Nhảy đến nội dung

Sống thấp thỏm bên bờ sông Đuống sạt lở

Nửa năm kể từ ngày bờ sông Đuống sạt lở nghiêm trọng, ông Nguyễn Văn Bá vẫn chưa quên lần suýt 'chết hụt' chỉ trong tích tắc. Dù đã quen với sông nước, ông mong rằng sớm chấm dứt cuộc sống thấp thỏm hiện nay.

Sạt lở suýt "nuốt chửng" nhà dân

Hồi tháng 10 năm ngoái, khi cơn bão số 3 vừa tan, ông Nguyễn Văn Bá (56 tuổi) quyết định sửa lại toàn bộ căn nhà rộng hơn 100 m2. Ông dọn đồ đạc ra sân, cạnh dãy đất liền kề đoạn bờ kè đê hữu sông Đuống (thuộc tổ 38, P.Ngọc Thụy, Q.Long Biên, Hà Nội) để tiện sửa nhà.

Một ngày, khi vừa bước ra cổng, người đàn ông nghe tiếng động lớn, chỉ kịp bám vào bụi tre trước nhà. "Một tiếng rầm vang rền trời. Chỉ vài tích tắc, nước cuồn cuộn chảy, nhiều tài sản bị vùi lấp", ông nhớ lại, chỉ vào mảnh đất đã sạt lở ngay trước mắt mình.

Ban đầu, ông Bá chỉ nghĩ là động đất, cố giữ bình tĩnh, cho đến khi nhìn thấy nhà xưởng, bãi vật liệu của hàng xóm bị sụt xuống lòng sông. Cây roi gần 40 năm tuổi không thể trụ vững, tủ quần áo cũng trôi theo.

Vợ ông Bá đứng trên bờ hô hoán, còn ông tìm mọi cách kêu cứu một số tàu thuyền nhưng không được. Ông đánh liều bám vào bụi tre, men theo mái tôn bị sập để chạy lên trên. Đến lúc ngồi trong nhà, ông mới dám thở mạnh.

Ông Bá chuyển về đây sống cùng bố mẹ từ năm 10 tuổi, sau lấy vợ và sinh con, tự tin "đã quen với cảnh sống sông nước". Gần 50 năm, ông từng chứng kiến những lần nước sông Hồng, sông Đuống dâng cao, từng ngồi thuyền đi khắp nơi, nhưng chưa bao giờ trải qua cảnh sạt lở khiến bản thân cảm giác bất lực trước thiên tai.

"Đến giờ nghĩ lại khoảnh khắc đó, tôi vẫn hãi hùng, chưa sửa xong nhà thì đã sạt lở. Nhiều người bảo tôi may mắn vì vẫn còn nhà mà ở, nhưng cuộc sống và công việc có nhiều xáo trộn", ông Bá nói.

Cạnh nhà ông Bá là công ty xây dựng của gia đình chị Tân Thu Hà (38 tuổi). Ngoài số lượng vật liệu xây dựng bị cuốn trôi, khu lán trại cũng bị đánh sập hoàn toàn, nhiều vết nứt chạy dọc khắp những bức tường.

"Thời gian này, hố sâu tiếp tục lan rộng, gây nứt tường nhà, "đe dọa" công trình nhà văn hóa của tổ 38 và các khu vực khác…", chị nói.

Ông Hoàng Văn Lực, Chủ tịch UBND P.Ngọc Thụy, cho biết sạt lở trên bờ hữu sông Đuống với tổng chiều dài khoảng 120 m, cung sạt thẳng đứng và ăn sâu vào bãi khoảng 50 m, cách nhà dân khoảng 35 m.

Sự cố khiến 1 lán tạm, xe cải tiến và một số công cụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân bị trôi xuống sông. Khoảng 3 hộ dân trong diện ảnh hưởng, được khuyến cáo chuyển đến ở nhờ nhà người thân hoặc nhà văn hóa.

"Sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của người dân và tài sản. Từ tháng 10 năm ngoái, chúng tôi đã chăng dây, đặt biển cảnh báo, cử cán bộ túc trực cảnh cáo bà con", ông Lực nói.

Khu vực tổ 38 P.Ngọc Thụy được gọi là "Mỏm Soi", nằm giữa ngã 3 giao sông Hồng và sông Đuống. Các chuyên gia đánh giá khu vực này có dòng xoáy mạnh, kết hợp các yếu tố thiên tai nên dễ xảy ra tình trạng sạt lở.

Bước đầu, chính quyền địa phương đánh giá nguyên nhân sạt lở do bờ sông có độ dốc cao, địa chất đất khu vực sạt lở là đất, cát bồi và đất tôn tạo có độ liên kết kém. Mưa nhiều, nước ngầm từ trong bãi chảy ra cũng là nguyên nhân gây nên hiện tượng sạt lở sông Hồng, sông Đuống.

"Chúng tôi kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét sớm đầu tư gia cố, kè đá, xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn bờ sông Hồng, sông Đuống", Chủ tịch UBND P.Ngọc Thụy nói.

Công bố tình huống khẩn cấp

Ngày 11.4, UBND TP.Hà Nội đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Đuống thuộc địa bàn tổ 38 (P.Ngọc Thụy, Q.Long Biên), nhận định sạt lở sẽ có xu hướng tiếp tục lan rộng nếu không được xử lý kịp thời, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản và tính mạng của người dân.

Ông Hoàng Văn Lực cho biết, việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai là đúng quy trình và thủ tục để triển khai dự án kè bờ sông.

UBND TP.Hà Nội cũng nhận thấy cần áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sự cố sạt lở bờ sông gây ra. 

Theo đó, cơ quan này giao UBND Q.Long Biên chủ trì, phối hợp với Chi cục Thủy lợi và phòng, chống thiên tai duy trì thực hiện việc cảnh báo, hạn chế người dân qua lại tại khu vực sự cố sạt lở. Chính quyền khuyến khích thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn theo phương châm "4 tại chỗ", gia cố phù hợp để hạn chế cao nhất sự phát triển của cung sạt.

Hà Nội cũng giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ động phối hợp với UBND Q.Long Biên theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, tổ chức xử lý giờ đầu theo phương châm "4 tại chỗ", gia cố phù hợp để hạn chế cao nhất sự phát triển của các sự cố, thông báo rộng rãi tình huống khẩn cấp đến người dân.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố có trách nhiệm cập nhật, bổ sung giải pháp xử lý sự sạt lở nêu trên trong dự án xử lý đảm bảo ổn định khu vực cửa sông Đuống - giai đoạn 1.

Cùng đó, thành phố cũng chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư để dự án sớm được triển khai thi công đảm bảo an toàn cho người dân khu vực sạt lở.

Đã hơn 10 ngày từ khi UBND TP.Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp sạt lở, vẫn chưa có động thái cụ thể nào khắc phục sự cố. Mùa mưa lũ đang về, 2 gia đình trực tiếp chịu ảnh hưởng của sạt lở là ông Bá và chị Hà đều nơm nớp lo sợ thiên tai sẽ một lần nữa "nổi giận" khi bờ kè chưa được gia cố.

"Chúng tôi kiến nghị các cấp chính quyền sớm có phương án gia cố bờ kè, xử lý khu vực sạt lở để người dân yên tâm sinh sống và làm việc", ông Bá nói.