Sinh viên HUTECH: Kết thúc môn bằng sự kiện hoành tráng

Lấy ý tưởng từ câu chuyện cổ tích Tấm Cám, tạp kỹ "Miên ái" của sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đã đưa khán giả băng qua từng cung bậc cảm xúc khó quên với 4 phần Đố kỵ - Đánh mất - Tìm lại - Ngoại truyện.
Sự kết hợp của đa dạng thể loại khác nhau, từ nhảy Bống bống bang bang, kịch Chị ngã em nâng đến hát Vọng nguyệt, hát Duyên mình lỡ,… - đã diễn tả ý tưởng độc đáo của sinh viên khi khai thác một góc nhìn mới về Tấm Cám.
"Miên ái" không chỉ cho người xem một dịp "đã mắt, đã tai" mà còn tạo điểm nhấn ở khâu tạo sân khấu.
Thay cho sân khấu hình chữ nhật thông thường, sinh viên đã thiết kế sân khấu có sự kết hợp giữa sân khấu hình chữ nhật, sân khấu cong và sân khấu tròn với thảm trắng và phủ hoa tươi.
Kết hợp với nhiều hiệu ứng thị giác như đèn LED lung linh hay khói huyền ảo đã tạo nên một không gian lung linh, hoành tráng.
Trong khi đó tạp kỹ "Thụy Miên" của sinh viên nhóm ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn và sinh viên nhóm ngành Marketing - Kinh doanh quốc tế là câu chuyện về hành trình chinh phục ước mơ của nữ nhà thiết kế Thụy Miên.
Được thiết kế tựa như một dòng chảy cảm xúc, chương trình gồm 4 hồi khác nhau, tái hiện hành trình đó một cách trọn vẹn.
Mở đầu là chương "Yên" - kể lại những cảm xúc trong trẻo và khát vọng ban đầu. Tiếp nối là "Duyên" - những mối nhân duyên định mệnh đã ảnh hưởng sâu sắc đến con đường của Thụy Miên.
Sau những khởi đầu tươi đẹp, Thụy Miên bước vào giai đoạn "Sóng gió" - nơi những thử thách và khó khăn ập đến. Và rồi cuối cùng, Thụy Miên đến với "Huy Hoàng" - chương đánh dấu sự thành công sau những nỗ lực không ngừng nghỉ.
Điểm nhấn đặc biệt và cũng là kết thúc trọn vẹn cho câu chuyện là màn trình diễn kết hợp giữa âm nhạc và thời trang, giới thiệu 10 bộ áo dài do chính Thụy Miên thiết kế. Sau tất cả, đêm tạp kỹ "Thụy Miên" đã diễn ra thành công, để lại nhiều dư âm đẹp đẽ trong lòng khán giả.
Không chỉ có những đại tiệc nghệ thuật mãn nhãn, đồ án cuối môn về tổ chức sự kiện của sinh viên còn là điểm hẹn giao thoa tinh tế giữa yếu tố nghệ thuật hiện đại và những giá trị truyền thống được trân trọng gìn giữ.
Tiêu biểu, sự kiện "Tết Nguyên Phong" của sinh viên nhóm ngành Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn đã tái hiện những khung cảnh du xuân rộn ràng của ngày Tết cổ truyền và trao gửi nhiều lời chúc ý nghĩa ngay tại sân trường.
Trong không gian Tết được bài trí rực rỡ, ấm cúng, khán giả cùng nhau chiêm ngưỡng bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng với chủ đề "Sắc xuân 3 miền".
Bộ sưu tập có sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, khắc họa vẻ đẹp đặc trưng của tà áo dài ba miền Bắc - Trung - Nam.
Chính các bạn sinh viên đã hóa thân thành "model" thực thụ, trình diễn với dáng vẻ tự tin và truyền tải thông điệp tự hào và yêu từng nét đẹp văn hóa trên mọi miền đất nước.
Điểm nhấn của sự kiện còn là những gian hàng vừa đậm bản sắc Tết Việt vừa đan xen nét trẻ trung như gian hàng bánh dân gian, gian hàng tò he, gian hàng thư pháp, gian hàng gieo quẻ, trò chơi lô tô, khu vực boardgame và khu vực chụp ảnh.
Một "phố xuân thu nhỏ" giữa lòng trường đại học với không khí rộn ràng và những khoảnh khắc đáng nhớ.
Nếu "Tết Nguyên Phong" lan tỏa nét đẹp ngày Tết cổ truyền dân tộc, thì đêm nhạc "Vệt - Hồn Việt trong tim mẹ" lại kết nối thế hệ trẻ với những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gởi gắm trọn vẹn lòng tri ân sâu sắc đối với những người mẹ Việt Nam anh hùng.
Những ca khúc về mẹ quen thuộc như "Huyền thoại mẹ", "Lòng mẹ", "Mẹ yêu con", "Bát cơm mặn", "Ước mơ của mẹ", "Chưa bao giờ mẹ kể", "Bao lời con chưa nói" với giai điệu da diết đã lấy đi nước mắt của không ít khán giả.
Song song đó, vở kịch "Tiếng trống báo hiệu" nối dài mạch cảm xúc, khắc họa tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân.
Từng tiết mục là một lát cắt cảm xúc vừa chân thật, vừa nghệ thuật, đưa người xem hướng đến những giá trị của độc lập, tự do.
Trong vỏn vẹn khoảng 2 tháng, sinh viên được yêu cầu thực hiện tất cả các khâu gồm lựa chọn chủ đề, lập kế hoạch, xây dựng kịch bản, truyền thông quảng bá, thiết kế - dàn dựng sân khấu và hậu cần,...
Lúc này các bạn tạm gác lại danh xưng sinh viên, mà phải "nhập" vào vai trò như những chuyên viên tổ chức sự kiện chuyên nghiệp, phân ra từng đội nhóm gồm ban tổ chức, thư ký, âm thanh ánh sáng, thiết kế - trang trí, lễ tân đối ngoại, hậu cần.
Các bạn không chỉ thực hiện các công việc chuyên môn cụ thể, mà còn cần phối hợp ăn ý và xử lý tình huống thực tế linh hoạt.
Cách học này đặt ra vô số thử thách, nhưng đồng thời cũng vô cùng thiết thực với các bạn.
Thay vì chỉ học kiến thức lý thuyết thông thường, dấn thân vào tính chất nghề nghiệp thực tế cho các bạn cơ hội kiểm chứng kiến thức đã học một cách trực quan, cũng như đúc kết thành kinh nghiệm quý báu cho hồ sơ năng lực.
Vượt khỏi giới hạn của đồ án kết thúc môn, mỗi một sự kiện thành công là bước tiến dài đối với sinh viên HUTECH trên hành trình xây dựng sự nghiệp.
Từ những kiến thức, kỹ năng được trui rèn từ giảng đường đại học, các bạn ngày càng tự tin bước ra môi trường thực tế - nơi đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo và bản lĩnh.