Sau sáp nhập, Sở Xây dựng TP.HCM dự kiến có hơn 3.400 người

Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất mô hình tổ chức sau hợp nhất với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có 23 phòng, quy mô hơn 3.400 người.
![]() |
Dự kiến sau khi hợp nhất TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương, tổng số nhân sự của Sở Xây dựng TP.HCM là 3.409 người. Ảnh: S.T. |
Sở Xây dựng TP.HCM vừa có báo cáo gửi Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM về định hướng mô hình tổ chức và hoạt động sau khi hợp nhất với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trước khi sáp nhập, Sở Xây dựng TP.HCM có 23 phòng, trong khi Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 8 phòng và Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương có 9 phòng.
Tính đến tháng 4, tổng số nhân sự hiện có của Sở Xây dựng TP.HCM là 2.943 người, bao gồm 1.422 biên chế hành chính, 1.238 viên chức sự nghiệp và 285 lao động hợp đồng.
Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng cộng 279 người, gồm 88 biên chế hành chính, 173 viên chức sự nghiệp và 18 hợp đồng lao động.
Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương có 185 người, trong đó có 115 biên chế hành chính, 54 viên chức sự nghiệp và 16 hợp đồng.
Như vậy, sau khi hợp nhất, tổng số nhân sự của Sở Xây dựng TP.HCM mới là 3.409 người. Về tổ chức Đảng, tổng số đảng viên sau khi sáp nhập là 1.741 người, trong đó có 80 đảng viên dự bị.
Sở Xây dựng đề xuất sau khi hoàn tất sáp nhập, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ có 23 phòng như hiện tại. Nguyên tắc tổ chức được xác định là kế thừa cơ cấu tổ chức hiện nay của Sở Xây dựng TP.HCM.
Đồng thời, sáp nhập hoặc chuyển giao chức năng, nhiệm vụ của các phòng ban tại Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương có chức năng tương đồng vào các đơn vị trực thuộc Sở Xây dựng TP.HCM.
Sau khi sáp nhập, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ hoạt động tại 5 địa điểm. Trong đó, 3 địa điểm đặt tại TP.HCM là các trụ sở ở số 60 Trương Định, 168 Pasteur và 63 Lý Tự Trọng. Hai cơ sở còn lại là trụ sở số 198 Bạch Đằng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tháp A Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương.
Đối với hệ thống các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh, hiện TP.HCM có 3 Ban trực thuộc UBND TP, trong khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương mỗi nơi có 4 Ban.
Theo đề xuất, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị giữ nguyên 3 Ban Quản lý dự án hiện có của thành phố và tiến hành sáp nhập 8 Ban quản lý dự án của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương vào các Ban tương ứng của TP.HCM theo lĩnh vực chuyên môn.
Trong đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình tỉnh Bình Dương, Ban Quản lý dự án các chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ sáp nhập vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông tỉnh Bình Dương, Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM.
Ban Quản lý dự án chuyên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải tỉnh Bình Dương và Ban Quản lý dự án chuyên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM.
Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ được sáp nhập vào Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM.
Về công tác tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính, dự kiến được tổ chức tại 3 địa điểm gồm: Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.HCM đặt tại số 159 Pasteur (quận 3), tầng 1 tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương và số 4 đường Nguyễn Tất Thành, phường Phước Trung, TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.