SIM rác lừa đảo chặn hoài không hết

Mặc dù cơ quan quản lý đã áp dụng nhiều biện pháp như siết chặt SIM chính chủ, yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông áp dụng công nghệ để chặn các cuộc gọi rác… nhưng người dân vẫn thường xuyên bị làm phiền và lừa đảo từ những cuộc gọi này.
Gọi rác, nhá máy, lừa đảo vẫn hoành hành
Sáng cuối tuần, anh Nguyễn Thanh Bảo, bác sĩ tại một bệnh viện ở TP.HCM, đang vệ sinh cá nhân thì có cuộc gọi đến. Tưởng cuộc gọi quan trọng, anh Bảo mở máy lên thì bên kia là một giọng nói nữ giới thiệu là nhân viên của công ty chứng khoán. Quá bực bội, anh Bảo hỏi tại sao công ty chứng khoán mà lại gọi vào chủ nhật, lập tức đầu dây bên kia tắt máy ngay.
Cùng gặp trường hợp người tự xưng nhân viên công ty chứng khoán SSI gọi đến làm phiền, anh Phạm Minh Đức, trưởng phòng kinh doanh một công ty phụ kiện ô tô, gặng hỏi địa chỉ công ty SSI nằm ở đâu nhưng nhân viên này không trả lời được mà cứ vòng vo, và cuối cùng tắt máy đầy nghi vấn. Anh Đức cho biết hằng ngày đều phải nhận rất nhiều cuộc gọi rác ngoài ý muốn, trong đó có những cuộc gọi đầy dấu hiệu mạo danh để lừa đảo và không ít cuộc gọi nhỡ, nhá máy liên tục.
Những trường hợp gọi rác hiện nay đa phần nhằm chào mời mua bán bất động sản, đầu tư chứng khoán và nhiều trường hợp mạo danh shipper, nhân viên điện lực để lừa đảo. Mới đây, chị L.T.T.L (26 tuổi, đang làm việc tại TP.HCM) nhận cuộc gọi từ số lạ xưng danh bên điện lực thông báo tiền điện tháng 2 ở quê nhà ngoài Bình Định chưa đóng tiền. Lúc này, sau một đêm tăng ca ở nhà máy, chị L. thức dậy trong trạng lơ mơ và tưởng mình chưa đóng thật. Qua một hồi bị nhân viên mạo danh "thao túng tâm lý", chị như bị thôi miên, làm theo mọi yêu cầu của đầu dây bên kia. Kẻ lừa đảo gửi cho chị một mã QR để đóng tiền, và một đường link để xác nhận. Sau khi chỉ chuyển vài trăm ngàn tiền điện tháng 2, chị L. kiểm tra số dư tài khoản ngân hàng mới bàng hoàng biết mình mất sạch 60 triệu đồng tích góp.
Liên tục thời gian gần đây, cổng thông tin "Trang Trắng" - nơi tra cứu số điện thoại lừa đảo - thường xuyên nhận được báo cáo của người dùng bị số điện thoại lạ làm phiền. Đơn cử, ngay trong ngày 2.5, người dùng tên Xuân Đường (ngụ tại TP.HCM) báo cáo số điện thoại 0909456947 giả mạo shipper để lừa đảo. Cùng lúc đó, một người dùng khác tên Đạt Phước, ngụ tại TP.Cần Thơ, cũng báo cáo số điện thoại này có hành vi giả mạo shipper để lừa đảo tương tự. Như vậy người sử dụng số điện thoại này đã gọi khắp nơi, gọi nhiều người ở nhiều địa phương khác nhau với ý đồ dẫn dụ nạn nhân chuyển tiền thanh toán đơn hàng không có thật.
Trong ngày 2.5, trang tra cứu thông tin nói trên còn ghi nhận số điện thoại 0919346081 được nhiều người báo cáo nhất với hình thức mạo danh nhân viên điện lực để lừa đảo. Cụ thể, số điện thoại này đã bị hàng loạt người dân tại Thanh Hóa, Hà Nội, Đắk Lắk, Bình Thuận… đồng loạt báo cáo hành vi giả danh nhân viên điện lực với những yêu cầu không hợp lý như kết bạn trên Zalo để gửi thông tin cá nhân.
