"Siêu cảng" container 7.000 tỷ: Mở toang cửa ngõ ra biển, Việt Nam ghi dấu trên bản đồ logistics thế giới

Dự án này là một mắt xích chiến lược trong quy hoạch phát triển cảng biển quốc gia, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu từ biển.
Mới đây, Hải Phòng đã tổ chức lễ khánh thành Bến cảng container quốc tế số 3 và 4 cảng Lạch Huyện - Cảng Hải Phòng. Dự án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2019. Công trình do Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư với số vốn khoảng 6.946 tỷ đồng.
Đây là một dự án trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Cảng Hải Phòng mà còn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng và cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Dự án gồm hai bến với tổng chiều dài 750 m, độ sâu -16 m, đủ năng lực tiếp nhận tàu mẹ đến 165.000 DWT (14.000 TEUs) và tàu 200.000 DWT khi giảm tải, cùng với bến sà lan và hệ thống thiết bị xếp dỡ hiện đại.
Đặc biệt, Bến số 3 và 4 được đầu tư và vận hành theo mô hình Cảng xanh – Cảng thông minh , ứng dụng công nghệ tiên tiến và tự động hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, tiết kiệm năng lượng và hướng tới phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng chung của ngành hàng hải toàn cầu.
Việc đưa vào khai thác Bến cảng số 3 và 4 tại Lạch Huyện đã hoàn thiện hệ thống 6 bến cảng hiện đại, góp phần nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa không chỉ cho Hải Phòng mà còn cho toàn bộ khu vực phía Bắc. Thời gian qua, sản lượng hàng hóa qua cảng Hải Phòng tăng trưởng mạnh, trung bình từ 12–15% mỗi năm, đạt 190 triệu tấn trong năm 2024 và dự kiến chạm mốc 212 triệu tấn vào năm 2025, vai trò của Lạch Huyện ngày càng mang tính chiến lược.
Theo quy hoạch, khu Bến cảng Lạch Huyện được định hướng trở thành cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, với đầy đủ chức năng phục vụ các loại hình vận tải: container, hàng tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí và cả bến cảng hành khách quốc tế.
Khu cảng này có khả năng tiếp nhận tàu container lên tới 18.000 TEU, tàu hàng tổng hợp và hàng rời đến 100.000 tấn, tàu chở hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn và tàu khách cỡ lớn đến 225.000 GT
Theo Quy hoạch Thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng sẽ trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chuyển đổi số, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước.
Đến năm 2050, Hải Phòng hướng đến là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển.
Như vậy, công trình này không chỉ là biểu tượng cho bước tiến mới trong năng lực cạnh tranh và kết nối toàn cầu của hệ thống logistics Việt Nam, mà còn là một mắt xích chiến lược trong quy hoạch phát triển cảng biển quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu từ biển.
Liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, trong năm qua, Hải Phòng khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế trọng điểm của khu vực phía Bắc và là một trong những đầu tàu tăng trưởng của cả nước. Với quy mô GRDP năm 2024 đạt gần 446.000 tỷ đồng và thu nhập bình quân đầu người khoảng 9.486 USD, Hải Phòng nằm trong nhóm 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất Việt Nam.
Đáng chú ý, thành phố đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hai chữ số liên tục trong suốt 10 năm qua, với mức tăng 11,01% trong năm 2024. Thành quả này đến từ chiến lược phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông – logistics, công nghiệp công nghệ cao, cùng với vai trò ngày càng quan trọng của cụm cảng biển nước sâu Lạch Huyện trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Trong 3 tháng đầu năm 2025, Hải Phòng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm trên địa bàn quý 1/2025,của Hải Phòng tăng 11,07% so với cùng kỳ năm trước, xếp thứ 6 cả nước về tốc độ tăng trưởng.