Soi mình trước gương Đảng góp phần chống bệnh nghĩ, nói và làm ở một số cán bộ đảng viên hiện nay

TPO - Trong tác phẩm “Đảng ta thật là vĩ đại” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/1960), Người khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” và “Đảng ta thật là vĩ đại”. Do vậy, với cán bộ đảng viên thì nhiệm vụ phải trung thành thẳng thắn với Đảng, với nhân dân là đạo đức cốt yếu của mỗi người cách mạng. Trái lại, giấu giếm tức là dối trá với Đảng, với nhân dân, là trái với đạo đức cách mạng .
Bài viết này, là sự khẳng định những lý luận về phê bình và tự phê bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nêu ra một vài ví dụ sinh động về “Căn bệnh nghĩ, nói và làm” của một số đảng viên, từ đó đưa ra một vài gợi mở góp phần chống lại biểu hiện căn bệnh này trong một bộ phận đảng viên hiện nay.
1. Những lý luận xưa cũ nhưng vẹn nguyên giá trị thời đại về công tác tự phê bình và phê bình
Trong tác phẩm Tự phê bình và Phê bình viết năm 1957 với bút danh C. B. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cán bộ đảng viên của Đảng thì việc cần làm đầu tiên là phải trung thành với tổ chức, trong đó Người khẳng định trung thành thẳng thắn là lập trường vững vàng tin tưởng sâu sắc vì đã trung thành thẳng thắn thì bao giờ cũng đặt lợi ích chung của Đảng của cách mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Vì Đảng, vì cách mạng, vì dân mà ra sức phấn đấu, dù phải hy sinh cả tính mệnh của mình cũng vui lòng.
![]() |
Ảnh: Thu Hiền |
Từ việc đặt ra yêu cầu như vậy, Người cho rằng con người là sản phẩm của xã hội với những nhận thức và hoạt động của bản thân chịu nhiều sự chi phối do vậy trong quá trình hoạt động thì khó tránh khỏi sai lầm, hoặc ít hoặc nhiều hoặc. Và do đó, khi đã phạm phải những khuyết điểm, thậm chí là sai lầm thì nên thẳng thắn nhận những khuyết điểm, sai lầm trước Đảng, trước nhân dân, để Đảng với đồng chí đồng đội cũng như Nhân dân nhìn thấy rõ và giúp cho đảng viên sửa chữa.
Người đã xây dựng tiêu chí, những chuẩn mực cho công tác tự phê bình và phê bình, Người khẳng định: Căn cứ vào cái gì mà biết ai thật thà thẳng thắn, ai không thật thà thẳng thắn? Để từ đó Người nói rõ Căn cứ vào thái độ tự phê bình và phê bình mà biết.
Ai tự tư tự lợi, dối trá với mình, dối trá với người thì không thành khẩn tự phê bình, cũng không thẳng thắn phê bình người khác.
Trái lại, trung thành với Đảng với nhân dân thì không giấu giếm khuyết điểm của mình mà cũng không nỡ để người khác giấu giếm khuyết điểm, vì khuyết điểm có hại đến lợi ích của cách mạng cho nên phải mở rộng tự phê bình và phê bình, để sửa chữa sai lầm, cùng nhau tiến bộ.
Người dẫn chứng đồng chí Lênin dạy chúng ta rằng: Một Đảng chân chính cách mạng thì không sợ bộc lộ khuyết điểm của mình, và kiên quyết sửa chữa thì nhất định sửa chữa được. Lênin lại nói: “Công khai thừa nhận sai lầm, tìm cho ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh của sai lầm, thảo luận kỹ càng cách sửa chữa sai lầm - đó là tiêu chuẩn của một Đảng đúng đắn, như thế mới là làm tròn nhiệm vụ của Đảng, như thế mới là giáo dục và huấn luyện giai cấp, và giáo dục quần chúng”. Đảng phải làm như thế, mỗi một người cách mạng cũng phải làm như thế. Người chân chính cách mạng vì Đảng, vì nhân dân mà dám hy sinh cả tính mệnh thì không lẽ gì lại vì thể diện, hoặc vì một cái gì khác mà không dám thẳng thắn tự phê bình để vứt bỏ những tư tưởng, những ý nghĩ hoặc những tác phong sai lầm. Cho nên căn cứ vào thái độ tự phê bình và phê bình của một người mà biết người ấy tốt hay là xấu, tiên tiến hoặc là lạc hậu, trung thành với sự nghiệp cách mạng hay là không.
