Nhảy đến nội dung

Sinh viên làm máy đánh cầu lông chuẩn như con người

Nhóm sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên đã tạo ra máy tập luyện cầu lông ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), mở ra cơ hội luyện tập độc lập mà không cần bạn chơi cùng. Sản phẩm này không chỉ giải quyết nhu cầu thực tế mà còn đánh dấu bước tiến trong ứng dụng công nghệ vào thể thao.

Hành trình từ ý tưởng đến hiện thực

Nhóm gồm Đào Thanh Bình, Nguyễn Mạnh Đoàn, Nguyễn Việt Anh, Vũ Tiến Đạt và Vũ Đỗ Hải Yến đã dành 20 tháng nghiên cứu, thiết kế và thử nghiệm sản phẩm tại các sân cầu lông ở H.Khoái Châu (Hưng Yên).

Thanh Bình chia sẻ: "Chúng mình nhận ra nhiều người chơi gặp khó khăn trong việc tìm bạn tập hoặc thuê huấn luyện viên, dẫn đến việc luyện tập không đều đặn. Nhóm muốn sản phẩm này giúp họ vượt qua rào cản đó".

Nhóm đã làm ra phiên bản đầu tiên cho phép điều chỉnh góc bắn, lực bắn, tần số bắn qua ứng dụng điện thoại hoặc tự động tương tác với người chơi. Sản phẩm được thiết kế để hỗ trợ cả người mới bắt đầu lẫn vận động viên chuyên nghiệp với khả năng tùy chỉnh linh hoạt.

Mạnh Đoàn cho biết hiện nay trên thị trường có rất nhiều dòng sản phẩm máy hỗ trợ tập luyện cầu lông với đa dạng mức giá. Tuy nhiên, các dòng sản phẩm này hiện chỉ thực hiện được các thao tác cơ học như bắn cầu theo vị trí lập trình sẵn hoặc điều khiển qua ứng dụng điện thoại, nên chưa tạo ra sự tương tác thực sự với người tập. Điều này khiến việc duy trì cảm hứng luyện tập lâu dài trở nên khó khăn.

"Hiện tại, máy của chúng mình tích hợp thêm công nghệ xử lý hình ảnh hiện đại, có khả năng nhận diện và tương tác với người chơi theo thời gian thực. Nhờ đó, thiết bị không chỉ cá nhân hóa bài tập phù hợp với từng người dùng mà còn phân tích kỹ thuật và đưa ra các gợi ý tập luyện nhằm nâng cao hiệu quả. Ngoài ra, các tính năng điều khiển bằng giọng nói và cử chỉ giúp người dùng tiết kiệm thời gian và tăng thêm sự hứng thú trong quá trình luyện tập", Mạnh Đoàn cho biết.

Bài học từ thực tế

Quá trình phát triển sản phẩm gặp không ít trở ngại. Việt Anh chia sẻ: "Phần mềm nhận diện hình ảnh thường xuyên không ổn định do thiết bị sử dụng là máy tính nhúng đời cũ, cấu hình yếu. Nhiều lần chương trình bị treo, khiến việc thử nghiệm bị gián đoạn".

Thay vì đầu tư nâng cấp phần cứng, nhóm quyết định tối ưu hóa phần mềm để tương thích với thiết bị hiện có. Họ không cố gắng ép phần mềm chạy trên nền tảng cũ mà chủ động tinh chỉnh chương trình, làm cho nó nhẹ và gọn hơn, vừa đủ để hệ thống xử lý mà vẫn đảm bảo chức năng cốt lõi. "Tụi mình đã mất hàng tháng trời để thử nghiệm, sửa lỗi. Có những hôm cả nhóm ngồi tới khuya chỉ để truy ra một dòng code gây lỗi. Nhưng chính nhờ vậy, mình học được cách thích nghi trong điều kiện hạn chế", Việt Anh nói thêm.

Theo Hải Yến, sản phẩm nhắm đến hai đối tượng. Thứ nhất, các trung tâm thể thao có thể cho thuê sân kèm máy để phục vụ người chơi cá nhân, giảm chi phí huấn luyện viên. Thứ hai, huấn luyện viên và giảng viên thể chất cũng có thể dùng máy để hướng dẫn động tác và cho học viên luyện tập, tiết kiệm sức lực.

Trong giai đoạn thử nghiệm tại quê nhà, sản phẩm được đón nhận nồng nhiệt. Sân cầu lông Dragon, xã Dân Tiến, H.Khoái Châu đã ký hợp đồng triển khai dù sản phẩm chưa thương mại hóa.

"Phản hồi tích cực từ người chơi và chủ sân là động lực lớn để tụi mình tiếp tục", Tiến Đạt nói và chia sẻ thêm nhóm dự kiến tối ưu hóa giao diện, sử dụng vật liệu giá rẻ nhưng bền để hạ giá thành, hướng tới sản xuất quy mô nhỏ trước khi mở rộng. Nhóm cũng đang tìm kiếm đối tác trong ngành thiết bị thể thao để đẩy nhanh thương mại hóa.

Tiến sĩ Vũ Đình Đạt, giảng viên khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, đánh giá sản phẩm không chỉ có ý tưởng mới mẻ, đáp ứng đúng nhu cầu thực tế trong lĩnh vực thể thao, mà còn thể hiện rõ tiềm năng phát triển khi tích hợp công nghệ AI nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng.

"Với định hướng phù hợp, sự hỗ trợ kỹ thuật và chiến lược phát triển đúng đắn, tôi tin rằng sản phẩm hoàn toàn có khả năng thương mại hóa trong tương lai gần. Đồng thời, đây cũng là một minh chứng rõ nét cho tinh thần sáng tạo, liên ngành và khát khao chinh phục những giới hạn mới của sinh viên trong thời đại công nghệ số", tiến sĩ Đạt cho biết.


 
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn