Nhảy đến nội dung

Sổ khám bệnh giấy 'hết thời'

Sổ khám bệnh chỉ để chị tự điền thông tin cá nhân như họ tên, ngày sinh, nghề nghiệp, địa chỉ. Tất cả phiếu chỉ định, xét nghiệm chụp chiếu chẩn đoán, hóa đơn đóng tiền, toa thuốc... đều được in thành bản riêng và kẹp đính kèm lên sổ, thành một tệp tài liệu dày.

"Tính tôi hay quên nên tái khám không mang theo sổ cũ phải mua mới, mỗi cuốn chỉ 5.000 đồng, số tiền không lớn nhưng vẫn tốn kém với tốn công trong khi bác sĩ gần như không ghi chép gì trong sổ", chị Lan chia sẻ.

Chị Lan mắc viêm da cơ địa tiếp xúc quanh miệng, môi sưng đỏ lan lên mắt và thường tái phát nên 6 tháng qua phải đến bệnh viện da liễu liên tục. Chị cũng hay đưa bố mẹ già đi khám ở các bệnh viện lớn, điểm chung ở hầu hết cơ sở là phải mua sổ giấy. Như gần đây, bố chị khám ở Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM, sổ khám bệnh thực chất dùng để kẹp toa thuốc và kết quả xét nghiệm, có tờ kết quả còn được bác sĩ ghi chú tay.

"Không hiểu như vậy thì cần sổ khám bệnh để làm gì", chị Lan nói, mong các bệnh viện sớm bỏ sổ giấy, tránh cảnh mỗi nơi khám bệnh buộc mua một sổ. Nhiều lần, chị vừa mua sổ ở viện này, sang viện khác lại phải mua sổ mới.

Tương tự, anh Hòa, 44 tuổi, ở quận Tân Bình, bị nhiều bệnh nền. Ước tính hơn 10 năm qua, anh đã mua gần hai chục cuốn sổ khám bệnh tại nhiều bệnh viện khác nhau. "Sổ thì mỗi nơi một kiểu, nhưng đều chung tình cảnh chỉ dùng để bấm toa thuốc, không ghi chép gì thêm. Nhiều cuốn còn nguyên trang trắng đã phải thay mới chỉ vì hết chỗ bấm", người đàn ông kể.

Tình trạng này không chỉ xảy ra với riêng anh Hòa, chị Lan. Ghi nhận tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội và TP HCM, giá bán mỗi cuốn sổ giấy dao động 5.000-10.000 đồng, chưa kể với người bệnh mạn tính, mỗi năm có thể phải mua 4-5 cuốn.

Năm ngoái, cử tri tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Bộ Y tế bỏ quy định mua sổ khám bệnh khi đi khám chữa tại các bệnh viện. Lý do, sổ này hầu như không được sử dụng, vì y bác sĩ đều in đơn thuốc và chỉ định từ máy tính. Việc tiếp tục yêu cầu mua sổ gây lãng phí, không còn phù hợp với thực tế đã ứng dụng công nghệ tại các bệnh viện, các cử tri phản ánh.

Việc xóa bỏ sổ khám bệnh bằng giấy như mong muốn của người dân từng được Bộ Y tế đặt ra từ năm 2019. Theo lộ trình đặt ra khi ấy, giai đoạn đến năm 2023, các cơ sở khám, chữa bệnh hạng một trở lên phải chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Giai đoạn từ năm 2024 đến 2028, tất cả cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trên thực tế, việc chuyển đổi số gặp nhiều khó khăn, đặc biệt rào cản đến từ vấn đề tài chính.

Theo văn bản mới nhất của Chính phủ ban hành hôm 13/5, từ 1/7/2025, sổ sức khỏe điện tử sẽ chính thức thay thế các loại giấy tờ truyền thống. Cụ thể, người dân (có tài khoản định danh điện tử) sẽ dùng sổ sức khỏe điện tử (trên ứng dụng quốc gia) thay cho các giấy tờ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe trước đây. Các cơ sở y tế phải kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu y tế liên quan với Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID. Như vậy, người dân không cần dùng sổ giấy như trước.

Hiện, phần lớn bệnh viện tại TP HCM vẫn sử dụng sổ khám bệnh bằng giấy. Tình trạng này cũng phổ biến trên toàn quốc.

Các lãnh đạo bệnh viện cho biết, dù đã triển khai hồ sơ điện tử và in trả giấy tờ cho bệnh nhân, song chưa thể bỏ hoàn toàn sổ giấy. Theo bác sĩ Võ Đức Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, việc dùng sổ khám giấy thực hiện theo Thông tư 52 năm 2017 của Bộ Y tế về kê đơn thuốc. Tại bệnh viện, sổ giấy không chỉ là thủ tục mà còn là nơi giúp bệnh nhân ghi nhớ, lưu lại thông tin chẩn đoán, điều trị, toa thuốc và lịch hẹn.

Ngoài ra, sổ khám bệnh còn hỗ trợ bác sĩ khi bệnh nhân tái khám, đặc biệt nếu hệ thống điện tử gặp sự cố hoặc người bệnh quên mã số y tế. Hiện hạ tầng công nghệ thông tin vẫn đang được hoàn thiện nhằm đảm bảo ổn định, bảo mật và liên thông dữ liệu. Một số thủ tục hành chính, kiểm toán và giám định BHYT vẫn yêu cầu bản giấy để đối chiếu khi cần. Sổ giấy cũng phù hợp với người lớn tuổi, ít tiếp cận công nghệ, giúp họ thuận tiện khi đi khám và quản lý thông tin cá nhân.

"Bệnh viện ghi nhận đa số bệnh nhân, nhất là người cao tuổi hoặc ở tỉnh, vẫn quen và yên tâm hơn khi có sổ khám giấy", bác sĩ Hiếu chia sẻ. Ông cho biết, đơn vị đang nỗ lực giảm bớt giấy tờ, nhưng cần đảm bảo chính xác, minh bạch và tuân thủ pháp lý trong giai đoạn chuyển đổi. Hiện bệnh viện tiếp tục tích hợp dữ liệu với mã định danh y tế và các ứng dụng như Sổ sức khỏe điện tử, VNeID, bởi chuyển đổi số là định hướng tất yếu.

Trong khi nhiều nơi vẫn giữ sổ khám bệnh bằng giấy, một số bệnh viện công đã "khai tử" chúng từ nhiều năm trước. Ví dụ, Bệnh viện Chợ Rẫy đã ngừng sử dụng từ năm 2010. Người bệnh không phải mua sổ khi khám, mọi thông tin được in trực tiếp từ hệ thống. Từ năm 2020, mỗi bệnh nhân được cấp thẻ khám miễn phí gắn mã vạch, thông tin định danh và mã hồ sơ riêng. Gần đây, bệnh nhân có thể quét mã QR để nhận kết quả xét nghiệm và toa thuốc trực tuyến.

Theo bác sĩ Phạm Thanh Việt, Phó giám đốc, nơi này thường xuyên nhận đề nghị tóm tắt bệnh án hoặc xác nhận thông tin phục vụ các thủ tục bảo hiểm, xác thực thương tích, hoặc làm việc với cơ quan chức năng. Trước đây, bác sĩ phải tra cứu sổ giấy, dễ dẫn đến rủi ro pháp lý nếu sổ bị sửa đổi, ghi thêm hoặc thất lạc.

Từ năm 2008, bệnh viện bắt đầu hiện đại hóa và số hóa toàn bộ giấy tờ liên quan khám chữa bệnh. Sau mỗi lần khám, bệnh nhân nhận giấy in chẩn đoán và đơn thuốc, hồ sơ lưu trên hệ thống máy tính. Bác sĩ có thể dễ dàng tra cứu lịch sử sức khỏe và đảm bảo cơ sở pháp lý khi cung cấp thông tin.

"Khi triển khai hệ thống mới, chúng tôi nhận thấy sổ giấy không còn cần thiết. Loại bỏ sổ giấy giúp giảm chi phí và rút ngắn thời gian chờ cho bệnh nhân", bác sĩ Việt chia sẻ.

Bệnh viện Từ Dũ cũng ngừng dùng sổ khám bệnh khoảng 10 năm nay. Người bệnh chỉ cần xuất trình căn cước, nhân viên nhập dữ liệu, tạo mã vạch và dán lên bìa hồ sơ. Hồ sơ này kẹp các giấy tờ như chẩn đoán, đơn thuốc; ngoài bìa còn in hướng dẫn quy trình khám và giới thiệu dịch vụ của bệnh viện.

Lê Phương

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn