Sống ở TP.HCM: Ghé chợ cổ Hòa Bình, lắng nghe ký ức Chợ Lớn xưa

Giữa nhịp sống hiện đại, chợ Hòa Bình - một ngôi chợ cổ tập trung nhiều tiểu thương người Hoa, vẫn giữ nguyên vẻ mộc mạc, lặng lẽ nép mình bên góc đường Bạch Vân, phường An Đông, TP.HCM.
Không chỉ là nơi mua bán thường nhật, khu chợ cổ này còn là không gian giao thoa văn hóa đặc sắc, thấm đẫm dấu ấn của cộng đồng người Hoa bao đời gắn bó với mảnh đất Chợ Lớn.
Vì sao gọi là chợ người Hoa?
Chợ Hòa Bình là một trong những ngôi chợ lâu đời và nổi tiếng ở phường An Đông, TP.HCM (phường 5, quận 5 cũ), nhưng lại có rất ít tư liệu chính thống bàn về lịch sử của ngôi chợ này. Nhiều tiểu thương gắn bó lâu năm kể rằng, chợ Hòa Bình đã có từ rất lâu, nhưng không ai nhớ rõ ngôi chợ xuất hiện từ khi nào.
Đến chợ vào một buổi sáng đầu tuần, chúng tôi tình cờ gặp bà Phùng Thị Dung (71 tuổi) - một tiểu thương đã gắn bó với chợ hơn 40 năm qua.
Bà Dung sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, có ông bà là người Hoa, còn chồng bà là người Việt. Suốt mấy chục năm buôn bán ở chợ, bà nói thạo cả tiếng Việt lẫn tiếng Hoa.
“Hồi đó, ông bà tôi kể lại, người Hoa đến định cư đông, tụ lại buôn bán, dựng sạp. Rồi từ từ phát triển thành cả một khu chợ người Hoa lúc nào không hay”, bà Dung nói, tay thoăn thoắt sắp xếp lại rổ cải ngồng vừa mới nhập sáng sớm.
Bà Dung kể, chợ Hòa Bình nằm trong khu vực Chợ Lớn - vốn là trung tâm buôn bán sầm uất nổi tiếng từ xưa của Sài Gòn và cũng là nơi có đông người Hoa sinh sống. Không chỉ riêng chợ này, mà hàng loạt ngôi chợ khác như Bình Tây, Kim Biên, An Đông đều gắn liền với hành trình lập nghiệp của cộng đồng người Hoa trên mảnh đất này.
“Tiểu thương ở đây đa phần là người Hoa hoặc có gốc gác Hoa. Chúng tôi vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của mình thông qua cách giao tiếp và kinh doanh”, bà Dung chia sẻ, ánh mắt lấp lánh niềm tự hào.
Bà Dung nói thêm, ở đây, người Hoa với người Việt sống chan hòa, quý mến lẫn nhau: “Ai bận tay thì người kế bên trông sạp hộ, có khi còn đứng bán giúp, thối tiền cho khách. Không ai nề hà gì đâu, chuyện thường ngày mà".
Chợ Hòa Bình hôm nay tuy không còn nhộn nhịp như thời hoàng kim, nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng khó lẫn. Quần thể kiến trúc với mái ngói lưu ly xanh ngọc, thiết kế kiểu xếp tầng và những cột gỗ chạm khắc tinh xảo đậm chất văn hoa Trung Hoa.
Dù phần lớn mái ngói nay đã xuống cấp, phải thay bằng tôn giả ngói, nhưng ở các góc chợ, những tháp ngói lưu ly vẫn hiên ngang vươn cao sừng sững giữa trời.
Chợ Hòa Bình nổi tiếng là một trung tâm thương mại đa dạng, cung cấp đủ các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày. Khu thực phẩm luôn nhộn nhịp với rau củ, hải sản, thịt gia cầm, gia súc tươi ngon được nhập mới mỗi ngày. Ngoài ra, chợ còn có khu bán đồ khô, đặc sản, vải vóc, quần áo, phụ kiện thời trang, đồ gia dụng, điện tử và linh kiện điện thoại.
