Nhảy đến nội dung

Sinh viên chủ động học AI để tìm việc

Linh, sinh viên năm ba ngành Tài chính, Học viện Ngân hàng, đặt mục tiêu làm việc tại các ngân hàng sau khi ra trường, hoặc vị trí phân tích tài chính tại các công ty về logistics, xuất nhập khẩu.

Tham khảo yêu cầu của các doanh nghiệp, Linh chưa thấy đơn vị nào yêu cầu cứng về khả năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI. Nhưng khi hỏi các nhà tuyển dụng, em biết đây là lợi thế giúp hồ sơ tăng sức cạnh tranh.

"Biết ứng dụng AI để xử lý công việc sẽ giúp tăng hiệu suất - điều công ty nào cũng mong muốn, từ đó thu nhập cũng tốt hơn", Linh nhìn nhận. "Em nghĩ AI sẽ là trợ thủ đắc lực trong phân tích dữ liệu, tổng hợp thông tin, nên phải học cách dùng".

Từ đầu năm học này, Linh thường xuyên sử dụng ChatGPT hay Deepseek. Em cũng tìm học các khóa ngắn, khoảng 10-20 giờ, miễn phí hoặc có cấp học bổng trên Google hay Coursera.

"Hè này, em sẽ chi khoảng 3 triệu đồng cho khóa học 1-2 tháng ở một trường kỹ thuật", Linh kể.

Thu Hoài, sinh viên năm thứ ba ngành Kế toán, cũng đang tìm khóa học ngắn hạn về ứng dụng AI trong công việc, sau thời gian tự mày mò tìm hiểu.

"Em đang sử dụng một số ứng dụng AI hỗ trợ phân tích dữ liệu, làm slide, video..., phục vụ việc học", Hoài cho hay. "Nhưng để sử dụng một cách bài bản và chuyên sâu, em thấy cần hiểu rõ hơn về AI".

Kế toán gần đây được cho là một trong những công việc dễ bị AI thay thế. Nhưng Hoài nhìn nhận AI chỉ thay thế cho những nhân sự không biết sử dụng nó.

"Vì vậy, em phải trang bị ngay từ bây giờ để không thất nghiệp", Hoài nói.

Không chỉ sinh viên khối ngành Kinh tế, nhiều sinh viên Sư phạm, Công nghệ thông tin cũng đang học thêm về AI.

Thanh Tùng, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, lấy ví dụ khi làm slide bài giảng, chỉ cần hai ứng dụng là ChatGPT và Gamma AI, em có thể soạn bài nhanh gấp 20 lần so với thông thường.

"Em góp tiền cùng bạn sử dụng chung bản nâng cấp của các ứng dụng AI, từ đó học dần dần", Tùng chia sẻ.

Nguyễn Tất Minh, vừa tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng dự kiến học thêm về AI để mở rộng cơ hội việc làm và hướng phát triển sau này, thay vì chỉ tập trung vào mảng làm website, viết phần mềm như thời gian học.

Nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, cho rằng việc sinh viên chủ động trang bị kiến thức và kỹ năng về AI là rất cần thiết, dù chưa nhiều doanh nghiệp bắt buộc kỹ năng này.

Theo một khảo sát của nền tảng công nghệ tuyển dụng JobOKO với 2.000 nhân sự tại các doanh nghiệp, khoảng 56% xác nhận sử dụng AI giúp nâng cao hiệu suất công việc ít nhất 10%. Gần một phần ba trong số đó cho biết AI giúp tiết kiệm hơn 30% thời gian làm việc.

Tuy vậy, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc điều hành nền tảng này, nhận định phần lớn sinh viên hiện nay còn thiếu khá nhiều kỹ năng về AI, nhất là để áp dụng nó chuyên sâu vào công việc.

Điều này cũng tồn tại ở cả nhân sự đang đi làm. Một khảo sát khác cho thấy chỉ 15,7% nhân sự tự tin về khả năng sử dụng AI trong công việc. Số còn lại chủ yếu chỉ biết cách dùng cơ bản, chưa ứng dụng được nhiều.

Ông Tuấn Anh cho rằng dù mô tả công việc chưa bắt buộc về kỹ năng AI nhưng nhu cầu của nhà tuyển dụng về ứng viên có kỹ năng AI ngày càng cao, thậm chí sẽ thành tiêu chí bắt buộc trong thời gian tới ở nhiều ngành nghề như Marketing, Công nghệ thông tin, Tài chính.

"Những ai biết kết hợp chuyên môn với công nghệ sẽ có lợi thế lớn trong tìm việc và phát triển nghề nghiệp", ông nói.

Ông Lê Ngọc Huy, Trưởng phòng PwC's Academy thuộc tập đoàn PwC - một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới (Big 4), cho biết trước đây tiếng Anh là lợi thế khi ứng tuyển vào các công ty Big 4, còn giờ đây khả năng tiếng Anh là bắt buộc, biết sử dụng AI mới tạo ra lợi thế cạnh tranh.

"Một trong những điều chúng tôi đang và sẽ rất quan tâm là sử dụng AI. Chúng tôi hay hỏi ứng viên đã ứng dụng AI trong học tập, làm việc như thế nào", ông Huy nói. "Tất nhiên AI không thay thế các bạn nhưng những sinh viên giỏi AI sẽ thay thế các bạn".

Trong buổi giao lưu với sinh viên tại Hà Nội hôm 7/5, bà Lê Hồng Thủy Tiên, CEO tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), cũng đề cập việc này.

"Các bạn đừng xem thường AI bởi sau này nó sẽ cạnh tranh việc làm với các bạn. Các bạn phải coi chừng nó, nhưng nếu không hiểu thì không thể coi chừng được", bà nhìn nhận.

Từ thực tế trên, ông Phạm Tuấn Anh khuyên sinh viên ở bất kỳ ngành nào cũng nên học thêm về AI và phân tích dữ liệu, đảm bảo hiểu sâu và có thể sử dụng AI giúp tăng hiệu suất gấp nhiều lần. Cùng đó, các em tiếp tục rèn tư duy phân tích, tăng cường kỹ năng mềm và ngoại ngữ.

"Lợi thế của các bạn trẻ là học rất nhanh nên hoàn toàn có thể thích ứng tốt", ông Tuấn Anh nhìn nhận. "Các bạn có kiến thức, kỹ năng chuyên môn tốt nếu biết tận dụng AI để tăng tốc thì hoàn toàn có thể vượt trội so với nhân sự lâu năm".

Dương Tâm - Lệ Nguyễn