2. Vài mẩu chuyện nhỏ về “Căn bệnh nghĩ, nói và làm” ở một bộ phận cán bộ đảng viên hiện nay
Mẩu chuyện ở một chi bộ: câu chuyện được diễn ra ở một Chi bộ cơ quan có đảng viên sinh con thứ ba vào thời điểm năm 2023 và cuộc họp được diễn ra vào năm 2024. Như vậy theo các quy định của đảng hiện hành của Đảng về việc xem xét kỷ luật cán bộ đảng viên quy định tại điểm 8.1, 8.2 mục III Hướng dẫn 05-HD/UBKTTW năm 2022 thực hiện một số điều trong Quy định 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm về Chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. Tại Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW ngày 22/11/2022 hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 69-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đối với trường hợp sinh từ 3 con trở lên,…. Các bước, trình tự được diễn ra theo đúng quy định, hướng dẫn của các cơ quan cấp trên và đồng chí đảng viên bị xem xét trong vụ việc cũng nêu những lý do để chứng minh cho “việc đã xảy ra” và thẳng thắn “tự giác” nhận khuyết điểm bằng hình thức khiển trách. Sau khi nghe ý kiến các bên, trên cơ sở phân tích những điều kiện, tình tiết trong vụ việc cũng như đối chiếu với các quy định của hiện hành của Đảng thì đơn vị tiến hành bỏ phiếu kín xem có kỷ luật hay không kỷ luật đối với đồng chí này. Cuộc bỏ phiếu đã diễn ra đúng quy định trong hoạt động tổ chức Đảng và thật bất ngờ khi đồng chí được phân công tổ trưởng tổ kiểm phiếu công bố kết quả cuộc bỏ phiếu với 100% phiếu tán thành “Không kỷ luật” đồng chí kia trong vụ việc. Kết quả cuộc bỏ phiếu hết sức khách quan, nghiêm túc và đúng quy định của Đảng, tuy nhiên cái điều đáng bàn ở đây là con số 100% phiếu kia lại đang có vấn đề ở chỗ. Chính đồng chí đảng viên ấy, chỉ vài phút trước đứng trước chi bộ xin nhận hình thức kỷ luật của đảng với hình thức “khiển trách”, nhưng chỉ sau ít phút thôi, lại cũng chính đồng chí ấy bỏ phiếu “không kỷ luật mình” để ra con số 100% kia. Như vậy ở đây có thể thấy, trong chính cuộc họp, trước tổ chức chi bộ Đảng, trước đồng chí, đồng nghiệp của mình thì giữa lời nói và hành động của đồng chí ấy là khác nhau, hay nói cách khác là “không nhất quán, thiếu trung thực” với đồng chí, đồng nghiệp, hay nói xa hơn là với Đảng, vì khi mình đã đứng lên và nói, đã “tự nhận” hình thức kỷ luật cho mình lại khác so với hành vi “cầm bỏ phiếu” không kỷ luật mình là một hành vi chưa đúng đắn của người đảng viên mà ngày nay chúng ta thường lên án: Nói không đi đôi với làm hay nặng nề hơn là nói một đằng, làm một nẻo.
Mẩu chuyện ở một đảng bộ: Câu chuyện là ở một cơ quan, có một nhà khoa học, có trình độ chuyên môn cao, giữ cương vị đảng ủy viên ở cơ quan đó, lý luận chính trị được đánh giá xếp loại hằng năm luôn vững vàng, đồng chí đó đã thực hiện nhiệm vụ của mình ở nhiệm kỳ thứ hai. Trong khoảng thời gian năm thứ 8, 9 của nhiệm kỳ thứ hai, đồng chí luôn “rêu rao” khẩu hiệu thật lớn lao “hết nhiệm kỳ hai tôi nghỉ, hay tôi chỉ làm nhiệm hai nhiệm kỳ thôi, tôi không làm nữa làm giảng viên bình thường thôi...”. Đó là những lời nói gần như thường ngày, ở rất nhiều nơi, với rất nhiều người trong và ngoài cơ quan, đơn vị. Rồi cái ngày mà đồng chí “khát khao, mong đợi được nghỉ” ấy cũng đến. Cơ quan tiến hành tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về hoạt động tiếp theo của đồng chí ấy, cũng như hỏi “nguyện vọng cá nhân” của đồng chí ấy. Và cũng thật bất ngờ, trong chính cuộc họp đồng chí ấy lại mong muốn được “cố gắng, cống hiến, phụng sự” những nhiệm kỳ tiếp theo, tiếp theo và tiếp theo nữa, cho đến khi nghỉ hưu. Như vậy ở đây chúng ta có thể thấy cũng là một biểu hiện của “Căn bệnh nghĩ, nói và làm”, không chỉ ở cán bộ đảng viên bình thường mà còn là của một cán bộ đảng viên có vị trí công tác (trưởng khoa), hay nói một cách khác là căn bệnh của nói không đi đôi với làm; ở ngoài đường, ngoài cuộc họp thì “lên mặt, dạy đời, nói lẽ phải, đạo công bình”, nhưng khi trong cuộc họp, trước Đảng, trước cấp trên, trước đồng chí thì “xoa tay khen cấp trên giỏi” để phục vụ mục đích cá nhân của mình chứ cũng chẳng phải là lo cho tổ chức hay cho Nhân dân nào cả. Và câu hỏi đặt ra là “liệu Nhân dân, đảng viên nơi ấy” có dám tin có dám đặt niềm tin vào sự bảo vệ, chăm lo cho lợi ích của Nhân dân hay không? Hay những biểu hiện đó là gì khi soi mình trước gương Đảng bằng các khung có trong Quy định 124-QĐ/TW năm 2023, hay Hướng dẫn số 159-HD/BTGTW ngày 03/7/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Mẩu chuyện ở cấp độ khác: Đây có thể không phải là mẩu chuyện, bởi lẽ tình huống được nêu ra ở đây qua việc phân tích cáo trạng truy tố trong một vài vụ án điển hình trong đó có hai vụ án đáng chú ý là vụ án có liên quan tới ông Lưu Bình Nhưỡng (đã xét xử và bản án có hiệu lực pháp luật) và Cáo trạng truy tố ông Phạm Hoàng Anh trong vụ án Hậu “pháo” và đồng bọn. Ở cả hai “nhân vật” này có rất nhiều điểm tương đồng cùng nhau về vị trí và vai trò trong xã hội. Đặc biệt cả hai ông này trước khi bị phanh phui và xử lý đều có những phát ngôn “long trời lở đất” trên cương vị công tác của mình. Tuy nhiên khi bản án được tòa tuyên cho ông Nhưỡng và cáo trạng truy tố ông Hoàng Anh thì mọi người mới vỡ lẽ bởi đằng sau những “mỹ từ, đại biểu đại diện” mà các ông ấy đang khoác trên mình chỉ là sự che đậy cho những lợi ích cá nhân, vinh thân phì “da, gia” của các ông ấy. Và cũng thật đáng buồn khi có một bộ phận đảng viên như ông ấy với đầy đủ các điều kiện để thực hành cách mạng, dấn thân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ Nhân dân, lên án, chống lại cái xấu, cái tiêu cực cho xã hội. Ấy vậy mà chính các ông ấy lại sống trên nỗi đau của Nhân dân, thậm chí ở góc độ nào đó còn làm “tay sai cho tội phạm, tiếp tay cho doanh nghiệp làm sai”. Tất cả những điều mà họ đã làm khiến họ phải trả giá bằng những bản án nghiêm minh của pháp luật, cũng như sự lên án của Nhân dân. Đây là những cái kết rất đớn đau, là một trong những cách “liều thuốc” thật mạnh mẽ để chữa trị cho “Căn bệnh nghĩ, nói và làm của họ” – dù đó là một cái kết không ai trong chúng ta mong muốn cho đồng chí của mình.
