Siêu dông gây lật tàu ở Hạ Long: Vì sao dự báo trước vẫn khó lường?
Hiện tượng dông nói chung rất khó cảnh báo chính xác về thời điểm và vị trí cụ thể mà chỉ có thể dự báo khả năng xuất hiện.
|
Cơn dông ở vịnh Hạ Long rất hiếm gặp. Nguồn: TTXVN. |
Theo Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Khí hậu (Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường), siêu dông hay còn gọi là dông đa ổ, tức là tập hợp nhiều đám mây dông nhỏ cùng phát triển trong một không gian rộng lớn. Thông thường, một cơn dông chỉ tồn tại trong khoảng 30 phút đến 1 giờ. Siêu dông có thể kéo dài từ 2-3 tiếng, thậm chí đến 6 tiếng nhưng tốc độ hình thành và di chuyển rất nhanh.
Tuy nhiên, sự cố lật tàu được cho là do siêu dông tại vịnh Hạ Long vào ngày 19/7, cho thấy vẫn còn khoảng cách giữa thông tin dự báo và thực tiễn.
Cơn dông ở vịnh Hạ Long rất hiếm gặp
Chia sẻ về vấn đề trên, chuyên gia Trương Bá Kiên - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Khí hậu, cho biết ngoài cơn dông tại vịnh Hạ Long mới đây, trận siêu dông gần đây nhất ở Việt Nam xuất hiện vào ngày 21/6/2015 tại Hà Nội và khu vực lân cận. Tuy nhiên xét về các chỉ số, cơn dông hôm 19/7 mạnh hơn rất nhiều.
Ông Kiên lý giải, hiện tượng dông xảy ra ngày 19/7 tại vịnh Hạ Long, được xác định hình thành từ Trung Quốc, sau đó di chuyển dần về phía Nam, đi qua Quảng Ninh và lan rộng khắp khu vực Bắc Bộ, thậm chí xuống đến các tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh. Độ bất ổn định khí quyển trong cơn dông rất cao, thể hiện qua nhiều chỉ số.
Đơn cử, chỉ số đối lưu tiềm năng (CAPE) đạt gần 4.500 J/kg. Theo thông lệ, chỉ số CAPE từ 1.500-2.000 J/kg đã đủ gây ra dông mạnh, trên 3.000 J/kg là dông rất mạnh, còn gần 4.500 J/kg (như cơn dông chiều 19/7) là mức rất hiếm gặp và nguy hiểm.
Một điểm khác cho thấy mức độ nguy hiểm của cơn dông trên, là chỉ số lực nâng (LI) đo độ mạnh của quá trình không khí ẩm bốc lên, ghi nhận ở mức -7, trong khi mức thông thường của dông mạnh chỉ là -2 đến -3. Chỉ số càng âm càng thể hiện không khí bất ổn, khả năng phát triển đối lưu không khí gây mưa dông càng cao.
Ngoài ra, lượng hơi nước toàn bộ trong cột khí quyển đo được là 65 mm, vượt xa mức thông thường của các cơn dông phổ biến (chỉ khoảng 20-30 mm). Điều này cho thấy độ ẩm rất cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho mây dông phát triển mạnh.
Trên thực tế, số liệu quan trắc cũng cơ quan chuyên môn tại tỉnh Quảng Ninh cũng đã ghi nhận gió giật cấp 10 (tương đương khoảng 25-26 m/s), thậm chí có thể lên đến cấp 11 tại một số nơi không có trạm quan trắc. Bên cạnh đó, hiện tượng mưa đá, sét giữa các đám mây dông... cũng được ghi nhận.
“Như vậy, so sánh với trận siêu dông từng xảy ra ngày 21/6/2015 tại Hà Nội, các thông số về độ bất ổn định khí quyển và độ đứt gió (mức chênh lệch tốc độ và hướng gió theo độ cao) của cơn dông mới đây cao hơn 1,5-2 lần,” ông Kiên phân tích.
Ông Kiên cũng lưu ý khu vực Bắc Bộ trước đó đã trải qua 3 ngày nắng nóng liên tục. Chính nền nhiệt tăng cao kết hợp với khối không khí ẩm và các điều kiện địa hình thuận lợi, đã kích hoạt quá trình đối lưu mạnh, dẫn đến sự hình thành siêu dông. Quá trình này còn có thể gây gió giật mạnh ở nhiều nơi.