Dù nằm giữa trung tâm TP.HCM, giá cả tại đây vẫn rất phải chăng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Văn hóa mặc cả cũng là nét đặc trưng khiến chợ thêm phần gần gũi, thân quen.
Chợ Hòa Bình - Nơi gắn kết văn hóa độc đáo
Không chỉ đơn thuần là một khu chợ cổ nằm giữa lòng Sài Gòn, chợ Hòa Bình còn là nơi kết tinh những nét văn hóa đặc sắc của 2 cộng đồng người Việt và người Hoa.
Một trong những tiểu thương gắn bó lâu đời với chợ là bà Tân Thục Cầm (65 tuổi, ở phường 7, quận 8 - nay là phường Bình Đông). Bà đã bán hàng tại ngôi chợ này được gần 50 năm, từ lúc 16 tuổi, nay đã 65 tuổi.
Quầy hàng của bà chuyên các mặt hàng về trà, cà phê. Trong số đó, có cả các loại trà của người Hoa ưa dùng như trà ô long, phổ nhĩ, hoa cúc, hồng trà... Từng hũ trà được bà sắp xếp ngay ngắn, nhãn in chữ Việt xen kẽ chữ Hoa.
Ba mẹ của bà Cầm là người Hoa, sang Sài Gòn lập nghiệp từ thời trẻ, nay cũng đã ngoài 90 tuổi. Cũng như nhiều gia đình người Hoa khác ở Chợ Lớn, họ gìn giữ phong tục tập quán như giữ gìn gốc rễ của mình.
Từ nhỏ, bà đã được ba mẹ dạy dỗ kỹ lưỡng về tiếng Hoa và các phong tục, lễ nghi truyền thống. Lấy chồng là người Việt, bà thông thạo cả tiếng Việt lẫn tiếng Hoa, linh hoạt sử dụng trong đời sống hằng ngày.
Bà tự hào khoe với chúng tôi, các con gái của bà đều nói được cả tiếng Việt và tiếng Hoa, vẫn hiểu lễ nghi và tự tay phụ mẹ chuẩn bị mâm cúng vào mỗi dịp quan trọng như: lễ cúng trăng vào Tết Trung thu, lễ cúng Thất tịch vào mùng 7.7 âm lịch...
Ở chợ Hòa Bình, những quầy hàng như của bà Cầm không hề hiếm. Dọc lối đi, dễ dàng bắt gặp những tiểu thương trò chuyện với nhau bằng tiếng Hoa, rồi quay sang cười đùa với khách bằng tiếng Việt.
Vào các dịp lễ quan trọng của người Hoa, không khí mua bán trong chợ trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Các tiểu thương cũng tất bật chuẩn bị hàng hóa, bày biện sạp hàng rực rỡ sắc màu để phục vụ nhu cầu lễ cúng và mua sắm của người dân.
Không chỉ người Hoa hay người Việt gốc Hoa, chợ Hòa Bình từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người Việt.
Bà Lệ Hằng (44 tuổi, ở phường 5, quận 5 cũ - nay là phường An Đông, TP.HCM) chia sẻ: “Mua đồ ở đây vừa tươi vừa rẻ, mà người bán dễ thương, không nói thách. Mấy món người Hoa như há cảo, sủi cảo, mì vịt tiềm, bánh hẹ... tôi cũng mê, lâu lâu mua về làm thử theo công thức của mấy cô chỉ”.
Giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp và không ngừng thay đổi, chợ Hòa Bình vẫn lặng lẽ tồn tại như một dòng chảy văn hóa bền bỉ, âm thầm gìn giữ một phần ký ức của Chợ Lớn xưa.
Ngày nay, dù không còn đông đúc, náo nhiệt như những khu chợ khác, chợ Hòa Bình vẫn là nơi lui tới thường xuyên của người dân địa phương và du khách đam mê tìm về ký ức Sài Gòn xưa.