Sẽ sửa Luật BHYT tiến tới khám chữa bệnh miễn phí

Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết thông tin trên tại hội thảo "Nâng cao hơn nữa quyền lợi bệnh nhân trong chẩn đoán, điều trị" do Bộ Y tế và Báo Tiền Phong tổ chức, sáng 8/5.
Theo Thứ trưởng Thuấn, một trong những định hướng lớn mang tính đột phá đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh gần đây, đó là: "Phấn đấu để mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm và tiến tới miễn viện phí toàn dân". Ngành y tế xác định lộ trình 2026-2030 và 2031-2035 sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm để từng bước hiện thực hóa hai chủ trương lớn này.
Cụ thể, từ 2026 đến 2030, ngành y tế đặt mục tiêu 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT lên 100%, bảo đảm 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ hàng năm; đồng thời phát triển hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý trọn đời. Tỷ lệ chi trả trực tiếp từ người dân cho dịch vụ y tế sẽ giảm xuống dưới 20%; đồng chi trả trong khám chữa bệnh BHYT sẽ giảm dưới 10%.
Giai đoạn từ 2031-2035, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, từng bước triển khai chính sách miễn phí chăm sóc sức khỏe toàn dân. Mục tiêu đến năm 2045 là người dân không còn phải thanh toán thêm khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về bảo đảm an sinh y tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc miễn viện phí cần có lộ trình, hướng dẫn cụ thể. TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện SIS Cần Thơ, cho rằng "miễn phí" cần được làm rõ phạm vi và đối tượng áp dụng.
"Miễn phí ở đây là một bệnh nhân vào viện sau đó kết thúc điều trị không phải trả bất cứ đồng nào hay là chỉ được miễn phí ở phần nào", ông nói và thêm rằng hiện tại các bệnh đột quỵ, tim mạch, ung thư là ba bệnh nguy hiểm. Đột quỵ là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Bảo hiểm chi trả cho đột quỵ rất lớn, mỗi ca lên tới hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, nếu muốn giảm chi phí, hướng đến miễn viện phí thì giải pháp là dự phòng làm sao để giảm được bệnh tật.
PGS.TS Phạm Ngọc Đông, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, cũng lưu ý dù người dân không phải trả phí khi đi khám bệnh, song vẫn cần có nguồn tài chính khác để bù đắp khoản này. Hiện trên 90% dân số Việt Nam đã tham gia BHYT, song việc miễn phí hoàn toàn dịch vụ khám chữa bệnh vẫn chưa thể thực hiện, trong khi bảo hiểm nhân thọ lại cho phép người mua được miễn phí đầy đủ các dịch vụ.
Theo ông Đông, điểm khác biệt cơ bản giữa BHYT và bảo hiểm nhân thọ là mức đóng phí. Hiện tại, mức lương cơ bản ở Việt Nam còn thấp, kéo theo số tiền đóng bảo hiểm y tế cũng hạn chế so với nhu cầu chi trả thực tế. Ông đặt vấn đề nên chăng chuyển sang đóng bảo hiểm y tế theo thu nhập thay vì theo lương cơ bản. Bởi trong bối cảnh giá thiết bị, thuốc men chủ yếu nhập khẩu theo giá quốc tế, nhưng mức đóng bảo hiểm lại vẫn tính theo thu nhập tại Việt Nam, dẫn tới nguy cơ mất cân đối quỹ.
Nếu điều chỉnh tỷ lệ đóng BHYT theo phần trăm thu nhập, quỹ bảo hiểm sẽ có nguồn lực mạnh hơn, mở rộng khả năng chi trả cho người bệnh, ông Đông bày tỏ, thêm rằng việc sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế cần đặc biệt lưu ý tới cách thức đóng phí cũng như phát triển các loại hình bảo hiểm bổ sung phù hợp thực tiễn.
Theo Ths Hoàng Trung Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, đến cuối năm 2024, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại Việt Nam đạt 94,2%. Nhóm yếu thế như hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mức đóng, trong khi người lao động, hưu trí đóng theo tỷ lệ lương hoặc mức lương cơ sở.
Với mức đóng hiện nay, quỹ BHYT vẫn giữ trạng thái cân đối. Dù vậy, việc mở rộng quyền lợi, tăng chi trả và điều chỉnh giá dịch vụ đòi hỏi ngành y tế nghiên cứu linh hoạt lại mức đóng, bảo đảm tương xứng với khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng và ngân sách Nhà nước.
Lê Nga