Khi nói chuyện với nạn nhân, người sử dụng số điện thoại này tạo ra tình huống khẩn cấp để khiến người nghe dễ bị thuyết phục làm theo hướng dẫn kết bạn và tải ứng dụng theo đường link họ gửi. Một số người dùng khác cũng cho biết họ nhận được cuộc gọi nhá máy từ số điện thoại này, mục đích thu hút sự chú ý và nếu ai đó tò mò gọi lại thì đối tượng này sẽ thực hiện các hành vi lừa đảo tiếp theo.
Vì sao số điện thoại rác vẫn quá nhiều?
Thống kê từ hệ thống nTrust của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) cho thấy chỉ trong 6 tháng cuối năm 2024 đã ghi nhận 134.000 báo cáo liên quan đến các số điện thoại lừa đảo. Hệ thống nTrust cũng liên tục cập nhật mới các số điện thoại lừa đảo, làm phiền, danh sách cập nhật trong năm 2024 lên tới 296.000 số điện thoại spam, lừa đảo. Trong tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Vietcombank cũng đã phát đi thông báo về các số điện thoại mà kẻ gian sử dụng để mạo danh nhân viên ngân hàng, bao gồm: 0236.688.8766, 0248.886.0469, 02888.865.154, 1900.355.561…
Công an tỉnh Bình Định cũng cảnh báo người dân về 2 số điện thoại mạo danh nhân viên điện lực để lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng: 0889.050.231 và 0917.896.904. Với thủ đoạn tương tự, tại Hà Nội, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều số điện thoại như 0598.428.337, 0598.427.578, 0819.343.248… để tiếp cận người dân ở các quận Đông Anh, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai. Tại Sơn La, Công an tỉnh cho biết đã ghi nhận 2 số điện thoại giả danh cán bộ công an, điều tra viên là: 0833.109.259 và 0853.975.728.
Trả lời PV Thanh Niên chiều 2.5, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ thuộc NCA, chia sẻ: "Cơ quan quản lý nhà nước liên tục rà soát, yêu cầu cập nhật thông tin thuê bao để mạnh tay xử lý các số điện thoại rác, ngăn chặn tình trạng spam. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng các đối tượng thuê người dân đăng ký số điện thoại bằng thông tin chính chủ, sau đó mua lại để sử dụng. Các đối tượng sau đó cắm sim vào thiết bị chuyên dụng, sử dụng phần mềm trên máy tính để thực hiện hàng chục cuộc gọi cùng lúc. Khác với tài khoản ngân hàng mỗi lần chuyển khoản đều phải xác thực sinh trắc học, SIM điện thoại chỉ cần xác thực 1 lần khi đăng ký nên các đối tượng xấu có thể mua lại SIM đã đăng ký bởi người khác và sử dụng vào mục đích lừa đảo. Thực tế hiện nay, qua khảo sát và thống kê, chúng tôi nhận thấy tình trạng dùng SIM chính chủ đăng ký nhưng người khác sử dụng là khá phổ biến".
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn an ninh mạng Athena, cũng nhận định: "Một trong những nguyên nhân khiến SIM rác, cuộc gọi rác vẫn còn nhiều là do các doanh nghiệp viễn thông chưa thực hiện nghiêm các quy định để bảo vệ người dân. Thực tế hiện nay, cơ quan chức năng đã xây dựng nên các tổng đài để báo cáo nhưng việc xử lý SIM bị báo cáo như thế nào cũng chưa rõ ràng. Bằng chứng là sau khi gọi người này để lừa không được thì chủ SIM rác lại gọi cho người khác, liên tục spam nhưng không bị xử lý tức thời mặc dù người dùng đã báo cáo. Sau khi siết chặt quản lý SIM di động thì hiện nay các đầu số tổng đài ảo lại ra đời và mức độ spam còn khủng khiếp hơn. Một khi các nhà mạng vẫn còn xem đây là nguồn thu lớn thì rất khó có thể xử lý triệt để được".
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Cục Viễn thông (Bộ KH-CN) cho biết: "Thực hiện chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành sẽ tăng cường các biện pháp để phòng chống lừa đảo trực tuyến cũng như các cuộc gọi rác có ý đồ lừa đảo. Trong đó, Bộ KH-CN phối hợp với Ngân hàng Nhà nước VN sẽ nghiên cứu phương án đối khớp thông tin chủ tài khoản, người đại diện hợp pháp với thông tin chủ thuê bao di động theo số điện thoại di động đã đăng ký trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán, ví điện tử. Bộ cũng sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện xác thực, lưu giữ, sử dụng thông tin thuê bao viễn thông và xử lý SIM có thông tin thuê bao viễn thông chưa đầy đủ, không chính xác theo quy định".