Sau sầu riêng, hướng đến mang nhiều loại trái cây Việt "xuất khẩu tỷ USD"

(Dân trí) - Theo ThS Ngô Quốc Tuấn, những loại trái cây có lợi thế như chanh dây, chuối, dứa, dừa có thể phát triển vượt bậc lên nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD, góp phần giúp tăng sản lượng, doanh thu.
Còn không ít khó khăn
Phát biểu tại diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh dây, chuối, dứa, dừa”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trần Thanh Nam nêu thực trạng trái cây Việt Nam có cơ hội vươn xa nếu được tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và chinh phục thị trường bằng chất lượng, minh bạch và sự chuyên nghiệp.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến nay Việt Nam có 1,3 triệu ha diện tích trồng cây ăn quả; tổng sản lượng hàng năm ước đạt 15 triệu tấn.
“Dù quy mô sản xuất ngày càng tăng nhưng đến nay mới chỉ có mặt hàng sầu riêng vượt hẳn lên và hiện là mặt hàng trái cây duy nhất trong nhóm hàng xuất khẩu “tỷ đô” khi đạt kim ngạch xuất khẩu gần 2,3 tỷ USD năm 2023 và 3,3 tỷ USD năm 2024”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.
ThS Ngô Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, nhận định mặt hàng chanh dây, dừa, dứa, chuối có lợi thế là sản lượng lớn, khí hậu thuận lợi, có tiền đề xuất khẩu tại nhiều quốc gia có thị trường lớn...
Tuy nhiên, thị trường 4 loại trái cây nói trên đang đứng trước thách thức khi khoảng cách thị trường gây khó cho việc vận chuyển và bảo quản; một số trường hợp vi phạm kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm ở nước ngoài gây ảnh hưởng quá trình thương mại; cạnh tranh với các nước có những điểm ưu thế tương đồng với Việt Nam; rào cản kỹ thuật và kiểm dịch thực vật…
Những sản phẩm tiềm năng xuất khẩu tỷ USD
Tại diễn đàn, các chuyên gia chia sẻ rằng có không ít đối tác nước ngoài sẵn sàng chi hàng triệu USD để nhập khẩu trái cây Việt Nam.
Theo ThS Ngô Quốc Tuấn nhận định định hướng đến năm 2030, thị trường sẽ đạt sản lượng tăng cao so với thời điểm hiện tại, cụ thể là 250.000-300.000 tấn đối với chanh dây; 800.000-950.000 tấn với dứa; 2,6-3 triệu tấn đối với chuối; gia tăng chế biến – OCOP với dừa; đồng thời tăng sản lượng xuất khẩu ra các nước trên thế giới.
Để đạt kết quả nói trên, ThS Ngô Quốc Tuấn cho rằng các đơn vị cần đẩy nhanh đàm phán mở cửa thị trường; tăng cường thanh – kiểm tra mã số vùng; tuân thủ kỹ thuật canh tác và sử dụng thuốc đúng danh mục; hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu chuẩn GAP, hữu cơ; đầu tư, sơ chế, đóng gói, truy xuất nguồn gốc.
“Chúng ta cần định hướng cụ thể về mục tiêu to lớn là đạt được sự chấp thuận chính thức từ cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu, cho phép ít nhất 1 loại sản phẩm cụ thể của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã, hội nông dân cần trở thành mắt xích minh bạch, chất lượng, an toàn trong chuỗi giá trị”, ThS Ngô Quốc Tuấn nhấn mạnh.
TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Trưởng ban Hợp tác Quốc tế Hội Làm vườn Việt Nam, chia sẻ ngoài những giải pháp nói trên, cần có thêm chính sách hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp, hộ nông dân như ưu đãi tín dụng, thuế...; có chế độ đãi ngộ cho nhà khoa học để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất...
Phát biểu kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định rõ phương hướng tập trung đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc ngành hàng, nâng cấp chuỗi giá trị và đưa trái cây Việt vào hệ sinh thái nông nghiệp hiện đại, xanh và hội nhập.
Các nhiệm vụ cụ thể là phát triển vùng nguyên liệu theo quy hoạch tập trung, gắn với doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến; tăng cường công tác giống, kỹ thuật canh tác và giảm chi phí đầu vào; tái cấu trúc hệ thống chế biến và hậu cần nông sản; phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch; tổ chức lại chuỗi liên kết, nâng cao vai trò của hợp tác xã và doanh nghiệp đầu chuỗi; tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường.