ cần sa thải hết các nhà dịch tễ học”, ông Schaffner mỉa mai và nói thêm: “Vì khi đó, sẽ chẳng còn ai điều tra dịch nữa”.

Hồng Nhung
Theo The Independent