Sởi và sốt xuất huyết: Hiểu đúng để bảo vệ sức khỏe

(Dân trí) - Sởi và sốt xuất huyết là hai bệnh truyền nhiễm phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt vào mùa mưa - thời điểm điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển và lây lan.
Cả hai bệnh đều có biểu hiện ban đầu khá giống nhau như sốt cao, phát ban, gây ra sự nhầm lẫn trong nhận biết, thậm chí khiến nhiều người chủ quan tự điều trị tại nhà. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, từ kéo dài bệnh đến những biến chứng nguy hiểm.
Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 76.000 ca nghi mắc sởi tại 63 tỉnh, thành phố; trong đó, trên 8.600 trường hợp có kết quả dương tính với virus sởi. Trong khi đó, số ca mắc sốt xuất huyết cũng có xu hướng tăng tại nhiều khu vực, đặc biệt ở miền Nam. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc phân biệt, xử lý đúng cách khi gặp các triệu chứng nghi ngờ.
Cảnh giác với việc tự mua thuốc, tự chẩn đoán
Đại diện Hệ thống nhà thuốc Pharmacity cho hay, trong thời gian gần đây, số lượng người dân tìm đến tư vấn khi có biểu hiện sốt cao, nổi ban, đau nhức cơ thể đang gia tăng. Theo dược sĩ Nguyễn Văn Tiến Đức - Giám đốc Dược của Pharmacity, điều đáng lo ngại là hai bệnh này có những triệu chứng khởi phát tương đồng, dễ khiến người bệnh nhầm lẫn, từ đó tự ý điều trị hoặc chậm trễ trong việc đến cơ sở y tế, làm tăng nguy cơ biến chứng.
Dược sĩ Đức cho biết, sởi và sốt xuất huyết đều có điểm chung là sốt cao kéo dài. Tuy nhiên, sởi thường đi kèm các triệu chứng đường hô hấp trên như ho, sổ mũi, đỏ mắt, chảy nước mắt hoặc ghèn, kèm theo đốm trắng nhỏ trong khoang miệng - dấu hiệu đặc trưng giúp nhận diện bệnh. Phát ban trong sởi thường xuất hiện sau khoảng 3 ngày sốt, bắt đầu từ mặt rồi lan dần xuống thân mình và tứ chi, không ngứa, màu đỏ hồng, tồn tại đều khắp cơ thể.
Trong khi đó, sốt xuất huyết thường không có biểu hiện hô hấp, mà kèm theo nhức đầu dữ dội, đau hốc mắt, đau cơ, khớp, buồn nôn. Phát ban của sốt xuất huyết xuất hiện muộn hơn, thường kèm xuất huyết dưới da, có thể là các chấm đỏ hoặc bầm nhẹ, ấn không mất, cùng nguy cơ chảy máu chân răng, chảy máu cam, hoặc nặng hơn là xuất huyết nội tạng.
Điều đáng quan ngại là không ít người khi thấy sốt và nổi ban đã tự ý mua thuốc điều trị, trong đó có cả kháng sinh. Dược sĩ Đức cảnh báo rằng, việc dùng sai thuốc không những không giúp cải thiện triệu chứng mà còn khiến bệnh trở nặng hơn hoặc làm che khuất dấu hiệu lâm sàng, gây khó khăn cho việc chẩn đoán sau đó. Người dân cần đặc biệt chú ý: nếu sốt cao liên tục trên 2 ngày, ban nổi bất thường hoặc kèm theo các biểu hiện nặng như mệt lả, chảy máu, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và làm xét nghiệm kịp thời.
Thực tế, nhiều ca bệnh nhập viện trong tình trạng muộn, một phần do tâm lý e ngại, phần khác do thiếu thông tin chính xác hoặc lựa chọn tự điều trị tại nhà theo kinh nghiệm truyền miệng. Việc phát hiện sớm và xử trí đúng ngay từ đầu không chỉ giúp người bệnh rút ngắn thời gian hồi phục mà còn góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn lây lan ra cộng đồng.
Trong những trường hợp chưa thể đến cơ sở y tế ngay, người dân có thể trình bày cụ thể tình trạng với dược sĩ tại nhà thuốc để được hướng dẫn tạm thời. Một số thông tin cần cung cấp bao gồm: thời điểm bắt đầu sốt, sốt liên tục hay từng cơn; thời gian xuất hiện ban đỏ, vị trí ban lan ra; có kèm theo triệu chứng hô hấp như ho, sổ mũi, đỏ mắt hay không; có đốm trắng trong miệng; lịch sử tiêm vaccine sởi; và có tiếp xúc với người nghi mắc bệnh trong vòng 2 tuần gần nhất.
Dựa trên những thông tin này, dược sĩ có thể tư vấn các biện pháp hỗ trợ như giảm sốt an toàn, vệ sinh mũi họng, hướng dẫn cách ly đúng cách và khuyến cáo thời điểm nên đi khám. Dược sĩ Đức nhấn mạnh, việc xử lý tại nhà chỉ mang tính chất tạm thời, người dân vẫn cần đi khám sớm tại cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ.
Vai trò của nhà thuốc chuyên nghiệp trong tư vấn dự phòng ban đầu
Không chỉ dừng lại ở việc bán thuốc, nhà thuốc còn là nơi cung cấp thông tin sức khỏe ban đầu đáng tin cậy cho người dân. Tại hệ thống nhà thuốc Pharmacity, các dược sĩ được đào tạo định kỳ nhằm nâng cao khả năng tư vấn, đặc biệt trong mùa cao điểm của các bệnh truyền nhiễm. Việc lắng nghe, trao đổi kỹ càng với người bệnh không chỉ giúp hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình mà còn hỗ trợ quá trình sàng lọc, phân luồng khi có dấu hiệu nghi ngờ.
Cùng với đó, Pharmacity cũng đang triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng bệnh. Các nội dung khuyến khích tiêm ngừa sởi đầy đủ cho trẻ nhỏ, vệ sinh cá nhân và môi trường sống, phòng chống muỗi đốt… được truyền tải rõ ràng, dễ hiểu đến người dân - đặc biệt là trong thời điểm giao mùa, dịch bệnh có xu hướng tăng cao.
Dược sĩ Đức cũng khuyến cáo người dân theo dõi sức khỏe, tìm đến nguồn tư vấn uy tín và không tự ý điều trị khi chưa có chỉ định. Đây cũng là cách mà mỗi người có thể góp phần kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn. Sự phối hợp giữa cá nhân, cộng đồng và các đơn vị y tế, bao gồm cả hệ thống nhà thuốc sẽ tạo nên mạng lưới hỗ trợ toàn diện, góp phần giảm tải cho bệnh viện và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong mùa dịch.