Siết dạy thêm để học sinh tự học: Cần có hướng dẫn, không bỏ mặc các em 'tự bơi'

Khi ban hành thông tư 29 siết lại việc dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh một trong những mục tiêu là để đẩy mạnh năng lực tự học của học sinh.
Nhưng việc tự học và dạy cách tự học trên thực tế vẫn là một khoảng trống lớn.
Nói về việc thúc đẩy tự học để học sinh đạt yêu cầu về kiến thức kỹ năng thay vì học thêm quá nhiều, một cán bộ quản lý cấp trường ở Hà Nội đã thẳng thừng cho rằng "đó chỉ là lý thuyết" vì trên thực tế, thầy cô giáo không cầm tay chỉ việc thì học trò khó đạt yêu cầu.
Áp lực, kỳ vọng của cha mẹ
Thầy Lê Văn Cường, giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho rằng lý do việc "tự học" ít được một số học sinh chú trọng, thay vào đó là đề cao quá mức việc "học thêm" là do phụ huynh lo lắng quá mức nhưng lại không muốn con vất vả.
Thêm nữa, việc thi cử vẫn nặng nề, nhiều khi vượt xa yêu cầu cần đạt của chương trình khiến cho cha mẹ và con đều thấy phải học thêm thì mới đạt điểm số cao, mới dễ đỗ đạt trong các kỳ thi căng thẳng.
Thầy Vũ Ngọc Toản, giáo viên hóa học Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, cũng cho rằng tâm lý sốt ruột muốn con đạt kết quả tốt trong các kỳ thi, vào học các trường tốt khiến cho nhiều phụ huynh lựa chọn cho con đi học thêm thay vì khích lệ con tự học. Trong khi ngoại trừ học sinh cuối cấp thì học sinh các lớp khác hiện nay đang bị phân tâm bởi nhiều thứ, trong đó bị chi phối nhiều ở thiết bị điện tử.
"Việc nhờ các công cụ hiện đại như Internet, Google, trí tuệ nhân tạo (AI) hiện phổ biến, có những ưu điểm giúp quá trình học tập dễ dàng hơn, nhưng cũng có mặt trái khiến học sinh dựa dẫm, lười tư duy nếu như không có sự giám sát của thầy cô giáo", thầy Toản chia sẻ.
Một số thầy cô giáo cho rằng động lực học tập của nhiều học sinh không có vì tâm lý "đi học cho cha mẹ, không phải cho mình". Nhưng các thầy cô giáo cũng thừa nhận có nhiều áp lực khác nhau dẫn tới việc thầy cô giáo chưa chú trọng rèn kỹ năng tự học của học sinh.
"Không phải học sinh nào cũng có ý thức học tập nên trên thực tế việc giao việc, kiểm soát việc tự học của học sinh một cách thực chất rất khó khăn. Áp lực từ các kỳ thi, từ chương trình có nhiều điểm mới, từ yêu cầu về thành tích và kỳ vọng của phụ huynh là những yếu tố khiến thầy cô giáo chỉ tập trung cho việc giảng dạy và làm sao để học sinh có kết quả học tập, thi cử tốt bằng con đường ngắn nhất", một giáo viên THPT của quận Tây Hồ chia sẻ tâm tư thật.
Cần hiểu đúng về tự học
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội, cho rằng để "tự học" có sự thay đổi tích cực thì trước hết phải hiểu đúng.
Ở góc độ học sinh, việc tự học cần phù hợp với lứa tuổi, đối tượng học sinh. Điều đó có nghĩa giáo viên không thể "buông" để học sinh tự xoay xở với việc tự học mà tùy theo mỗi lứa tuổi (tiểu học hay trung học), tùy theo đối tượng học sinh (được phân nhóm theo trình độ, ý thức) để có cách giao việc và giám sát khác nhau.