3. Soi mình trước gương Đảng để chống lại “Căn bệnh nghĩ, nói và làm” trong Kỷ nguyên mới của phồn thịnh, rạng ngời
Khi chúng ta có sai lầm, thì cán bộ đảng viên thành khẩn tự phê bình để Đảng và Nhân dân giúp đảng viên đó sửa chữa, như thế tinh thần đồng chí đảng viên sẽ thảnh thơi không bị mắc lại những sai lầm đó nữa, để sau đó đảng viên đã từng sai lầm đó một lòng một dạ công tác cho Đảng, phụng sự Nhân dân với sự nhiệt thành cách mạng cao nhất. Cho nên, căn cốt nhất trong việc soi mình trước gương Đảng là sự trung thành thẳng thắn, cầu thị là đạo đức cách mạng mà cũng là cái động lực giúp chúng ta công tác có hiệu quả hơn cho Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng vụ Nhân dân. Khẳng định Đảng ta là đạo đức, là văn minh bởi Đảng là một tổ chức chính trị chân chính, trung thực, trung thành, quang minh, chính đại, chung thủy, tôn trọng công lí và chính nghĩa, phấn đấu, hy sinh , bởi Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Để từ đó góp phần xây dựng Đảng là hạt nhân tinh hoa của dân tộc bởi trong đó bao gồm những cá nhân ưu tú nhất của giai cấp, cũng như của xã hội. Đảng không chỉ đại diện cho giai cấp mà còn đại diện cho toàn thể dân tộc Việt Nam, tất cả các đảng viên tốt và mạnh sẽ kết lại thành một tổ chức có năng lực, trí tuệ cao, có trình độ văn hóa, lí luận đủ sức tiên phong mở đường cho Nhân dân tiến lên trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử dân tộc.
Từ những mẩu chuyện của về “Căn bệnh nghĩ, nói và làm” chúng ta càng thấy ý nghĩa lớn lao của việc soi mình trước gương Đảng điều Đầu tiên mỗi cá nhân đảng viên phải tăng cường tu dưỡng rèn luyện bản thân, không ngừng học tập lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đây là nền tảng phương pháp luận để cán bộ đảng viên của Đảng có đủ trình độ, năng lực phẩm chất chính trị vững vàng, dám đương đầu với thử thách mà Đảng và Nhân dân giao phó với tinh thần Nghĩ luôn đồng hành với Nói và thống nhất với cách Làm việc. Thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ này là điều kiện đầu tiên, then chốt để chống lại “Căn bệnh nghĩ, nói và làm” trong công việc cũng như khi tiếp xúc với Nhân dân của cán bộ đảng viên.
Thứ hai; thường xuyên có mối liên hệ mật thiết với Nhân dân, trong công tác cũng như trong sinh hoạt thường ngày, thực hiện nhiệm vụ này là “vũ khí” quan trọng giúp Nhân dân phát hiện ra những khiếm khuyết của đảng viên để Nhân dân góp ý, phê bình giúp đảng viên có thể sửa chữa, uốn nắn ngay từ đầu, giúp bản thân rèn luyện và hoàn thiện bản thân, tránh mắc phải những khiếm khuyết, sai sót có thể tái diễn trong tương lai. Thực tiễn đã minh chứng rất nhiều vụ việc xảy ra đối với đảng viên thì những người “biết sau cùng” lại là những người trong cơ quan, đơn vị, cấp quản lý đơn vị, mà trong khi đó Nhân dân lại là người biết rất rõ, thậm chí là người đứng ra “cáo giác” những cán bộ đảng viên tha hóa biến chất đó cho các cơ quan chức năng.
Thứ ba; để chống lại “Căn bệnh nghĩ, nói và làm” thì việc thực hiện nêu gương của đảng viên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cán bộ đảng viên phải không ngừng tự soi, tự sửa bản thân trước tổ chức, trước Nhân dân. Nêu gương trong công tác, nêu gương trong sinh hoạt tại nơi cư trú, nêu gương trong mọi tình huống của cuộc sống. Việc thực hiện nêu gương này của mỗi cán bộ đảng viên không chỉ mang lại hình ảnh đẹp cho cá nhân người cán bộ đảng viên, mà còn tạo ra uy tín rất lớn cho Đảng đối với các tầng lớp dân cư trong xã hội cũng như trên trường quốc tế.
Thứ tư; bên cạnh việc tự soi, tự sửa của cán bộ đảng viên thì công tác kiểm tra, giám sát đánh giá của Đảng cũng cần thực hiện đồng bộ, nhất quán và nghiêm túc trong toàn Đảng, tránh việc cùng một hành vi, có các yếu tố cấu thành như nhau, mỗi cho bộ, cơ sở có cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau sẽ rất dễ dẫn đến phát sinh tư tưởng trong cán bộ đảng viên. Việc thực hiện giám sát này phải là công việc thường xuyên, liên tục để có thể kịp thời uốn nắn khi có sai phạm trong công tác, tránh để khi mất đảng viên rồi mới triệu tập nhau hội nghị, kỷ luật đảng viên. Kiểm tra giám sát cán bộ đảng viên vừa phải cương quyết, nhưng cũng mềm dẻo trong cách thức giám sát, cũng như phê phán những cách làm “nể nang, chiếu lệ, cho có” của một số cơ sở đảng. Thực tiễn đã cho thấy ở một số chi bộ cơ sở đảng hiện nay buông lỏng nhiệm vụ này đã dẫn đến để cán bộ đảng viên vi phạm kỷ luật, thậm chí bị truy tố trước pháp luật.
Thứ năm; để chống lại “Căn bệnh nghĩ nói và làm” cũng cần thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng trong Đảng. Thực hiện công tác này góp phần tạo ra phong trào thi đua sâu rộng cho cán bộ đảng viên, từ đảng viên vững, tới cho bộ mạnh, để toàn Đảng không ngừng vững mạnh, xứng đáng là Người duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam với sứ mệnh vẻ vang của Đảng. Khi thực hiện công tác này cũng cần tránh bệnh “hình thức, làm chiếu lệ, cho có”, kiên quyết loại bỏ ra khỏi đảng những đảng viên đã không giữ gìn được giá trị thiêng liêng của Lời thề trước cờ Đảng, cũng như có các hình thức nhắc nhở, xem xét kỷ luật, thậm chí xóa tên những cơ sở đảng có vi phạm theo những quy định hiện hành của Đảng.
Thứ sáu; có thể tổ chức các hoạt động như: thảo luận chuyên đề, hội thi để chia sẻ các cách làm hay, các điển hình tiên tiến tại các chi bộ, đảng bộ để từ đó nhân rộng những cách làm hay, suy tôn những đảng viên ưu tú luôn biết soi mình trước cờ Đảng… Thực hiện nhiệm vụ này cũng cần tránh việc lợi dụng phê bình để “hạ bệ nhau, chia bè cánh”, gây mất đoàn kết trong nội bộ Đảng. Bên cạnh đó cũng cần tránh việc lợi dụng những hoạt động này để “thổi phồng, tâng công, nịnh bợ”, dẫn tới mất đi tính chính đáng, nghiêm túc của các hoạt động, thậm chí nếu làm không tốt còn dẫn tới mất đoàn kết trong nội bộ cơ quan, đơn vị.
Như vậy, có thể thấy để cán bộ đảng viên luôn luôn tự Soi mình trước gương đảng là cách góp phần phòng tránh “Căn bệnh nghĩ, nói và làm” trên cần loại bỏ những nguyên nhân tạo ra căn bệnh đó. Khi đảng viên tự ý thức, tự giác vượt qua chính bản thân mình, sẽ góp phần làm cho cán bộ đảng không ngừng bản lĩnh cách mạng, mà lớn hơn và xa hơn nữa là làm cho Đảng ta ngày càng vững mạnh để hướng tới xây dựng một xã hội mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, với khát vọng dựng xây một Việt Nam phồn thịnh rạng ngời như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.