Sếp dọa 'ChatGPT làm được 80% việc, có cần nhiều nhân sự?'

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã không còn là điều gì xa lạ. Nó len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống và công việc: Từ chăm sóc khách hàng đến viết nội dung, từ xử lý dữ liệu đến hỗ trợ lập trình.
Tôi là một người lao động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, từ chỗ hào hứng đón nhận AI như một "trợ lý thông minh", giờ đây ngày càng cảm nhận rõ nỗi lo lắng mơ hồ nhưng dai dẳng: Liệu tôi còn cần thiết trong tương lai? Liệu tôi có đang dần bị thay thế?
Khi ChatGPT hay Deepseek ra đời, tôi cùng nhiều đồng nghiệp đã vô cùng thích thú. Chúng tôi có thể viết bản nháp nhanh hơn, tìm ý tưởng phong phú hơn, kiểm tra chính tả hoặc gợi ý cách diễn đạt trôi chảy hơn.
Những gì trước đây mất hàng giờ, giờ chỉ cần vài phút. Một bài viết, một kịch bản video, thậm chí cả kế hoạch truyền thông, AI có thể hỗ trợ hoàn thành với tốc độ chóng mặt.
AI như một phép màu mở ra chân trời mới của sáng tạo. Nó làm tôi cảm thấy mình như được "nâng cấp". Tôi từng tin rằng, nếu biết tận dụng AI đúng cách, tôi sẽ không chỉ giữ được công việc, mà còn có thể tăng năng suất gấp đôi, gấp ba.
Nhưng rồi, cảm giác phấn khích ấy nhường chỗ cho một nỗi băn khoăn khó gọi tên.
Một lần, trong một cuộc họp nội bộ, sếp của tôi hỏi: "Giờ AI viết được bài blog khá tốt, liệu mình có cần thuê cả đội content như trước nữa không?". Câu hỏi không nhắm thẳng vào ai, nhưng tôi thấy như mũi dao kề sát lưng mình.
Tôi bắt đầu nhìn lại chính công việc của mình. Trước đây, bài viết cần đến sự tìm hiểu sâu sắc, góc nhìn cá nhân, kinh nghiệm và cảm xúc thật. Giờ đây, nhiều khách hàng không còn đòi hỏi điều đó. Họ cần số lượng, cần tốc độ, cần nhanh và rẻ. Nếu AI có thể làm được 70%, 80% những gì tôi làm, thì phần còn lại - liệu có đủ để tôi giữ được vị trí công việc?
Nỗi lo này không chỉ của riêng tôi. Một người bạn làm thiết kế đồ họa tâm sự rằng khách hàng giờ thường đòi bản demo cho vui bằng ChatGPT hay Deepseek trước khi quyết định thuê người thật. Lập trình viên thì bị yêu cầu dùng AI để code cho nhanh, nhưng đồng thời, họ cũng lo mình dần mất kỹ năng thực sự.
Một trong những điều khiến tôi ám ảnh là: Khi tôi sử dụng AI nhiều hơn, tôi cảm thấy mình ngày càng phụ thuộc vào nó. Tôi ít suy nghĩ độc lập hơn, dễ chấp nhận gợi ý từ máy móc mà không phản biện sâu sắc. Tôi nhận ra, có những bài viết mình chỉ trộn lại các nội dung AI đề xuất, mà thiếu vắng dấu ấn cá nhân.
Liệu có phải, chính tôi đang đánh mất giá trị con người trong công việc?
Thế giới vận hành theo quy luật năng suất, thứ gì nhanh hơn, rẻ hơn sẽ được ưa chuộng. AI là công cụ, nhưng cũng là tiêu chuẩn mới. Và khi con người bị so sánh với máy móc về hiệu quả, chúng ta sẽ thua. Không phải vì chúng ta kém, mà vì chúng ta khác.
AI không cần ngủ, không đòi tăng lương, không bị áp lực tinh thần. Nhưng nó cũng không có cảm xúc, không có trực giác, không hiểu được những chi tiết vụn vặt nhưng đầy tính người, thứ đôi khi làm nên linh hồn của một sản phẩm sáng tạo.
Tôi đã từng nghĩ rằng, chỉ cần học cách sử dụng AI giỏi, tôi sẽ không bị bỏ lại phía sau. Nhưng giờ tôi nhận ra, vấn đề không chỉ là sử dụng AI thế nào, mà còn là con người sẽ định vị mình ra sao trong một thế giới AI ngày càng mạnh?
Có lẽ, thay vì chạy đua với AI về tốc độ, chúng ta cần quay về những giá trị làm nên con người: sự đồng cảm, trí tưởng tượng, tính phản biện, đạo đức nghề nghiệp và cái nhìn nhân văn. AI có thể viết một bài thơ, nhưng chỉ con người mới biết cảm được bài thơ ấy. AI có thể mô phỏng một bức tranh, nhưng chỉ nghệ sĩ mới biết mình muốn truyền tải điều gì qua tranh.
Và cũng có thể, trong tương lai, thị trường sẽ dần phân hóa: Một bên là sản phẩm mì ăn liền do AI tạo ra, bên còn lại là những sản phẩm có chiều sâu, nơi người ta vẫn sẵn sàng trả giá cao cho cảm xúc thật, cho sự độc đáo không thể sao chép.
Nỗi lo khi làm việc với AI không chỉ đến từ nguy cơ mất việc, mà còn đến từ sự hoài nghi về chính bản thân: liệu tôi có đang thụ động hóa mình? Liệu tôi có đang để AI định hình lại tư duy và nghề nghiệp của chính tôi?
Câu trả lời, có lẽ, không có mẫu số chung. Nhưng điều tôi biết chắc, là nỗi lo ấy không phải để sợ hãi, mà để thức tỉnh. Để tôi và có thể là cả bạn dừng lại, nhìn vào nội lực thật sự của mình. Để nhớ rằng, chính con người mới là trung tâm. AI chỉ là công cụ không hơn.
TS