Trong ngành dự báo khí tượng, hiện tượng dông nói chung rất khó cảnh báo chính xác về thời điểm và vị trí cụ thể, mà chỉ có thể dự báo khả năng xuất hiện. Thông thường, một cơn dông chỉ tồn tại trong khoảng 30 phút đến 1 giờ.
Siêu dông có thể kéo dài từ 2-3 tiếng, thậm chí đến 6 tiếng nhưng tốc độ hình thành và di chuyển rất nhanh. Ngay cả ở các quốc gia có hệ thống dự báo tiên tiến như Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản, việc dự báo dông cũng chỉ dừng ở mức cảnh báo sớm khoảng 1-2 tiếng và thường chỉ nhận diện được nguy cơ, khả năng có thể xảy ra dông.
Đối với cơn dông ngày 19/7, cơ quan khí tượng đã phát bản tin dự báo thời tiết biển vào sáng sớm, trong đó dự báo vùng biển vịnh Bắc Bộ có mưa rào và dông vài nơi, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Đài Khí tượng Thủy văn khi phát hiện có mây đối lưu đang phát triển cũng đã ban hành hai bản tin vào lúc 11h45 và 13h30. Đáng tiếc, sự cố lật tàu tại vịnh Hạ Long lại xảy ra.
“Đây là sự cố rất hy hữu. Tình huống này cũng cho thấy vẫn còn khoảng cách giữa thông tin dự báo và thực tiễn. Đây là thách thức mà các cơ quan khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai đang cố gắng vượt qua,” ông Kiên chia sẻ.
Về một số ý kiến cho rằng siêu dông trên có liên quan đến cơn bão số 3, ông Kiên khẳng định điều này không chính xác. Bởi lẽ, cơn bão cấp 9 khi đó vừa vào Biển Đông, cách Hạ Long khoảng 900-1.000 km và bán kính ảnh hưởng chỉ 200-300 km. Do vậy, không có mối liên hệ trực tiếp giữa bão và siêu dông.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy có khả năng tồn tại mối liên kết xa giữa các hệ thống thời tiết lớn, có thể ảnh hưởng đến cường độ gió ở các khu vực lân cận, gián tiếp góp phần làm gia tăng điều kiện hình thành dông mạnh.
|
Ngày 19/7, chiếc tàu du lịch mang số hiệu QN-7105 đã bị đắm tại khu vực gần hang Đầu Gỗ, vịnh Hạ Long, do dông lốc bất ngờ. |
Sau khi gió bão qua dễ xảy ra lũ quét, sạt lở
Về diễn biễn thời tiết sau bão số 3, giới chuyên gia khí tượng lưu ý những dải thời tiết xấu sẽ thường xuất hiện, gây mưa dông tại những khu vực khác nhau.
Vì vậy, để biết chính xác thời điểm và khu vực xuất hiện mây dông, cũng như cường độ mưa dông, người dân cần chủ động theo dõi các bản tin dự báo, có thể theo dõi dữ liệu quan trắc thời gian thực từ trang web https://iweather.gov.vn/.
Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhận định với hướng di chuyển hiện tại chủ yếu, ảnh hưởng của bão số 3 chủ yếu là mưa lớn và gió mạnh; vùng mưa chuyển dần về vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An và sau đó sang thượng Lào.
Dự báo trong ngày và đêm 22/7, khu vực phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục mưa to đến rất to (100-200 mm, có nơi trên 300 mm). Những khu vực khác như Bắc Bộ và Hà Tĩnh, dự báo có mưa vừa, có nơi trên 100 mm.
Ngoài ra, mưa cực đoan thời đoạn ngắn lên tới hàng trăm mm trong 1 giờ có thể kích hoạt thiên tai rất nhanh, bất ngờ. Vì vậy, người dân sinh sống ven các con sông, bên các sườn đồi núi, suối cần tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng phòng chống thiên tai, sơ tán khỏi vùng có nguy cơ khi có yêu cầu.
Hơn 600 trang Việt Nam - Lãnh thổ và các vùng địa lý đã bao quát toàn bộ cảnh quan và đặc điểm cụ thể từng vùng ở Việt Nam trên nhiều góc nhìn như tự nhiên, khí hậu, đất đai, sông ngòi, dân cư, đặc trưng kinh tế. Đây được xem là tác phẩm kinh điển về địa lý Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo.