Sếp FPT Đỗ Cao Bảo: '"Trong lịch sử, chưa bao giờ ngân sách đầu tư công của chính phủ lại xông xênh như bây giờ"

Mới đây, trên trang cá nhân của mình, ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT FPT đã có những chia sẻ về kinh tế Việt Nam thời gian gần đây.
Mở đầu bài viết, ông Bảo chia sẻ, cách đây độ 10 năm trở về trước, các tỉnh thành, các bộ ngành đều hóng ngân sách đầu tư công, trong khi đó các dự án vốn WB, ADB thì lấy tiêu chí giải ngân làm thước đo năng lực của những người phụ trách dự án.
"Thời ấy tôi cứ ước ao 'đến bao giờ Việt Nam chúng ta cũng lấy chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công là một trong những thước đo năng lực của tổ chức, của cá nhân?' và Giờ thì điều ước ao ấy đã trở thành hiện thực", ông Bảo cho hay.
Theo đó, trong năm 2024, Chính phủ liên tục đôn đốc, yêu cầu các tỉnh, thành phố, các bộ ngành nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công. Nhưng đến hết năm, cả nước mới giải ngân được có 70,24% vốn đầu tư công được cấp, tức chỉ khoảng 677.349 tỷ đồng.
Sang đến năm 2025, tổng vốn đầu tư công được nâng lên 790.729 tỷ đồng. Chính phủ lại tiếp tục yêu cầu các tỉnh, thành phố, các bộ ngành phải giải ngân được tối thiểu 95%, thậm chí 100% số vốn đầu tư công được cấp.
Không chỉ vậy, ông Bảo cho biết, năm 2024, thu ngân sách vượt 338.000 tỷ đồng so với kế hoạch. Khoản chi thường xuyên thì cố định. Điều đó đồng nghĩa với việc chi cho đầu tư công năm 2025 được phép cộng thêm 338.000 tỷ đồng nữa thành 1.130.729 tỷ đồng (Chính phủ đã đưa ra thông điệp vốn đầu tư công năm 2025 có thể được nâng lên trên 1 triệu tỷ đồng).
Năm 2025, 6 tháng đầu năm thu ngân sách nhà nước đạt 1.332.000 tỷ đồng, rất nhiều khả năng thu ngân sách nhà nước sẽ lại tiếp tục vượt dự toán cỡ 300.000 – 400.000 tỷ đồng. Vậy là năm 2026 chi cho đầu tư công lại có thể tăng thêm vài trăm ngàn tỷ đồng.
"Trong lịch sử, chưa bao giờ ngân sách đầu tư công của chính phủ lại xông xênh như bây giờ", ông Bảo đánh giá.
Vị lãnh đạo FPT cho biết, muốn tiêu được phải có năng lực, có trình độ. Tất nhiên là phải chi tiêu đúng các qui định của pháp luật, của Chính phủ, những dự án đầu tư phải mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, phải mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, phải tạo đà tăng trưởng cho các giai đoạn tiếp theo.
Về bản chất, chi tiêu (giải ngân vốn đầu tư công) không phải chỉ là bài toán tài chính và tiền bạc mà nó bao gồm cả năng lực tổ chức - điều hành, xây dựng đề án, thiết kế hệ thống, thiết kế kỹ thuật, các công nghệ có liên quan, năng lực triển khai cũng như năng lực vận hành, bảo hành, bảo trì hệ thống. Mà những cái này không thể có được trong một sớm, một chiều.
Vì lý do đó, ông Bảo cho rằng, để nâng cao năng lực giải ngân đầu tư công, Chính phủ có thể ra chính sách cứ tỉnh thành nào, bộ ngành nào giải ngân tốt, thì tiếp tục được cấp thêm vốn đầu tư công, cấp theo năng lực giải ngân (chứ không theo kiểu chia phần). Với cách làm này, những tỉnh thành, bộ ngành có năng lực sẽ làm được nhiều hơn các dự án, hệ thống cho chính mình và cho đất nước, còn các tỉnh thành, bộ ngành khác sẽ phải nỗ lực cao hơn, trong đó có cả việc học hỏi các tỉnh thành, bộ ngành đang làm tốt.
"Với tình hình thu ngân sách như năm 2024, 2025, với các đại dự án hạ tầng (sân bay, cảng biển, đường cao tốc, đường sắt đô thị - metro, đường sắt cao tốc, các đường vành đai Hà Nội & TP Hồ Chí Minh, các cầu lớn qua sông Hồng, sông Sài Gòn) đang và sắp triển khai, tôi tin rằng Việt Nam chúng ta đang thay da, đổi thịt từng ngày và đang thực sự vươn mình", ông Bảo viết.