Sớm miễn học phí từ mầm non tới phổ thông

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết hiện cả nước có 10 tỉnh, thành phố thực hiện miễn học phí. Đối với các địa phương chưa tự cân đối được, ngân sách trung ương sẽ cấp bù, hỗ trợ.
Ngày 22-5, Quốc hội thảo luận tại tổ với dự thảo nghị quyết phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi. Cùng với đó là dự thảo nghị quyết miễn học phí, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ đồng tình cao với hai nghị quyết và đề xuất nhiều nội dung để sớm thực hiện được các chính sách mang ý nghĩa nhân văn, an sinh rất lớn này.
Miễn học phí công lập, hỗ trợ học phí ngoài công lập
Đối với dự thảo nghị quyết miễn, hỗ trợ học phí nhằm cụ thể hóa kết luận, nghị quyết, văn bản của Đảng về đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đảm bảo tính ưu việt, công bằng trong giáo dục. Nghị quyết bổ sung đối tượng miễn, hỗ trợ học phí gồm trẻ mầm non dưới 5 tuổi và học sinh THPT, người học chương trình giáo dục phổ thông. Nghị quyết dự kiến thông qua tại kỳ họp này, áp dụng từ năm học 2025 - 2026.
Theo dự thảo, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ học phí đối với cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Lý do, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, trẻ em mầm non 5 tuổi tại các cơ sở dân lập, tư thục, học sinh tiểu học ở các trường tư thục tại địa bàn không đủ trường công lập, học sinh trung học cơ sở tại các cơ sở tư thục đang được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng học phí.
Do vậy việc quy định hỗ trợ cho học sinh tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục thể hiện đầy đủ sự ưu việt của chế độ, đảm bảo tính thực thi thống nhất trong chính sách, công bằng trong tiếp cận giáo dục; khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục. Quy định này phù hợp với Hiến pháp, Luật Giáo dục và chủ trương của Bộ Chính trị.
Đánh giá tác động đến ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết theo số liệu thống kê năm học 2023 - 2024, hiện cả nước có 23,2 triệu học sinh (trong đó có 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập, chiếm 7%).
Tổng nhu cầu kinh phí tính theo mức học phí tối thiểu bình quân của ba khu vực (thành thị, nông thôn, miền núi) là khoảng 30.600 tỉ đồng, trong đó khối công lập là 28.700 tỉ đồng, khối dân lập, tư thục là 1.900 tỉ đồng.
Ngoài ra, còn có kinh phí để thực hiện miễn, hỗ trợ học phí cho người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác là 774,2 tỉ đồng cho 431.551 học viên (đều là học viên công lập, hiện nay chưa có học viên tư thục).
Mức ngân sách cần đảm bảo cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức học phí cụ thể của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh quyết định.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết ủy ban cơ bản nhất trí với chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập song đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định việc chi trả hỗ trợ học phí cho nhóm này theo phương thức cấp trực tiếp cho người học.
Ông Vinh cho biết thêm qua lấy ý kiến, một số thành viên cơ quan thẩm tra cho rằng pháp luật chưa quy định miễn học phí cho người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên.
Chính sách này cũng chưa được quy định cho trẻ em mầm non trong cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục ở địa bàn đủ trường công lập; học sinh THCS, THPT trong cơ sở giáo dục tư thục. Vì vậy, ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát các diện thụ hưởng chính sách.
Trong trường hợp mở rộng thêm, Chính phủ cần báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến kết luận để Quốc hội có căn cứ thể chế hóa, quyết định và tổ chức thực hiện.
Hạn chế các khoản thu khác trong trường học
Cũng giải trình tại tổ, trước lo lắng việc miễn học phí có thể dẫn tới học sinh sẽ chuyển từ trường tư sang trường công, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ rõ tỉ lệ trường công chiếm con số rất cao. Với các trường ngoài công lập ở Hà Nội, theo ông Sơn, cũng chịu khó đầu tư và trong tuyển sinh cũng "xếp hàng hơi nhiều".
Ông nói ngành giáo dục Hà Nội đã chuyển đổi thực hiện tuyển sinh qua hình thức trực tuyến, nhưng qua các con số cho thấy số lượng học sinh vào trường tư ở Hà Nội cũng áp lực không kém gì trường công.
"Đương nhiên lo ngại này cũng phải nghĩ đến, nhưng thực tế tuyển sinh những năm qua cho thấy lo lắng này không phải lớn lắm", ông Sơn nói.
Về đề nghị miễn học phí cần hạn chế thu các loại phí khác trong trường học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói việc dạy thêm - học thêm trong nhà trường chỉ áp dụng với ba nhóm gồm: các học sinh yếu, trường hợp bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh chuẩn bị ôn thi tốt nghiệp.
Ông Sơn khẳng định theo thông tư 29, với ba nhóm học sinh trên nhà trường không thu học phí. Việc xem xét hỗ trợ nhà trường, giáo viên sẽ tùy thuộc vào từng địa phương, nhưng về nguyên tắc là trách nhiệm của nhà trường.
Về hình thức chi trả, với trường công, Nhà nước sẽ cấp trực tiếp cho trường theo số lượng học sinh. Với các trường ngoài công lập, Nhà nước không nộp thay học phí cho học sinh, mà sẽ hỗ trợ một phần bằng hình thức cấp trực tiếp cho người học. Phương án này cũng phù hợp trong điều kiện chuyển đổi số hiện nay.
Bên cạnh đó, trong kết luận của Tổng Bí thư đã chỉ đạo bộ lên phương án tổ chức buổi học thứ hai cho học sinh, với tinh thần không thu chi phí, học phí với người học. Ông Sơn nói hiện bộ đang triển khai phương án áp dụng từ năm học mới.
"Tất cả hướng đến giáo dục phổ thông công lập không thu học phí", ông Sơn nêu thêm và cho biết hiện kinh phí cho giáo dục tối thiểu đạt 20% ngân sách, trong đó 18% chi cho lương giáo viên toàn hệ thống.
Trước ý kiến băn khoăn về việc các địa phương không tự cân đối được ngân sách, Bộ trưởng Sơn cho biết hiện cả nước có 10 tỉnh, thành phố thực hiện miễn học phí. Đối với các địa phương chưa tự cân đối được, ngân sách trung ương sẽ cấp bù, hỗ trợ.
Để sớm triển khai, sau khi các nghị định này được ký và có hiệu lực ngay, làm căn cứ, dù triển khai từ đầu năm học vào tháng 9-2025. HĐND các tỉnh, thành phố phải có căn cứ để ra quyết định các mức hỗ trợ mới thực hiện được. Vì vậy, nghị quyết khi có hiệu lực, HĐND mới có căn cứ xem xét mức hỗ trợ.
Theo ông Sơn, nguyên tắc miễn học phí, tính học phí theo định mức kinh tế kỹ thuật để tính đủ chi phí cho học sinh. Bộ đang khẩn trương trình Thủ tướng dự thảo nghị định thay thế nghị định 81 và nghị định 97. Dự kiến trong tháng 6 sẽ hoàn thành nghị định này. Sau khi nghị quyết của Quốc hội được ban hành, các nghị định cũng được ban hành ngay để có căn cứ triển khai trong thực tế.
Với học sinh học chương trình phổ thông ở các cơ sở giáo dục loại hình khác như trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học chương trình phổ thông ở trường cao đẳng, nếu học chương trình giáo dục phổ thông ở đó đều được miễn học phí như học sinh khác. Tức là học sinh học chương trình giáo dục phổ thông ở các đối tượng khác cũng đều được xem xét miễn học phí.
Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 - 5 tuổi
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo nghị quyết hướng đến mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi trên phạm vi toàn quốc vào năm 2030.
Việc phổ cập được thực hiện theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm các điều kiện phổ cập theo quy định. Dự thảo cũng xây dựng theo nguyên tắc huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển giáo dục mầm non dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.
Các nội dung cần được quy định cụ thể trong cơ chế, chính sách như đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm đội ngũ giáo viên mầm non theo định mức quy định, kinh phí hoạt động cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập, đồng thời bổ sung, sửa đổi các chính sách đối với trẻ em.
Chính sách đột phá về đầu tư phát triển giáo dục mầm non; ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, biên giới, bãi ngang ven biển, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất cũng cần được xem xét.
Dự thảo cũng nghiên cứu xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích xã hội hóa và các chính sách phát triển giáo dục mầm non phù hợp quy định của pháp luật.
Về đánh giá tác động, theo Chính phủ, người dân, đặc biệt là đối tượng trực tiếp thụ hưởng từ chính sách, trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi có điều kiện được huy động đến trường, lớp mầm non để tiếp cận với giáo dục có chất lượng.
Chính sách hỗ trợ trẻ em góp phần giảm bớt gánh nặng kinh tế đối với gia đình ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, chính sách thu hút tuyển dụng thêm giáo viên mầm non, hỗ trợ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cấp học mầm non yên tâm công tác; tạo điều kiện để cha mẹ trẻ có thời gian phát triển kinh tế gia đình và địa phương.
Kinh phí thực hiện nghị quyết, sau khi được thông qua, gồm nguồn lực Chính phủ bảo đảm phổ cập giáo dục mầm non (3 - 5 tuổi); ngân sách nhà nước bổ sung ngoài 20% tổng chi giáo dục (theo Luật Giáo dục) và các nguồn vốn xã hội hóa hợp pháp khác.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh sự cần thiết ban hành nghị quyết nhằm đảm bảo trẻ em 3 - 5 tuổi được đến trường, phát triển toàn diện, chuẩn bị vào lớp 1. Đây là bước tiến trong hiện thực hóa công bằng giáo dục và thể hiện rõ vai trò của Nhà nước trong chăm lo thế hệ tương lai.
Về nguồn lực thực hiện, ủy ban cho rằng để hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi vào năm 2030, cần nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực rất lớn.
Cụ thể, về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổng dự toán kinh phí để thực hiện giai đoạn 2026 - 2030 là 116.314,1 tỉ đồng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần xác định lộ trình giai đoạn 2026 - 2030.
Có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nêu quan điểm lựa chọn phương án đề xuất để cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Về đội ngũ giáo viên, ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xác định rõ số biên chế giáo viên mầm non cần bổ sung giai đoạn 2026 - 2030, báo cáo cấp có thẩm quyền, xem xét, quyết định.
Có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để giảm bớt áp lực về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất từ ngân sách nhà nước.