"Tự học không chỉ là hoạt động học sinh làm một mình ở nhà mà có thể ngay trên lớp và trong nhiều hoạt động đa dạng. Làm sao để học sinh phải đọc, phải tự thao tác như đo đạc, thực hành, tìm kiếm tư liệu, khai thác biểu đồ, số liệu được cung cấp... tùy theo nội dung học tập và yêu cầu về năng lực, kỹ năng từ đơn giản đến phức tạp hơn.
Có những nhiệm vụ học sinh thực hiện một mình nhưng có thể làm theo nhóm học tập. Có thể việc giao cho học sinh đọc một văn bản, trả lời một số câu hỏi, ghi lại một kết quả trải nghiệm cũng là tự học. Toàn bộ chuỗi hoạt động tự học này phải được giáo viên thiết kế, giao việc, hướng dẫn và giám sát.
Trong quá trình này, phụ huynh cũng có thể tham gia giám sát con nhưng thầy cô giáo và cha mẹ không thể làm hộ. Việc tự học, cần được quan tâm và phải bắt đầu từ khi học sinh học ở các lớp thấp thì mới hình thành kỹ năng, trở thành thói quen, sự chủ động từ phía người học", ông Thành nói.
Theo ông Thành, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra yêu cầu học sinh phải có kỹ năng tự học cao. Nhưng để đạt điều đó, giáo viên phải được tập huấn và có ý thức về việc "dạy cách tự học" cho học sinh.
Thầy cô giáo có thể giảm việc thuyết trình, giảng bài nhưng khối lượng công việc của giáo viên không giảm mà nhiều hơn, vất vả hơn nhất là trong giai đoạn thay đổi phương pháp, cách thức dạy học. Kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục của giáo viên phải đặt ra vấn đề hướng dẫn học sinh tự học và được trao đổi, kiểm soát thường xuyên trong sinh hoạt tổ chuyên môn.
Chương trình mới, thầy trò phải thay đổi
Cô Hoàng Anh, giáo viên dạy ngữ văn Trường THPT chuyên Chu Văn An, chia sẻ trước đây với chương trình môn văn cũ, dạy nội dung tác phẩm văn học nào, thi nội dung tác phẩm đó. Học sinh nghe cô giảng nhiều, ghi nhớ bài giảng là có thể làm bài thi đạt yêu cầu.
Nhưng chương trình mới hiện nay đã có nhiều thay đổi. Học sinh được chú trọng dạy để nâng cao các kỹ năng như đọc hiểu, viết văn. Tác phẩm trong chương trình chỉ là ngữ liệu để minh họa. Năm nay đề thi chuyển cấp hay thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ sử dụng ngữ liệu nằm ngoài chương trình.
Với thay đổi này, thầy cô giáo phải chú trọng dạy cho học sinh nắm chắc về lý thuyết (các thể loại văn bản, các bước để thực hiện những yêu cầu kiểm tra kỹ năng) và thực hành đọc, viết nhiều hơn.
"Ưu điểm của chương trình mới bắt buộc học sinh phải đọc nhiều hơn, viết nhiều hơn. Nhưng sẽ vất vả cho cả thầy trò. Vì thế việc hướng dẫn học sinh tự học qua các nhiệm vụ cụ thể rất cần thiết. Giáo viên thay vì lên lớp giảng bài là chủ yếu thì sẽ có nhiều việc phải làm như thiết kế các hoạt động, nội dung yêu cầu khác nhau cho học sinh, phải chấm bài chữa bài nhiều hơn", cô Hoàng Anh nói.
Thầy Vũ Ngọc Toản chia sẻ cách làm của thầy, theo đó việc hướng dẫn học sinh tự học có thể nằm ở phần giao nhiệm vụ trước, trong giờ học chính khóa và sau giờ học: "Thay vì thầy cô giáo làm như trước, nhiều việc sẽ chuyển giao cho học sinh chuẩn bị, thực hiện. Tuy vậy thầy cô giáo sẽ phải xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập, các hoạt động cần thiết rất kỹ lưỡng, gắn với yêu cầu cần đạt của nội dung chương trình".