Nhảy đến nội dung
 

Sau tuổi 30, tôi chỉ ước mình là Trư Bát Giới: Người chọn làm Tôn Ngộ Không quả thực "ngốc" không chịu được

Có những “môn học” mà chương trình giáo dục chưa từng dạy, nhưng cuộc đời sau tuổi 30 lại bắt thi.

Hồi còn đi học, tôi là đứa không chịu đứng thứ hai trong bất kỳ bảng xếp hạng nào. Từ lớp 6 đến tận năm cuối đại học, tôi thuộc nhóm học sinh xuất sắc, luôn nằm trong top đầu. Tôi lao vào học như một con thiêu thân, ghi chép sạch đẹp, luyện đề ngày đêm, thậm chí từng ăn cơm trên bàn học vì không muốn mất thời gian di chuyển xuống nhà. Lý tưởng của tôi rất rõ ràng, rằng nếu đã đi học thì phải là Tôn Ngộ Không - người dẫn đầu, người gánh team, người thông minh nhất và được mọi người nể phục.

Tôi không chấp nhận mình là ai khác trong nhóm thỉnh kinh. Không phải Sa Tăng nhạt nhòa, càng không phải Trư Bát Giới lười biếng, tham ăn, dễ bị dụ. Ở thời điểm ấy, tôi coi sự chăm chỉ là đức hạnh, còn sự thảnh thơi là biểu hiện của yếu kém. Tôi cười thầm mỗi khi đứa bạn xin chép bài hay "cúp học" để đi xem phim, vì trong lòng nghĩ học hành là chuyện nghiêm túc, không có chỗ cho sự dễ dãi.

Nhưng rồi mọi thứ thay đổi khi tôi bước sang tuổi 30.

Tôi ra trường, đi làm, leo từng nấc thang trong công ty. Tôi luôn là người được giao việc khó, là người xử lý khủng hoảng, là người giỏi gánh team. Dường như suốt cả tuổi trẻ, tôi đã vô tình đào tạo bản thân trở thành siêu nhân toàn năng, nên giờ không ai nghĩ tôi có thể mệt, có thể sai, có thể... nói "không".

Đến một lúc, tôi bắt đầu mệt thật. Công việc ngốn trọn ngày đêm, đến mức có hôm tôi nhìn cái bàn làm việc mà rơi nước mắt. Không phải vì deadline, mà vì nhận ra mình đã đánh đổi quá nhiều để trở thành phiên bản của bản thân ở thời điểm hiện tại. Trong khi những người từng "học tà tà" ngày trước, bây giờ lại sống vô cùng an nhiên. Họ không cố làm Tôn Ngộ Không, họ chọn là Trư Bát Giới - người có thể ngủ giữa đường, ăn khi đói, mệt thì than, sai thì cười trừ.

Lúc ấy, tôi mới vỡ lẽ rằng làm Tôn Ngộ Không oai thật, nhưng khổ cũng thật. Ngay từ thời còn đi học, Ngộ Không đã là người làm nhiều nhưng ít ai hiểu. Trong đội hình đi thỉnh kinh, Ngộ Không là người đánh yêu quái, phá bẫy, cứu sư phụ... nhưng chỉ cần một lần lỡ tay, là bị trách mắng.

Chẳng phải học sinh giỏi cũng như vậy sao? Làm được thì không ai nhớ, nhưng chỉ cần sai một chút là bị phán xét nhiều hơn những người bình thường.

Những người như Bát Giới, có thể bị mắng là lười, là dở, nhưng lại ít áp lực hơn. Không ai đòi hỏi Bát Giới phải gồng gánh cả tập thể. Bát Giới cứ sống đúng bản chất của mình là thật thà, vui tính, đôi khi còn có mấy khoảnh khắc đáng yêu không ai thay thế được.

Tôi đã từng nghĩ mình đúng khi nỗ lực trở thành "Ngộ Không học đường", nhưng giờ tôi hiểu, không phải ai giỏi cũng hạnh phúc, và không phải ai hạnh phúc cũng cần phải giỏi. Có những thứ như sức khỏe tinh thần, thời gian cho bản thân, cảm giác bình an khi thức dậy mỗi sáng. Đó là những "môn học" mà chương trình giáo dục chưa từng dạy, nhưng cuộc đời sau tuổi 30 lại bắt thi.

Nhiều học sinh bây giờ cũng giống tôi ngày xưa nghĩ rằng chỉ cần học giỏi là đủ. Các em tin rằng thành tích cao sẽ là con đường ngắn nhất để dẫn tới thành công. Đúng, điều đó không sai. Nhưng tôi mong, trong hành trình học hành của mình, các em cũng đừng quên học cách sống chậm, sống vui, sống tử tế với chính mình. Đừng tự biến mình thành cỗ máy điểm số. Đừng nghĩ mình phải gồng gánh trách nhiệm của cả lớp, cả nhóm học, cả thế giới.

Sau tuổi 30, tôi bắt đầu tập sống giống Trư Bát Giới hơn một chút. Biết mệt thì nghỉ. Biết đói thì ăn. Biết áp lực thì thừa nhận, không ép bản thân phải luôn là người giỏi nhất. Tôi học cách vui với niềm vui nhỏ: một cốc trà sữa sau ngày dài, một tối không họp, một lần đi làm đúng giờ mà không phải vội. Và tôi thấy mình bình yên hơn hẳn cái thời cứ mãi làm "Tề Thiên Đại Thánh" trong mắt người khác.

Chúng ta đều từng muốn làm Tôn Ngộ Không mạnh mẽ, xuất sắc, không ai thay thế được. Nhưng nếu mệt rồi, xin hãy cho phép bản thân làm Trư Bát Giới một thời gian. Bởi vì, cuối cùng thì thỉnh kinh không phải chuyện của một người. Đó là cả một hành trình dài và ai cũng cần được sống với đúng vai của mình mà vẫn hạnh phúc.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn