Nhảy đến nội dung
 

Sớm xây dựng cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia Việt Nam

Đã đến lúc Việt Nam cần xác định công nghệ vũ trụ không chỉ là công nghệ chiến lược mà còn là một ngành kinh tế tiềm năng.

PGS-TS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, nêu lên ý kiến trên tại buổi tọa đàm "Đưa công nghệ vũ trụ trở thành động lực phát triển mới" do Báo Tiền phong tổ chức ngày 24.7.

Đưa công nghệ vũ trụ là trụ cột an ninh - kinh tế trong kỷ nguyên mới

Với kinh nghiệm từng là Chủ tịch Ủy ban Vũ trụ Việt Nam, TS Nguyễn Quân cho biết, trong giai đoạn hiện nay, công nghệ vũ trụ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu, nhất là khi chứng kiến các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới. 

Các quốc gia lớn sẽ không đạt được mục tiêu của họ nếu thiếu các thiết bị công nghệ vũ trụ.

"Tôi rất vui mừng khi Chính phủ Việt Nam đang có ý định xây dựng mạng lưới vệ tinh tầm thấp với sự hỗ trợ của Elon Musk. Nếu chúng ta tự lực được công nghệ làm chủ, phần nào đó làm chủ được không gian vũ trụ thiết yếu thì đất nước chúng ta mới có cơ hội làm chủ công nghệ này và ứng dụng vào phát triển kinh tế - xã hội", ông Quân bày tỏ.

Để phát triển công nghệ vũ trụ tại Việt Nam, TS Nguyễn Quân cho rằng, cần có sự quyết tâm và quyết liệt hơn nữa trong việc đầu tư cho công nghệ vũ trụ. 

"Công nghệ vũ trụ không chỉ là một công nghệ chiến lược mà còn phải là một công nghệ hàng đầu, cùng với các lĩnh vực như vi mạch bán dẫn hay năng lượng hạt nhân. Chúng ta phải đầu tư sâu hơn, nhiều hơn cho công nghệ vũ trụ, vì nhu cầu an ninh quốc phòng đang đặt ra vấn đề mà các nhà khoa học Việt Nam phải quan tâm. 

Chúng ta không thể bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền không gian, nếu chúng ta không có những nhà khoa học giỏi về công nghệ vũ trụ", TS Nguyễn Quân nhận định.

Sớm xây dựng cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia

PGS-TS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, cho biết hiện tại, việc điều phối các hoạt động vũ trụ còn phân mảnh giữa các bộ, ngành. Ủy ban Vũ trụ Việt Nam mới chỉ đang hoạt động ở mức "như một ban chỉ đạo", mang tính tư vấn và phối hợp.

Dẫn chứng từ Philippines, nơi có một cơ quan vũ trụ quốc gia trực thuộc chính phủ để điều hành tập trung, có luật về vũ trụ, PGS-TS Phạm Anh Tuấn cho rằng, để tạo ra một sức mạnh tổng hợp, cần xây dựng một cơ quan hàng không vũ trụ quốc gia. 

"Muốn phá vỡ rào cản, khó khăn và thúc đẩy sự phát triển ngành công nghệ vũ trụ cần xây dựng chiến lược dài hạn, không chỉ ở mức 10 năm mà phải dài hơi hơn, đến năm 2040 - 2050 và có cơ chế đảm bảo tài chính đi theo chiến lược", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, kinh tế vũ trụ toàn cầu được dự báo đạt 1.400 tỉ USD vào năm 2030, và các tỉ phú công nghệ hàng đầu thế giới đều đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này. 

"Đã đến lúc chúng ta cần xác định công nghệ vũ trụ không chỉ là công nghệ chiến lược mà còn là một ngành kinh tế tiềm năng. Việc xây dựng một chiến lược quốc gia về kinh tế vũ trụ sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới, từ ứng dụng vệ tinh, viễn thông, đến các dịch vụ liên quan", ông Tuấn bày tỏ.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Lý Hoàng Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học kỹ thuật và Công nghệ (Bộ KH-CN), khẳng định phát triển công nghệ vũ trụ là yêu cầu tất yếu để bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia, nâng cao năng lực nội sinh về KH-CN, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh, khẳng định vị thế Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Cần chấp nhận "đầu tư mạo hiểm"

Trong điều kiện nguồn lực của Việt Nam hiện nay, để phát triển công nghệ vũ trụ, TS Nguyễn Quân đề xuất, Chính phủ nên giao Bộ KH-CN thành lập hay điều hành một chương trình KH-CN của quốc gia về công nghệ vũ trụ. 

Chương trình này có thể do Ủy ban Vũ trụ Việt Nam chủ trì điều hành, để sớm có sản phẩm công nghệ chiến lược về vũ trụ.

Cũng theo ông Quân, nên thí điểm một dự án công nghệ lớn với chức danh của tổng công trình sư được giao quyền tự chủ rất cao, chấp nhận rủi ro, chấp nhận mạo hiểm và miễn trừ trách nhiệm cho những người chủ trì dự án công nghệ lớn. 

"Việt Nam không thể trông chờ sự chuyển giao công nghệ vũ trụ từ nước ngoài bởi liên quan đến an ninh quốc phòng. 

Theo tôi, cần có một khoản đầu tư đủ lớn từ Nhà nước, chúng ta phải làm chủ được công nghệ này thông qua xây dựng các dự án. Công nghệ vũ trụ là lĩnh vực "quý tộc", đầu tư lớn, nhưng sản phẩm có tính mạo hiểm cao. Chúng ta cần chấp nhận "đầu tư mạo hiểm", "văn hóa thất bại", chấp nhận rủi ro để các nhà khoa học dám dấn thân", ông Quân nêu quan điểm.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn