Sống ở TP.HCM: Độc lạ quận Tân Bình có nhiều con đường tên sông

Giữa TP.HCM tấp nập, có những con đường mang tên các dòng sông ở quận Tân Bình được người dân ví von là quê hương thứ hai.
Cụm các con đường được đặt tên theo tên của các dòng sông này nằm ở quận Tân Bình, xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Những con đường Sông Thao, Sông Đáy, Sông Đà, Cửu Long… dễ khiến người ta ấn tượng bởi chính tên gọi của nó.
Những con đường thân thương như quê nhà
Quan sát trên bản đồ, dễ dàng nhận thấy ở khu vực này có tổng cộng 13 con đường mang tên các dòng sông. Chủ yếu tập trung ở khu vực công viên Hoàng Văn Thụ đi theo đường Trường Sơn đến sân bay.
Phía bên tay trái là những con đường Trà Khúc, Sông Đáy, Tiền Giang, Cửu Long, Hồng Hà, Bạch Đằng, cắt ngang đường lớn Trường Sơn. Còn bên là đường lớn tên Hậu Giang. Hầu hết những con đường này đều có độ dài chừng vài trăm mét, độ rộng đủ cho 3 - 4 làn xe đi qua.
Đứng tỉa cây hoa giấy trước hiên nhà, ông Nguyễn Văn Hoang (52 tuổi) sống ở đường sông Đà cho biết, ông là người miền Tây, yêu sông nước từ thuở bé. “Lên Sài Gòn, cơ duyên sống ở đoạn đường này, tôi thấy cũng hay hay khi tên đường được đặt tên theo tên sông. Có năm, khi mùa mưa đến, quanh khu này cũng ngập nước, mọi người đùa nhau thành sông thật rồi”, ông Hoang dí dỏm.
Người đàn ông nói thêm, người dân quanh khu này sống với nhau chan hoà. Đa số đều là người nơi khác đến TP.HCM sinh sống. Nghe tên những con đường ở đây cũng thấy thân thương như đang ở quê nhà.
Ông Lê Văn Hòa, một cán bộ hưu trí sống ở đường sông Đáy cho biết: "Tôi không rõ ai đặt tên mấy con đường này, nhưng thấy rất có tình. Ở thành phố, ít có nơi nào mà đi vài bước chân lại gặp tên một dòng sông".
Giữa thành phố năng động nhất, những con đường tên sông trở thành điểm rất riêng, nơi người dân từ nhiều miền đất nước có thể tìm thấy một phần quê hương trong từng cái tên quen thuộc.
Những dòng sông “núp hẻm”
Giữa lòng phường 2, quận Tân Bình, khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất, có 3 con đường nhỏ được đặt tên theo các dòng sông giàu trầm tích văn hóa, lịch sử ở miền Bắc là sông Thao, sông Thương và sông Nhuệ.
Nằm khuất sau đường Tiền Giang, 3 con đường như 3 nhánh sông nhỏ, nằm kề nhau, cùng đổ về một vùng trũng của sự bình yên. Muốn tìm đến, người ta phải rẽ qua những con hẻm nhỏ, rồi đi tiếp giữa bóng râm của cây lá. Không khí ở đây rất trong lành, khác hẳn với cái nóng hừng hực và âm thanh đôi khi chói tai của những trục đường lớn chỉ cách đó vài trăm mét.
Vừa đặt chân vào, người ta dễ dàng cảm thấy một khoảng lặng hiếm hoi giữa lòng Sài Gòn. Nhịp sống nơi đây êm đềm, có phần chậm rãi, như thể thời gian cũng muốn nấn ná lâu hơn.
Đến đường Sông Thao, chúng tôi bất giác ngạc nhiên vì có rất ít xe cộ lưu thông trên con đường này. Theo nhiều tư liệu, sông Thao là tên gọi cổ của dòng chính sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào Việt Nam qua Lào Cai, xuôi xuống Yên Bái rồi hợp lưu tại ngã ba Hạc, Việt Trì.
Dòng sông ấy từng xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học như bài thơ Sông Thao của Nguyễn Duy (in trong tập Mẹ và em, năm 1980) hay bài hát cách mạng Du kích sông Thao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.
Câu hát ru xưa: “Sông Thao nước đục người đen/Ai lên phố Ẻn thì quên đường về” vẫn còn in đậm trong ký ức của người dân khi nhắc đến dòng sông thương nhớ này.
Cách đó chưa đầy 50 mét là đường Sông Thương, một dòng sông bắt nguồn từ dãy Na Pa Phước, H.Chi Lăng (Lạng Sơn), qua Bắc Giang rồi nhập vào hệ thống sông Thái Bình.
Sông này nổi tiếng bởi hiện tượng dòng chảy đôi, một bên đục, một bên trong, được dân gian truyền miệng: “Sông Thương nước chảy đôi dòng/Bên trong bên đục em trông bên nào?”.
Cô Hạnh, một người phụ nữ ngoài 50, sống ở đường Sông Nhuệ cho biết: “Tôi từng ở nhà mặt tiền đường Cộng Hòa, nhưng khi chuyển về đây ở thì mê luôn. Sáng ra mở cửa là thấy mát rượi, đêm thì yên tĩnh, ngủ ngon mà chẳng cần máy lạnh gì đâu. Nhiều khi nghĩ, ở Sài Gòn mà tìm được một chỗ như vầy cũng giống như tìm được một khoảng trời riêng vậy đó”.
Không xa đó là đường Sông Nhuệ, lấy tên từ nhánh nhỏ của sông Hồng, khởi nguồn ở cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chảy qua Hà Đông rồi về tới Phủ Lý (Hà Nam).
Theo sách Đại Nam nhất thống chí (sách địa lý chính thức của triều đình nhà Nguyễn), tên Nhuệ nghĩa là “nhọn hoắt” - mô tả đoạn đầu con sông nhọn như cái dùi. Tên gọi tuy không phổ biến như sông Hồng, sông Đà, nhưng với người Hà Nội, Sông Nhuệ là dòng chảy gắn liền với đời sống sinh hoạt đô thị.
Giữa lòng đô thị hối hả, có những dòng sông không chảy mà vẫn ngân nga trong tiềm thức. Những con đường mang tên sông ấy như những mạch ngầm văn hóa len lỏi trong lòng phố xá. Chúng không gầm réo giữa đại ngàn, không cuồn cuộn phù sa, nhưng lặng lẽ mang theo dáng hình đất nước.