Nhảy đến nội dung

Sau vụ lòng se điếu, đại biểu đề nghị 'nghề của thanh tra' là phải làm đột xuất

Dẫn vụ việc "lòng se điếu", Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết, mới thông tin là sẽ cho kiểm tra thì truyền thông đã đăng tải rất nhiều, "đi đến đâu cũng thông báo em hết lòng", như thế sẽ rất khó.

Góp ý tại thảo luận tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) chiều nay, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM) cho biết, điểm mấu chốt của dự thảo luật là thay đổi hệ thống thanh tra, bỏ cấp sở, huyện, chỉ còn 2 cấp là Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh.

Thanh tra mà thông báo trước không vở sạch, chữ đẹp mới là lạ

Trước đây, sở ngành, quận huyện sẽ lo thanh tra chuyên môn nhiều hơn, còn thanh tra hành chính chủ yếu ở cấp trên, bây giờ chỉ còn 2 cấp thì "sẽ phải lo hết". Và giảm cấp đồng nghĩa giảm biên chế, con người.

Như vậy Thanh tra Chính phủ sẽ nhận thêm nhiệm vụ thanh tra của các bộ ngành, thanh tra tỉnh cũng nhận nhiệm của 16 sở, ngành với rất nhiều đặc thù.

Bà Lan chia sẻ có 10 năm làm việc ở sở y tế, thanh tra sở y tế thì chỉ ở sở còn công việc ở ngay các quận, huyện, các phòng mạch, nhà thuốc… nếu có chuyện xảy ra thì quận, huyện mới nắm rõ.

Khi TPHCM thí điểm Ban An toàn thực phẩm với mục tiêu tập hợp 3 ngành lại, chia người ra làm thanh tra, như cánh tay nối dài của sở thì phải bố trí thanh tra tại các quận, huyện để nếu có sự vụ thì lãnh đạo ngay lập tức gọi đội trưởng ở đó để nắm tình hình.

Bà bày tỏ thực tế cho thấy “trăm dâu đổ đầu tằm”, tất cả đều đổ về quận huyện, phường, xã. Vì thế việc có lực lượng tại chỗ là rất quan trọng.

Đại biểu băn khoăn khi thanh tra chuyên ngành tập trung hết ở thành phố, nếu có việc mới huy động thì sẽ mất thời gian. Tuy nhiên, dự thảo luật cũng quy định khi thủ trưởng cơ quan nhà nước phải thường xuyên tổ chức kiểm tra chấp hành chính sách pháp luật thuộc phạm vi của mình, các sở thì thực hiện chức năng kiểm tra chuyên ngành. Theo bà đây là quy định phù hợp.

Một vấn đề khác bà Lan lưu ý, đó là quy định về thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Thanh tra theo kế hoạch thì đầu năm lập kế hoạch sẽ thanh tra những đơn vị nào, đến ngày đó thì gửi văn bản đến đơn vị thông báo sẽ thanh tra.

"Thanh tra mà thông báo trước như vậy thì không vở sạch, chữ đẹp mới là lạ; thậm chí có trường hợp chây ì, vi phạm như thường. Như vậy sẽ không hiệu quả", bà nêu.

Theo đại biểu thanh tra đột xuất mới thể hiện được "nghề của thanh tra". Bà dẫn chứng vụ lòng se điếu được dư luận quan tâm vài ngày nay: "Tôi mới thông tin là sẽ cho kiểm tra thì truyền thông đã đăng tải rất nhiều, sau đó đi đến đâu cũng thông báo em hết lòng rồi, rất là khó".

Bà nhấn mạnh, thanh tra đột xuất là quyền của thanh tra nhà nước, phải làm thế nào để tất cả các đơn vị kinh doanh luôn tâm niệm "tôi có thể bị thanh tra, kiểm tra bất cứ lúc nào".

Nữ đại biểu cũng nêu về chuyện thanh tra nguồn thuốc khi nhiều chủ nhà thuốc phản ứng nói mỗi đơn vị chỉ bị thanh tra 1 lần và sẽ phản ánh lên UBND.

"Tôi nói cứ phản ánh, tôi nắm được nguồn tin thì vẫn làm, vì người dân, nếu làm thật thì sợ gì thanh tra", bà Lan nêu rõ.

Phân định thế nào thanh tra hành chính và chuyên ngành

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) đồng tình với dự thảo luật khi quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, ông băn khoăn về sự phù hợp và tính khả thi của việc áp dụng chung một trình tự, thủ tục do luật hiện hành quy định thực hiện theo trình tự, thủ tục khác nhau.

Ông dẫn báo cáo của Chính phủ năm 2024 về công tác phòng chống tham nhũng thì bên cạnh kết quả đạt được, công tác thanh tra còn có hạn chế. Một số trường hợp cán bộ thanh tra lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái công vụ, không thực hiện đúng trình tự, thủ tục thanh tra, kết luận thanh tra... gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý hình sự.

Ông đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để xác định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra cho phù hợp nhằm khắc phục những hạn chế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) cho biết ông hiểu rằng, hoạt động thanh tra sẽ bao gồm cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Khi kết thúc thanh tra chuyên ngành thì một phần chuyển sang cơ quan thanh tra, phần cơ bản còn lại chuyển thành kiểm tra chuyên ngành. 

Vì vậy theo ông, điều quan trọng nhất là phân định trách nhiệm, phạm vi thanh tra với kiểm tra chuyên ngành thế nào, bởi nếu không phân định được thì không rõ trách nhiệm.

Ông Ngô Trung Thành phân tích dự thảo luật bổ sung nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ là “thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của bộ đối với bộ không có thanh tra bộ”; “thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ không có thanh tra bộ”. Còn các bộ có trách nhiệm kiểm tra.

“Nếu xảy ra vi phạm ở trong cơ quan đó thì trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ đến đâu, trách nhiệm của bộ đến đâu?”, ông đặt vấn đề và cho rằng nếu không phân định rõ phần nào của thanh tra, phần nào của kiểm tra chuyên ngành thì sau này có chuyện gì xảy ra “rất khó xác định trách nhiệm”. Nếu không rõ trách nhiệm thì quản lý nhà nước cũng sẽ gặp khó khăn.